Kỳ 32: Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm

25/01/2013 00:15 GMT+7

Trong thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định) còn lại nền móng Song Trung miếu thờ hai vị trung thần triều Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.

Hai ngôi mộ cổ

Đặt chân đến thành Hoàng Đế, nhìn cảnh hoang phế, không ít người xúc cảm khi biết nơi đây từng là kinh đô của vương triều Tây Sơn (1776-1799). Võ Tánh là vị anh hùng duy nhất không phải người Bình Định, không phải người của nhà Tây Sơn nhưng lại được nhân dân địa phương đưa vào ca dao: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm”. Hằng năm, vào ngày giỗ Võ Tánh (27.5 âm lịch), người dân thường mang lễ vật, tiền bạc đến làm lễ cúng.

 Mộ Võ Tánh - Ảnh: Hoàng Trọng
Mộ Võ Tánh - Ảnh: Hoàng Trọng

Theo sách Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1801, khi quân Tây Sơn tái chiếm thành Hoàng Đế, Hậu quân Võ Tánh lên lầu Bát Giác tự thiêu, Lễ bộ Ngô Tùng Châu uống thuốc tự vẫn. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1802, vua Gia Long sai người đến Bình Định thu lượm hài cốt Võ Tánh đưa về chôn ở Gia Định. Lại cho dựng đền thờ ngay tại chỗ từng là lầu Bát Giác, gọi là Bát Giác lâu từ để thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.

Năm 1850, vua Tự Đức đổi tên Bát Giác lâu từ thành Chiêu Trung từ, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là Song Trung miếu. Song Trung miếu tồn tại đến năm 1946 phải dỡ bỏ vì nằm trong kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”. Ngày nay, dấu vết Song Trung miếu chỉ còn lại nền gạch sau Tam quan của Tử cấm thành.

Tác giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa khẳng định ngôi mộ của Võ Tánh ở Gia Định nay tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Sử sách triều Nguyễn không nói đến chuyện lập mộ Võ Tánh tại Bình Định, nhưng vẫn tồn tại một ngôi mộ trong thành Hoàng Đế được xác định là của Võ Tánh đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi đến nay chưa ngã ngũ.

Theo cuốn Song Trung miếuthơ xướng họa của tác giả Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, nền mộ Võ Tánh tại thành Hoàng Đế hình vuông, mỗi cạnh 4 m, tượng trưng cho đất. Nấm mộ hình nửa khối cầu úp xuống, cao 1 m, tượng trưng cho trời. Tuy nhiên, vào năm 1968 ngôi mộ này đã bị sửa sang không còn hình dáng như cũ. Ngôi mộ cổ còn lại nằm dưới chân mộ Võ Tánh được xác định là của Thống binh Nguyễn Tấn Huyên. Mộ của Ngô Tùng Châu được gia tộc đem về an táng tại quê nhà ở H.Phù Cát (Bình Định).

Gần mộ Võ Tánh hiện nay còn có một lầu Bát Giác khiến nhiều người nhầm tưởng là di tích điện Bát Giác của hoàng đế nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc hay Bát Giác lâu từ được xây dựng từ thời vua Gia Long. Tuy nhiên, theo tác giả Lộc Xuyên Đặng Quý Địch thì lầu Bát Giác hiện nay mới được xây dựng từ năm 1938, là năm Phó bảng Đào Phan Duân đứng ra trùng tu Song Trung miếu. Lầu Bát Giác này để che nắng che mưa cho tấm bia ghi công Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đặt chính giữa nền lầu.

Những bề tôi trung nghĩa

Tổ tiên của Võ Tánh ở Biên Hòa, sau dời nhà đến Bình Dương. Sinh thời, Võ Tánh cùng Đỗ Thành Nhân, Châu Văn Tiếp được mệnh danh là Gia Định tam hùng. Khi quân Tây Sơn tiến đánh Gia Định, chúa Nguyễn bỏ chạy, Võ Tánh tập hợp lực lượng chống lại. Năm 1787, Võ Tánh quy thuận nhà Nguyễn và được phong làm Tiên phong dinh, Khâm sai Tổng nhung chưởng cơ rồi được kết hôn với Trưởng công chúa Ngọc Du.

Sách Đại Nam liệt truyện kể lại rằng, năm 1799, nhà Nguyễn chiếm được thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn, giao Hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thiếu phó nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu và Tư đồ Võ Văn Dũng từ Phú Xuân (Huế) đem quân thủy, bộ tiến đánh nhằm chiếm lại thành Hoàng Đế. Võ Tánh thu quân vào thành trấn thủ, sai người vào Gia Định báo cáo tình hình với chúa Nguyễn.

Biết Võ Tánh có thể cầm cự được hơn 1 năm nên năm sau chúa Nguyễn Phúc Ánh mới thân chinh đi giải vây. Quân Nguyễn thắng quân Tây Sơn ở cửa biển Thị Nại nhiều lần nhưng vẫn không giải vây được thành Hoàng Đế. Chúa Nguyễn bảo với chư tướng rằng: “Thà để mất thành, không để mất tướng giỏi của ta”, rồi cho người mang thư lặn xuống nước lẻn vào thành bảo Võ Tánh phá vây mà ra hội với đại binh. Tuy nhiên, Võ Tánh sai bà Nguyễn Thị Hảo (vợ Tri bạ Phan Văn Hán) lẻn ra ngoài mang thư khuyên chúa Nguyễn để mình cầm chân tướng giỏi, quân mạnh của Tây Sơn ở Bình Định, còn đại binh nên tiến đánh Phú Xuân, nơi quân nhà Tây Sơn không có lực lượng  phòng bị. Chúa Nguyễn nghe theo và lấy được Phú Xuân.

Phú Xuân mất, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng càng quyết liệt vây đánh thành Hoàng Đế. Biết thành sẽ không giữ được, có người khuyên Võ Tánh bỏ thành ra ngoài, ông nói: “Ta vâng mệnh giữ thành, nên cùng với thành còn hay mất, bỏ thành để tạm sống thì còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng nữa”. Lễ bộ Ngô Tùng Châu bàn kế đánh giặc, Võ Tánh chỉ vào đống củi dưới chân lầu Bát Giác nói: “Đấy là kế của ta”. Biết Võ Tánh sắp tự thiêu, Ngô Tùng Châu về uống thuốc tự vẫn.

Sau khi liệm táng Ngô Tùng Châu, Võ Tánh sai người gửi thư cho Trần Quang Diệu rằng: “Trong thành lương đã hết, không thể giữ được nữa! Tướng quân thua trận chết là việc của ta, ta đã quyết kế rồi. Quân lính không có tội, chớ nên giết hại”. Sau đó, Võ Tánh lên lầu Bát Giác tự thiêu. Một người thiếp của Võ Tánh và Thống binh Nguyễn Tấn Huyên (người Quảng Ngãi) cũng gieo mình trong lửa chết theo. Hôm ấy là ngày 27.5 năm Tân Dậu (1801). Trần Quang Diệu vào thành trông thấy thương chảy nước mắt, anh hùng tiếc anh hùng, lấy lễ chôn cất Võ Tánh và không giết hại quân Nguyễn. 

Hoàng Trọng

>> Di sản vào trường
>> Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa quốc gia
>> Quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.