Trung Quốc không che mắt được ai

16/06/2014 09:00 GMT+7

Bất chấp công hàm vu cáo Việt Nam tại LHQ, Trung Quốc vẫn bị chuyên gia quốc tế vạch trần sự khiêu khích và ý đồ chiếm biển Đông của nước này.

 Trung Quốc không che mắt được ai
Các tàu Trung Quốc hung hăng bao vây, uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam (bìa trái) gần giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) - Ảnh: Độc Lập

Ngày 9.6, Trung Quốc gửi công hàm lên TTK LHQ Ban Ki-moon vu cáo Việt Nam gây rối cho hoạt động giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981). Tuy nhiên, công hàm này cùng những tài liệu sai trái khác do Trung Quốc lưu hành tại LHQ đã không thể thuyết phục được dư luận khi chuyên gia Euan Graham tại ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore khẳng định với CNN rằng việc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 cùng nhiều tàu hải quân và trực thăng của Trung Quốc là “hành động đơn phương” và “rõ ràng mang tính khiêu khích”.

Tiến sĩ William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La, thì đề cao việc Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực trong vụ giàn khoan. “Việt Nam đã có cách tiếp cận ôn hòa và hợp lý đối với các thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình”, TTXVN dẫn lời ông Choong nói. Ông còn khẳng định hành vi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 là “động thái được tính toán trước và lên kế hoạch cẩn thận”.

 

Thách thức Mỹ ?

Theo Giáo sư Hugh White tại Đại học Quốc gia Úc, những hành động của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian qua còn nhằm tăng ảnh hưởng và thách thức vị thế của Mỹ ở châu Á giữa lúc nước này đang bận rộn với tình hình Ukraine và Trung Đông. Vì thế, Defense News dẫn lời ông White cảnh báo những ai ở Washington cho rằng Trung Quốc sẽ không thách thức Mỹ ở châu Á “cần xem xét lại sự đánh giá của mình và suy xét kỹ cách ứng phó”. Trong khi đó, nhà phân tích chiến lược Ernest Z Bower tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận định Trung Quốc đang phán đoán sai lầm rằng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự nếu xảy ra xung đột ở biển Đông. Ông cho rằng tùy theo tình hình thực tế, Mỹ sẽ xem xét việc hỗ trợ các bên khác, dù có phải là đồng minh của nước này hay không, trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc, theo báo mạng WantChinaTimes.

Theo biên tập viên Shannon Tiezzi của chuyên san The Dilopmat, Trung Quốc lâu nay không muốn quốc tế tham gia giải quyết tranh chấp ở biển Đông nhưng nay lại “la làng” ở LHQ. Qua đó có thể thấy, Trung Quốc muốn che mắt dư luận bằng công hàm nói trên và bước đi này chứng tỏ Bắc Kinh đang “hết bài” trong việc cố chứng minh “tính đúng đắn” của những gì họ đang làm trên biển Đông.

“Gặm dần” biển Đông

Giới quan sát cũng tiếp tục cảnh báo về nguy cơ Hải Dương-981 chỉ là một phần trong kế hoạch leo thang lấn chiếm biển Đông của Trung Quốc, nhất là sau khi xuất hiện các thông tin nước này đang cải tạo, xây dựng phi pháp ở nhiều bãi đá thuộc Trường Sa như Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Én Đất, Tư Nghĩa và Chữ Thập. Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định vụ cắm cài giàn khoan cùng các hoạt động ở Trường Sa nằm trong chính sách phối hợp hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Tương tự, tiến sĩ Choong của IISS nói cả bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền, bãi đá James nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Malaysia cũng bị đe dọa bởi là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc để “gặm dần” toàn bộ khu vực bị đưa vào đường lưỡi bò, theo TTXVN. Từ những thông tin trên, Chủ tịch Công ty phân tích hải quân AMI International (Mỹ) Guy Stitt kết luận trên tuần báo Defense News: “Trung Quốc đang tiếp tục chiến lược củng cố từ từ tuyên bố chủ quyền trong đường 9 đoạn”.

Với tình hình này, ông Choong cảnh báo nếu không có phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự từ các bên khác, “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực, vốn được thiết lập trên cơ sở các cuộc thương lượng và cộng tác giữa Trung Quốc và các nước tại châu Á - Thái Bình Dương”.

Sĩ quan, chuyên gia Nhật đánh giá cao Việt Nam

Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản Toshio Tamogami vừa bình luận trên tuần báo Asahi Geino rằng với những gì đã thể hiện trong lịch sử và cách phản ứng kiên quyết và hợp pháp trong vụ giàn khoan Hải Dương-981, Việt Nam chứng tỏ mình là một quốc gia không dễ gì bị chèn ép. Ông cũng cho rằng những gì đang xảy ra tại biển Đông “không phải là chuyện của riêng ai” và tình hình tương tự có thể bùng phát trên biển Hoa Đông, nơi Nhật và Trung Quốc đang căng thẳng vì tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tương tự, tờ The Japan Times dẫn lời chuyên gia Toru Kitsu đánh giá nhân dân và các lực lượng Việt Nam có quyết tâm và ý chí rất cao. Cũng theo báo này, giới chính trị gia và phân tích quân sự Nhật đang theo dõi sát sao tình hình biển Đông để xem Trung Quốc có sẵn sàng dùng quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này hay không.

Minh Trung

Văn Khoa

>> Tàu quét mìn Trung Quốc mở bạt pháo, đe dọa tàu Việt Nam
>> Chùm ảnh: Tàu quân sự giả dạng của Trung Quốc hướng nòng pháo đe dọa tàu Việt Nam
>> Mưa to kéo dài ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981
>> Tàu kiểm ngư Việt Nam tiến sâu vào giàn khoan Hải Dương 981
>> Tường thuật từ Hoàng Sa: Trinh sát vị trí hạ đặt ban đầu của giàn khoan Hải Dương-981
>> Tin nóng từ Hoàng Sa: Tàu Việt Nam phá vòng vây khu vực gần giàn khoan Hải Dương-981 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.