Trăn trở với "Đôi bờ"

05/12/2007 23:46 GMT+7

Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM vừa dựng lại vở Đôi bờ (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc). Vấn đề hình như vẫn còn mới, vẫn bắt người xem suy nghĩ...

Bối cảnh là thời bao cấp vừa manh nha chuyển sang kinh tế thị trường, nên xảy ra bao xung đột giữa những người cùng trong một gia đình, chưa kể mối liên hệ quá khứ trong chiến khu, thời lý tưởng cách mạng. Những thời điểm khác nhau của đất nước buộc họ phải chọn cách sống sao cho trọn tình vẹn nghĩa. Điển hình nhất là Lâm (Thanh Hoàng) với tính cách lừng khừng, vô tình gây bao đau khổ cho những người chung quanh.

Lâm yêu Nguyệt (Mỹ Uyên) song vì lý tưởng mà rời bỏ cô để đi chiến đấu. Nhưng khi đã là cán bộ, có vợ là Hà (Tuyết Thu), trở về tiếp quản Sài Gòn sau 1975 thì anh lại muốn có cuộc sống sung sướng, nên lại dan díu với Nguyệt. Nguyệt và Hà là hai chị em, dù không cùng máu mủ nhưng thương yêu nhau thắm thiết, Nguyệt đành giấu tung tích người cha, giao đứa con cho Hà nuôi để đi vượt biên. Từ đó Hà và Lâm nuôi bé Hằng (Tuyết Mai) trong cơ cực, có khi Hà phải bán máu để lấy tiền mua thuốc cho con, nhưng gia đình họ lúc nào cũng ấm êm.

Mười mấy năm sau, Hằng lớn lên, là lúc xã hội chuyển đổi, con người khao khát sự no đủ giàu sang, cũng là lúc Nguyệt quay về Việt Nam tìm lại mái nhà xưa. Cô bỏ vốn mở công ty cho Lâm, và tạo điều kiện cho bé Hằng sống một cách tự do thỏa thích. Và vì thế Hà bật văng khỏi cuộc đời họ. Hà trở thành tâm điểm của bi kịch, sự hy sinh của cô bao nhiêu năm trở nên vô nghĩa.

Nhưng, kết thúc vở kịch, mọi nhân vật đều tỉnh lại, nhận ra là phải biết sống dung hòa. Hà hiểu rằng không thể níu kéo con gái trong cảnh nghèo nhân danh tình thương, mà phải cho con theo mẹ ruột ra nước ngoài ăn học để tương lai tốt hơn, có điều kiện hội nhập cùng thế giới. Bé Hằng cũng không quên người mẹ và quê hương đã cưu mang mình. Khi được tự do hết cỡ thì cô bé lại nhớ về những nền nếp truyền thống mà mẹ Hà đã tập cho mình từ nhỏ. Còn Lâm và Nguyệt cũng nhận ra mình không thể ích kỷ chà đạp lên niềm tin của Hà. Dù có những suy nghĩ cực đoan nhưng Hà lại là mối dây liên kết tất cả mọi người, giữ cho họ không mất thăng bằng trong cuộc sống chông chênh.

Lâm, Nguyệt, Hà, Hằng dù có ý thức hệ khác nhau, nhưng nếu biết dung hòa thì không hề có sự chống đối nhau, trái lại còn có thể hỗ trợ nhau khi cuộc sống đầy những bất trắc giấu kín sau lớp vỏ hào nhoáng. Quá khứ, hiện tại và tương lai đâu thể tách rời, mà là một chuỗi tiếp nối, ảnh hưởng lên nhau. Người xem bỗng giật mình, hình như đã giải tỏa được ít nhiều những trăn trở bấy lâu nay...

Vở Đôi bờ mang tính khái quát xã hội cao, đồng thời có thể len lỏi vào mỗi gia đình đang có nhiều thế hệ chung sống và có xung đột tư tưởng. Thông điệp nhỏ gửi đến khán giả là: hãy sống dung hòa, bởi đó là điều cần thiết trong cuộc sống chúng ta!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.