Xóm... chạy gió

18/12/2008 14:43 GMT+7

Xóm “chạy gió” nằm cách làng biển Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chừng 7 cây số. Mỗi năm, người dân phải chuyển nhà đến hai lần: mùa gió nồm ở bãi Vũng, qua mùa gió bấc chuyển nhà sang bãi Tràn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một cư dân của xóm giải thích: “Phía trước là biển, sau lưng là những đồi cát. Bãi Tràn và bãi Vũng nằm ở hai đầu nam - bắc của dãy núi Mũi Điện. Đến mùa bấc, gió thổi từ hướng bắc, bãi Vũng bị cát bồi đắp biến thành sa mạc, qua mùa nồm, gió thổi ngược lại, cát bay che phủ cả bãi Tràn. Những đồi cát ở đây di chuyển theo mùa gió, vì vậy người dân cũng phải chuyển nhà ở theo chiều gió thổi, để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt này”. Anh Hùng cho biết thêm, trước đây có người đưa ra sáng kiến, xây nhà kiên cố trên những sườn núi cao để tránh cát, không còn cảnh phải dời nhà chạy gió. Nhưng, tránh được cát lại không che được gió và ở trên cao thì rất bất tiện trong việc mưu sinh, nên họ chấp nhận cuộc sống di cư. Thành ra, những ngôi nhà ở đây được làm bằng những vật liệu nhẹ, sẵn sàng tháo bung ra từng mảnh, di chuyển rất nhanh.

Nhiều gia đình trẻ ở xóm “chạy gió” sinh sống chủ yếu bằng nghề câu mực, thả lưới ở biển. Thúng chài là phương tiện duy nhất đưa họ ra khơi đánh bắt. Bất kể trời mưa to gió lớn, các chàng trai chèo những chiếc thúng dập dềnh ra biển buông lưới đánh bắt hải sản suốt cả ngày đêm. Ở trong bờ, chị em ngóng chờ từng chiếc thúng quay về. Sản phẩm thu được là những con cá mú, cá nhám, ghẹ, cua, sao... đôi lúc có vài con đồi mồi quý hiếm. Cá được sắp vào rổ, sau đó gánh chạy bộ trên dải cát dài hàng cây số, để kịp cho buổi họp chợ. Anh Phạm Giác, một ngư dân trẻ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, tâm sự: “Kiếm được đồng tiền thật khó, đêm nào trúng cá, mực thì được vài trăm ngàn, thường thường vài ba chục ngàn, nhiều bữa cũng trắng tay”. 10

Cư dân xóm “chạy gió” có khoảng 50 hộ; họ rất đoàn kết, giúp nhau trong công việc. Theo anh Giác, mặc dù phương tiện đánh bắt thô sơ, nhưng khi gặp sóng lớn ở ngoài khơi, họ cùng dìu nhau đi vào bờ an toàn. Tuy nhiên, ở đây bà con sợ nhất là các tàu cá khai thác bằng nghề giã cào từ ngoài khơi ập vào. “Sắm một bộ lưới để hành nghề mất từ 3 đến 4 triệu đồng, làm được vài hôm thì bị tàu giã cào chạy qua quét sạch, bất chấp sự phản ứng của ngư dân. Nhiều lúc ngồi trên bờ nhìn thấy những chiếc tàu giã cào chạy qua chạy lại đánh nát các tấm lưới đang thả dưới biển, nhưng không biết kêu cứu ai”, anh Giác ngao ngán kể.

Khó khăn, vất vả nhưng những gia đình trẻ ở đây quyết không để cho con em họ thất học. Chị Nguyễn Thị Thoa tâm sự: “Vợ chồng tui tối ngày bám biển kiếm tiền nuôi ba đứa con. Dù khó khăn đến mấy, tụi tui cũng cố gắng cho các cháu học hành tử tế”.  

Trên đường vào xóm phải đi qua nhiều đồi cát trải dài, rộng mênh mông. Gió thổi rất mạnh, các đồi cát cũng theo đó di chuyển, thay đổi hình dạng liên tục. Ngay cả khi đi bộ, người đi sau cũng không chắc đã thấy dấu chân người đi trước. Khách du lịch trong nước và quốc tế khi đặt chân đến đây, mê say đứng ngắm nhìn các đồi cát di chuyển theo từng phút. Tiếc là đường vào xóm còn rất khó đi đối với du khách, nếu được đầu tư xây dựng chắc chắn sẽ thu hút nhiều người đến với vùng đất hoang mạc này.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.