Nỗi lo phát triển tượng đài

10/05/2014 03:15 GMT+7

“Nhìn dự thảo quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến 2020 chỉ thấy phát triển tượng đài, quy hoạch tượng đài”, một nhà nghiên cứu đã nhận xét.

 >> Tượng đài chiến thắng Điện Biên: Ba năm trước và bây giờ

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - một tượng đài mà cả khảo sát, thiết kế, thi công đều có lỗi  - Ảnh: Ngọc Thắng
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - một tượng đài mà cả khảo sát, thiết kế, thi công
đều có lỗi  - Ảnh: Ngọc Thắng 
 

Sau nhiều lần ngồi chấm các mẫu thiết kế lễ phục, nhà sử học Dương Trung Quốc lắc đầu thở dài: “Hình như cũng đã cạn ý tưởng rồi. Khả năng của ta cũng chỉ tàng tàng đến thế mà thôi”. Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (MT-NA-TL) Vi Kiến Thành thừa nhận việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp trong nước rất có vấn đề. Trong khi đó, đây lại là ngành ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thông qua thời trang, trang trí, in ấn, kiểu dáng công nghiệp của các sản phẩm…

 

Chính chuyện ăn chia và chất lượng tượng đài là cái người ta nói nhiều rồi

Họa sĩ Lê Thiết Cương

“Nhìn dự thảo quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến 2020 chỉ thấy phát triển tượng đài, quy hoạch tượng đài”, một nhà nghiên cứu đã nhận xét.

Thế nhưng, sự phát triển mỹ thuật công nghiệp đã không thể trở thành điểm nhấn trong dự thảo Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa tổ chức tại Hà Nội. Các ngành đồ họa, hội họa cũng chung số phận. Trong quy hoạch đó, nổi bật lên lại là ngành điêu khắc. Theo đó, nhà quản lý dự kiến sẽ thành lập Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc quốc gia. Bên cạnh đó là một danh sách quy hoạch 27 tượng đài sẽ thực hiện trên toàn quốc. Mỗi tượng đài đều đã có tên tuổi, địa điểm, thời gian thực hiện rất cụ thể. Hầu hết đã có kích cỡ, chất liệu.

“Khi nhận dự thảo, có nhiều người nói rằng trong khi số liệu về nhiều vấn đề mỹ thuật không rõ ràng thì những con số chi tiết về tượng đài lại quá rõ. Người ta đặt câu hỏi như thế”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết.

“Nếu thế thì nên đổi tên dự thảo quy hoạch mỹ thuật thành quy hoạch tượng đài. Có lẽ chúng ta nên một lần nói về chuyện làm tượng đài. Bởi không thiếu gì cách bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ và danh nhân nước Việt, cũng chẳng thiếu gì cách làm mỹ thuật cộng đồng”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói. Cũng theo ông Cương, đã nhiều năm, nhiều lần giới nghệ sĩ, nhà nghiên cứu từng đề nghị giảm loại hình tượng đài trong quy hoạch mỹ thuật.

Quy hoạch kỹ vì dân sinh ?

Về việc tượng đài được quy hoạch kỹ hơn các mảng khác của ngành mỹ thuật, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT-NA-TL nói: “Đúng như thế. Vì tượng đài là công trình vĩnh cửu, là dùng ngân sách nhà nước, dùng tiền của nhân dân. Cho nên không thể làm ẩu mà không có quy hoạch hay làm bừa bãi được. Đã làm thì nó phải gắn liền với dân sinh, kinh tế đất nước”.

Theo ông Thành, tuy chưa có một đề án nghiên cứu nhưng những điểm yếu của hệ thống tượng đài nước ta rất rõ, rất nhiều. “Chúng ta mới chỉ tập trung vào nội dung chính là tượng lãnh tụ, tượng danh nhân và tượng đài chiến thắng. Chỉ quan tâm đến ba mảng đó nên tượng đài thừa mà thiếu. Về mặt nghệ thuật, từ nhà quản lý đến hội đồng, lúc nào cũng chỉ chấp nhận tượng hiện thực thôi. Hễ công nhân là chàng trai cơ bắp, còn nông dân là cô gái ôm lúa xắn quần. Trong khi đáng lẽ còn phải có cả trừu tượng, lập thể nữa. Điêu khắc là công trình phải được kiểm soát từ lúc còn là ý tưởng, tới phác thảo các bước chặt chẽ”, ông Thành nhận định.

Ngay cả khi “nhìn trước, trông sau” như vậy, quy hoạch tượng đài mà Cục MT-NA-TL đưa ra đã mắc nhiều lỗi khiến nghệ sĩ phải lo ngại. Chẳng hạn, danh mục tượng đài chỉ gồm Quốc Tổ Hùng Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hai Bà Trưng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… “Cuối cùng ở đây chúng ta không thấy có danh nhân văn hóa hay các ngành khoa học khác, không có danh nhân lịch sử hiện đại. Nó cho thấy sự đứt đoạn hoàn toàn về lịch sử. Chẳng hạn, chúng ta cũng cần những vườn hoa có tượng như Yersin để tôn vinh bác sĩ này”, ông Lê Thiết Cương nói.

Chưa kể, các tượng được đưa ra đều ở cỡ vừa và lớn. Không có cỡ nhỏ. “Nhìn sang các nước khác, đâu phải vì một danh nhân vĩ đại mà phải làm một bức tượng to đùng. Ở vườn Luxemburg, Paris (Pháp), tượng Chopin cũng chỉ nhỏ nhắn. Có nơi tượng làm to đã phá vỡ không gian kiến trúc”, ông Cương nói.

Ngoài ra, còn một chuyện khác khiến nhiều nhà chuyên môn lo ngại - kinh phí liệu có đi cùng với chất lượng tượng. “Chính chuyện ăn chia và chất lượng tượng đài là cái người ta nói nhiều rồi”, ông Cương bày tỏ.

Nhìn vào cách xây nhiều tượng đài kinh phí lớn, chất lượng tồi, trong đó có tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung lo ngại: “Có thể có chuyện lợi ích nhóm trong quy hoạch tượng đài”.

Trinh Nguyễn

 >> Vụ 'xén đất tượng đài để… tái định cư': Hiến kế giữ hiện trạng tượng đài
 >> Cả nước góp cây trồng tại tượng đài Mẹ VNAH
 >> Đã sửa lỗi sai trên tượng 'Danh tướng' Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 >> Khánh thành tượng đài chiến thắng Sư đoàn 325
 >> Khánh thành tượng đài nghĩa trang liệt sĩ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.