Ánh Tuyết - Tiếng hát của hạnh ngộ

24/12/2005 16:02 GMT+7

Trong 4 đêm 29, 30, 31/12/2005 và 1/1/2006 tại phòng trà ATB, ca sĩ Ánh Tuyết sẽ có cuộc hạnh ngộ với những ai từng yêu mến tiếng hát của chị qua chương trình Ánh Tuyết 35 năm sống và hát. Để có được cuộc hạnh ngộ này, Ánh Tuyết đã gặp rất nhiều cuộc hạnh ngộ khác...

Quán cà phê Bạch Tùng Điệp - tháng 7/1991. "Ô mê ly, mê ly,  - ồ mê ly, mê ly đời ta..." bất chợt một đêm mùa hè giữa khoảng không gian bên cạnh gốc cổ thụ già của quán cà phê nằm trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng (TP.HCM) bỗng lảnh lót một câu hát bài Ô mê ly của Văn Khôi -Văn Phụng. Ai đó? Khó thể tưởng tượng ra ai có thể có một giọng hát cao vút như vậy. Tò mò, chúng tôi dừng xe lại thì cô ca sĩ ấy đã khuất sau cánh gà. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn còn kịp nhìn theo cô đang lầm lũi dắt chiếc xe Cha-ly cũ xì ra khỏi bãi đậu xe với gương mặt đượm sự chán chường và một cái đầu tóc xù rất ư là "ô mê ly"!

Đó là một Ánh Tuyết mà chắc ít người biết đến khi chị "chân ướt, chân ráo" từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Chúng tôi cũng chỉ biết như thế, dẫu giữa bộn bề lo toan của những thằng sinh viên vừa ra trường được có "một chân" tập sự ở một tờ báo, đôi lúc cũng nghe tiếng hát ấy vang lên trong chính tiềm thức của mình. Thế rồi một năm sau, tại quán cà phê nằm khuất trong con hẻm đường Lam Sơn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chúng tôi lại nghe những Dòng sông xanh, Mộng chiều xuân, Đêm đông... cũng chính từ giọng hát ấy! Thật ngỡ ngàng. Dò hỏi một bậc đàn anh thì chỉ nghe "phán" một câu: "Bắt chước Thái Thanh chứ có gì hay". Thật tình mà nói, những người trẻ như chúng tôi lúc đó làm gì có điều kiện để nghe được Thái Thanh hay Khánh Ly để mà so sánh - mặc dù không phải không nghe những người lớn tuổi thường xuýt xoa mỗi khi nhắc đến tên họ. Thôi thì chỉ biết vậy mặc dù trong lòng ấm ức: "Người ta hát vậy mà cho là bắt chước!".

Quán Nhạc Sĩ - tháng 7/1993. Nhạc sĩ Văn Cao ngồi đó - nếu như thỉnh thoảng không thấy mái tóc bạc của ông gật gù mỗi lần nâng ly rượu thì có lẽ chúng tôi nghĩ đó là một bức tượng thật sống động mà các chủ nhân quán Nhạc Sĩ (nhóm Những Người Bạn gồm các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng) đã vô tình đem "đặt" trước một "rừng" người đến xem và nghe đêm nhạc đầu tiên của Văn Cao được tổ chức tại Sài Gòn kể từ trước và sau 1975 đến thời điểm này. Thanh Lan, Hồng Vân, Hồng Nhung lần lượt hát những: Suối mơ, Làng tôi, Cung đàn xưa, Trương Chi... Khán giả vỗ tay rào rào. Văn Cao đôi lúc mỉm cười khi nghe các ca sĩ dứt lời các ca khúc của mình. Hình như trong ông đã "thoát" rồi, làm sao có được một Mỵ Nương để nghe tiếng lòng của chàng Trương Chi? Làm sao có cõi thiên thai để ai đó cùng "lên tiên"?

"Ai lướt đi ngoài sương gió - không dừng chân đến em bẽ bàng" - câu hát của Buồn tàn thu bỗng vang lên giữa một khoảng thinh không, dù với một từ "lướt" cũng đủ làm người nghe nao lòng đến lạ! Ánh Tuyết đó. Ánh Tuyết trong chiếc áo dài chấm chân, gương mặt thoáng buồn lần đầu cất giọng hát Văn Cao để "thế chỗ" một ca sĩ vắng mặt trong đêm nhạc này bỗng dưng đẹp đến lạ lùng! "Thôi tình em đấy/như mùa thu chết/rơi theo lá vàng...". Nước mắt Ánh Tuyết rơi dài khi câu hát kết thúc để rồi sau đó là một sự vỡ òa của xúc cảm. Tiếng pháo tay vang lên. Tiếng xì xào hỏi với nhau: "Ca sĩ nào vậy? Ở đâu ra vậy?". Còn Văn Cao, ông ngẩng đầu lên và nhìn về hướng cô ca sĩ rồi gật gật đầu nhưng vẫn không nói gì.

Mãi đến một năm sau khi đêm nhạc của ông lần thứ hai được tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên (TP.HCM), nghe lại Ánh Tuyết hát Trương Chi, Thiên thai, Cung đàn xưa, ông mới nói với Ánh Tuyết rằng: "Đầu đời Văn Cao đã có một Kim Tiêu, không ngờ cuối đời lại gặp một Ánh Tuyết". Nghe đến đây, Ánh Tuyết chỉ biết khóc: "Bác ơi, Tuyết rồi cũng sẽ tan thôi!". Vâng, kể từ đó tiếng hát Ánh Tuyết đã "tan" thật sự - tan trong từng nốt nhạc, tan trong từng lời ca của Văn Cao để một lần nữa chắp cánh cho nó thăng hoa, bay lên, bay lên cùng một tiếng hát cứ mãi vút cao. "Một cuộc hạnh ngộ mà có lẽ là đẹp nhất trong cuộc đời của tôi" - Ánh Tuyết tâm sự.

Nhà hát Lớn Hà Nội tháng 7/1999. Đêm Văn Cao đầu tiên (9/7/1999) dồn nén một không khí khó diễn tả. Những ai yêu quý Ông già Văn Cao đang chờ đợi một đêm nhạc mà họ đã chờ đợi lâu lắm rồi mới diễn ra giữa lòng Hà Nội. Hai phần ba khán giả tóc đã lốm đốm bạc, họ như đang triền miên trong miền ký ức, trong sự chờ đợi một cuộc hạnh ngộ nào đó thật thiêng liêng với cõi riêng của họ. Và Ánh Tuyết xuất hiện. Một Ánh Tuyết không chỉ làm nao lòng người với Buồn tàn thu, Thiên thai, Trương Chi, mà còn làm khán phòng nhà hát như trào dâng tiếng sóng với Sông Lô hào hùng. Có lẽ lâu lắm rồi chị mới hát bằng cả trái tim mình giữa lòng Hà Nội, hát Văn Cao giữa những con người đi tìm cuộc hạnh ngộ.

Hình như đêm này, Văn Cao hiện diện đâu đó trong tâm trí mỗi người, như đang trầm tư lắng nghe cuộc hạnh ngộ này, mặc dù ông đã đi xa gần 4 năm trước. Còn với Ánh Tuyết, ai biết rằng cũng chính từ sân khấu nhà hát này gần 15 năm trước Ánh Tuyết đã từng bước lên thảm đỏ để nhận tấm Huy chương vàng của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - mà cũng vì tấm huy chương đó mà Ánh Tuyết phải lận đận suốt những năm tháng từ Huế - Hội An - Nha Trang - Sài Gòn "Vì không muốn mình chạy theo những điều làm chính mình bị tổn thương!" như Ánh Tuyết thường nói!

Cũng từ đó, năm nào Ánh Tuyết cũng trở ra Hà Nội hoặc vào tháng 7 (tháng Văn Cao mất), hoặc tháng 11 (tháng sinh nhật Văn Cao) để thắp cho ông một nén hương, để nói với ông rằng dù ông có đi xa thì âm nhạc của ông vẫn được Ánh Tuyết cất lên những "cung thanh cung trầm" mỗi đêm giữa phố phường Sài Gòn đầy náo nhiệt...

California (Mỹ) tháng 11/2005. Ánh Tuyết đang hát nhạc Việt giữa lòng nước Mỹ. Lòng nhiệt tình của khán giả làm tôi nhớ đến những lần đi xem các tên tuổi lớn trong nền âm nhạc của Mỹ như Tony Bennett, Elta James, Natalie Cole hay Toni Braxton. Chỉ có những tài năng thực sự mới tạo được hiệu quả như vậy trong khán giả. Thành thật nghĩ rằng nếu Ánh Tuyết hát bằng tiếng Anh và có được sự quảng bá rộng rãi như những ca sĩ ở nước Mỹ này có thể trở thành một ca sĩ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam.

Nhưng không cần hát bằng tiếng Anh. Ánh Tuyết là Ánh Tuyết. Cô là ca sĩ Việt Nam, hát tình ca cổ điển và lãng mạn của Việt Nam. Cô là người thừa kế và giữ gìn những tác phẩm quan trọng nhất của âm nhạc Việt Nam. Cô không hát bất cứ bài nào mặc dù bài nào cô hát cũng tốt cả. Cô chọn lọc bài hát một cách kỹ lưỡng. Ngồi nghe Ánh Tuyết hát Hội trùng dương tôi cảm thấy choáng váng - một cách say sưa. Tôi không quá trẻ để không biết gì về Việt Nam nơi mẹ tôi sinh tôi ra. Tôi không quá già để chỉ sống với kỷ niệm nhưng trong cái khoảnh khắc Hội trùng dương đó, tự nhiên tôi thấy mình gần gũi với Việt Nam thật nhiều, nhiều hơn cả mười năm cộng lại. 10 năm rồi, chúng tôi mới lại có một cuộc hạnh ngộ - mà không ai nghĩ rằng chính tiếng hát Ánh Tuyết đã đem chúng tôi gặp lại nhau - dù trong một khoảnh khắc...

Sài Gòn những ngày cuối tháng 12/2005. Ánh Tuyết phờ phạc, gầy đi thấy rõ. "Mấy ngày nay cực quá, phải cùng đạo diễn Phạm Hoàng Nam chạy đôn, chạy đáo cho kịp chương trình 35 năm sống và hát, vậy mà ở nhà còn bị "bà hỏa" viếng thăm nữa chứ! May mà Ánh Tuyết chỉ xém cháy tóc và bị phỏng sơ sơ, chứ không thì... 35 đi toi rồi" - Ánh Tuyết đùa khi rời sàn tập đôi phút. Những đêm nhạc này chị như dốc toàn bộ sức lực để khán giả có thể hạnh ngộ với chị không những qua các ca khúc của Văn Cao mà còn những Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn...

Sống và hát là điều có lẽ sẽ theo Ánh Tuyết đến cuối đời. Còn với chúng tôi, tiếng hát của chị là tiếng hát của yêu thương, tiếng hát làm nên những cuộc hạnh ngộ, mà có lẽ - những người như chúng tôi may mắn chứng kiến được những cuộc hạnh ngộ đó!

Cao Minh Hiển - Trần Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.