Thêm một hiệu sách báo...

16/12/2006 15:27 GMT+7

1. Dạo này quán ăn nhậu mở ra nhiều quá, mà quán nào quán nấy cũng đều có khách. Đã vượt qua chặng ăn no, người ta buộc phải nghĩ đến ăn ngon và ăn chơi. Một điều đáng mừng.

Càng mừng hơn khi một sáng đi uống cà phê bỗng thấy một hiệu sách báo vừa khai trương. Nhỏ thôi, chỉ vài đầu báo, mấy cuốn sách về tìm hiểu tâm lý khi yêu, sức khỏe tuổi già, phương pháp trồng hoa, nuôi gà và có cả sách văn học. Có thể do chủ hiệu ít vốn, cũng có thể do người mua chưa nhiều, bổn hiệu cần tiếp tục khảo sát thị hiếu xem sao…

2. Nhớ có hồi đi công tác miền núi, muốn mua một tờ báo đọc đỡ buồn mà chẳng tìm đâu cho thấy; loanh quanh thị trấn chỉ gặp toàn hiệu tạp hóa và quán nhậu, đến bưu điện huyện thì cũng chỉ lo phát báo đặt của một số cơ quan. Tôi hỏi một chị bán tạp hóa, sao không lấy ít sách báo về bán thêm. Chị nói là trước đây cũng có bán nhưng ít ai mua lắm, lâu lâu có người rờ đến thì chỉ đọc cọp, nên thôi. Ở thị trấn các huyện đồng bằng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, nói gì xuống đến các xã. Ông anh tôi làm cán bộ xã, là một trong ít oi người hay đọc sách ở đây, một hai tuần lên thư viện huyện đổi sách mới; thỉnh thoảng vào thị xã ghé nhà tôi chơi, ông đều tranh thủ góp một chồng báo cũ. Ông hề hề: "Cũ mày nhưng mới tao, chớ mua thì tốn tiền lắm!".

3. Chẳng nói chi chuyện dân trí cho to tát, một nét mà tôi cho là dễ thương nhất của Sài Gòn là cảnh người ta mua báo mỗi sáng. Tôi ngồi cà phê để ý một điểm phát hành vỉa hè, chồng báo mới vừa đưa đến, liền đó có mấy người bước lại, rồi túc tắc những chiếc xe máy dừng tới, khoảng tiếng đồng hồ đã hết veo; mấy anh xích lô, xe ôm cũng mỗi người "soi" một tờ báo trong khi chờ khách. Mấy chú nhóc đi bán báo dạo cũng… làm ăn được. Cái thói quen cà phê - đọc báo, kể ra cũng… vương giả thật! Ở Hà Nội bây giờ vẫn còn nhiều báo dán bảng công cộng nhưng người mua báo đang tăng dần lên. Ở Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vin,… cũng đã có thêm nhiều điểm phát hành sách báo làm ăn phát đạt. Những tờ báo năng động ở nước ta hiện nay đều đã đặt phóng viên đại diện tại các thành phố lớn này. Nhiều anh em làm báo tỉnh lẻ về Sài Gòn chơi mới biết, có hàng lô hàng lốc tờ báo-tạp chí lạ mắt bày bán mà khi ở tỉnh tôi chưa hề thấy... mặt mũi...".

4. Cách đây mấy năm, lần đầu tiên tôi thấy cái thị xã quê mình có người đi bán báo dạo. Đến giờ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, phần nhiều họ bán báo kết hợp với bán vé số hay ngược lại. Ở đây cũng đã có những hiệu sách báo nổi tiếng từ lâu, tính luôn các hiệu không tên và quanh chợ thì cũng được vài chục điểm rồi chứ đâu ít! Giá báo ở các hiệu dọc đường có nhỉnh hơn tại bưu điện nhưng được cái là báo… mới.

5. Mỗi ngày ở Tuy Hòa, tôi thường ngồi tại cái quán cà phê "cóc" trước nhà sách Thời Đại mà mơ một ngày ở đây các ẩm khách đều cầm trên tay một cuốn sách hay cùng lắm là một tờ báo sáng… Cái thành phố nho nhỏ nằm giữa đèo Cả và đèo Cù Mông này vẫn còn ít người dám bỏ tiền ra mua sách báo lắm, tuy sức đọc có nhích lên chậm chạp từng ngày… Có lẽ mình phải học lại thêm câu thốt của một vĩ nhân: "Không có sách thì không có tri thức…". 

6. Thêm một điểm phát hành sách báo, nghĩa là cái văn hóa đọc được nhích lên một chút; đọc một tờ báo mới, đôi khi thấy mình tăng một sự hiện hữu. Tự nhiên thấy thêm vui cho nghề chữ nghĩa. Lẩn thẩn mong cho bổn hiệu mới mở làm ăn phát đạt, đừng bao giờ phải chuyển bán mặt hàng khác… Thị xã tôi giờ đã lên thành phố rồi...

Đ.Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.