Bóng đá và đạo lý

15/12/2005 13:31 GMT+7

Sáng thứ bảy 14/9, Tòa soạn Báo Thanh Niên liên tiếp nhận được hàng chục cú điện thoại từ nhiều địa phương trên cả nước gọi tới chia xẻ nỗi niềm sau trận bán kết Việt Nam thua Thái Lan 2-4; bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với các tuyển thủ nước ta, và quan trọng hơn cả là tỏ nỗi bất bình- thậm chí phẫn nộ- đối với một tờ báo vừa mới phát hành, trong đó có đưa tin bài, hình ảnh về trận bán kết thứ hai trên sân vận động Quốc gia Singapore tối 13/9.

Có lẽ tuyệt đại đa số trong hơn 70 triệu người Việt Nam - kể cả những ai vốn không quan tâm tới bóng đá- đều đã hy vọng và mong chờ một kết quả bất ngờ ở trận đấu này: Việt Nam sẽ thắng Thái Lan. Nhưng chuyện bất ngờ đã không xảy ra, đội mạnh hơn đã chiến thắng theo lẽ thông thường, trong đó, còn có vận may do tổ trọng tài trao cho. Có buồn chăng là ở chỗ: Đội tuyển Việt Nam đã chưa đủ sức làm nên một kỳ tích.

Có thể phân tích sâu thêm để thấy rằng Đội Việt Nam chưa có đấu pháp hợp lý (nhất là ở hiệp một); một số cầu thủ chưa đảm đương nổi vị trí của mình; thể lực, kỹ thuật cá nhân và phối hợp đồng đội còn nhiều yếu kém so với đội bạn. Song, kết quả 2-4 cũng đã an ủi phần nào những người hâm mộ bóng đá và có lòng yêu quí Đội tuyển nước ta, đồng thời đặt ra những suy nghĩ nghiêm túc cho lãnh đạo ngành TDTT nói chung, bóng đá nói riêng – và cả Ban huấn luyện cùng mỗi tuyển thủ – để tiếp tục đầu tư, huấn luyện, nâng cao trình độ thi đấu ngang tầm với khát vọng chiến thắng ở các giải thi đấu khu vực và quốc tế trong tương lai.

Điều mà đông đảo bạn đọc tỏ ý bất bình, phẫn nộ là cái thái độ lạ thường trong cách đưa tin, đăng ảnh của tờ báo nọ trước thất bại của đội nhà. Ngay trên đầu trang 1 là hình ảnh HLV Weigang gục đầu, cúi mặt đau khổ và thủ môn Cường phủ phục thảm hại (đây chính là hai người vừa được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chúc mừng và biểu dương trong bức điện gửi đến Đội tuyển ngày hôm trước).

Chắc chắn là hai hình ảnh trên không tiêu biểu cho tinh thần thi đấu ngoan cường của Đội tuyển nước ta trên sân vận động Quốc gia Singapore tối 13/9, bởi vì nếu thế thì đã không có hai bàn thắng rút ngắn tỉ số ở hiệp 2. Ở trang thể thao của tờ báo này lại xuất hiện một câu phỏng vấn không bình thường dành cho HLV Weigang ngay sau trận đấu, một câu phỏng vấn mà theo bạn đọc trao đổi qua điện thoại với chúng tôi là đầy thái độ hỗn xược đối với người thầy của các tuyển thủ chúng ta hiện nay: “Ông cảm thấy chừng nào ông bị sa thải?”.

Ai cũng biết rằng cho đến nay, các tuyển thủ bóng đá Việt Nam vẫn gọi HLV Weigang bằng thầy một cách tôn kính, và chúng tôi nghĩ rằng ông Weigang xứng đáng được kính trọng như vậy sau những gì ông đã làm được cho bóng đá Việt Nam chỉ trong gần một năm qua. Đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam không cho phép chúng ta xem thường người thầy như một kẻ làm thuê để có thể truy bức bằng một câu hỏi phủ nhận đến vậy. Có thể đến lúc nào đó ông Weigang không còn thích hợp ở cương vị huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia, nhưng chắc rằng ngay cả sau đó, các tuyển thủ Việt Nam được ông rèn luyện lâu nay vẫn yêu quí, kính trọng ông như một người thầy đầu tiên dìu dắt họ từng bước trên đấu trường quốc tế.

Cách thể hiện trước dư luận như đã nêu, dù với bất kỳ động cơ và mục đích gì, cũng là việc làm xa lạ đối với lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. Dù có nôn nóng, bức xúc vì thất bại của đội nhà, song cách đưa tin, đăng ảnh, phỏng vấn như vậy vẫn là một hành vi bôi bác, xúc phạm sâu sắc đến hàng triệu trái tim vẫn âu lo, buồn vui, phấn khởi, kỳ vọng vào Đội tuyển và tương lai của đội bóng đá nước nhà.

14/9/1996
Hà Phan (Nhà báo)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.