Tuyên Quang cai nghiện giỏi

12/12/2005 01:01 GMT+7

Phía dưới là Việt Trì, bên cạnh có Thái Nguyên, đều là những địa phương trước đây có tỷ lệ nghiện ma túy lớn, những vụ án do ma túy gây ra rất nhiều. Như một thói quen mỗi khi đi công tác xa, xe cập bến Tuyên Quang, tôi không đi về khu trung tâm luôn mà tấp vào một quán nước trước cổng bến.

Chỉ là sự ướm hỏi khéo nhưng anh bán nước đã gạt phắt: "Ở đây không có tệ nạn ma túy đâu!". Anh xe ôm mà tôi đi từ bến xe về nơi thuê trọ cũng xác nhận như vậy. Ở một môi trường ô hợp mà hai người khác nhau, tiếp xúc đủ với các thành phần đều có chung một câu trả lời nên tôi tin đó là sự thật. Sau mấy ngày ở Tuyên Quang tôi được biết, trong hoàn cảnh hiện tại thì thành công trong đấu tranh chống lại tệ nạn ma túy là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Nó đã mang lại sự bình yên cho xã hội, sự ấm cúng cho từng mái nhà.

Trước năm 2000, tỷ lệ nghiện ma túy ở Tuyên Quang không phải là ít, hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh bất hạnh vì ma túy. Sự đổi thay bắt nguồn từ một cách làm mới: không tổ chức cai nghiện theo kiểu tập trung nữa mà "xé nhỏ" ra để cai. Chỉ có mấy năm, Tuyên Quang đã xây dựng được một loạt các công trường 06 (các trung tâm cai nghiện). Các cấp ủy, các tổ chức, đoàn thể chính trị đều vào cuộc. Đến nay, Tuyên Quang đã có tới 6 công trường 06, mỗi huyện thị có một công trường. Có lẽ Tuyên Quang là tỉnh duy nhất của cả nước làm được điều này. Lớn như Hà Nội, Hải Phòng, đông dân nghiện như Quảng Ninh cũng chỉ có 2-3 trung tâm cai nghiện, nhiều là 4 trung tâm. Các công trường 06 đều được tạo điều kiện tối đa, xây dựng ở những khu vực thuận tiện cho việc tạo công ăn việc làm. Mà tiền của đâu có ít, đầu tư xây dựng cho mỗi công trường cũng lên đến hàng tỉ đồng. Công trường nào cũng có loa đài, ti vi, sân bãi tập thể dục thể thao... Đây là một số tiền không nhỏ đối với một tỉnh miền núi, thu ngân sách hằng năm chỉ đạt trên 100 tỉ đồng. Nói thế để thấy rõ sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Đầu tư nhưng nếu không có cách làm phù hợp thì cũng dễ thất bại. Điều này thì Tuyên Quang lại rất sáng tạo, tìm được cách đi riêng. Thông thường như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hay Phú Thọ... đều quy hoạch, sắp xếp các trung tâm 06 trực thuộc ngành lao động thương binh xã hội, công an và y tế là các thành viên hỗ trợ. Tuyên Quang làm khác. Các công trường 06 đều đặt dưới sự quản lý của ngành công an, trưởng hoặc phó công an huyện làm giám đốc công trường, y tế và lao động thương binh xã hội là các thành viên hỗ trợ. Hướng đi này khắc phục được tình trạng lộn xộn trong các trung tâm, quản lý con nghiện tốt hơn.  Việc tổ chức cai nghiện được làm chặt chẽ, chia làm  nhiều công đoạn, mỗi công đoạn được phân công trách nhiệm rõ ràng. Dựa vào gia đình, các tổ chức đoàn thể, thôn, bản và tổ dân phố để phát hiện con nghiện. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày phát hiện, người nghiện sẽ được đưa đi cai bắt buộc. Tại công trường 06, người nghiện được tạo công ăn việc làm, tự nuôi bản thân. Khi về nhà, hằng tháng công an xã, phường đột xuất xuống lấy mẫu đi thử, nếu phát hiện tái nghiện, người nghiện sẽ được tiếp tục đưa lên công trường 06 lao động.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Người nghiện thì không thể hết được 100% nhưng Tuyên Quang được xếp vào danh sách những tỉnh làm tốt công tác này".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.