Căng thẳng thị trường chứng khoán

25/12/2006 23:22 GMT+7

Thị trường chứng khoán căng thẳng chờ đợi những diễn biến của phiên giao dịch đầu tuần ngày 25.12 sau khi các cảnh báo từ Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM đưa ra đã khiến chỉ số VN Index giảm liên tục trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua.

Một cảnh báo chấn động giới đầu tư chứng khoán đã được ông Trần Đắc Sinh - Giám đốc TTGDCK TP.HCM đưa ra ngày 20.12: "Tôi e ngại một diễn biến thị trường như trong tháng 4 có thể lặp lại. Chỉ số P/E bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang là 38,18 lần. So sánh với mức trung bình của các thị trường khác, P/E chỉ dao động từ 10 đến 17 lần. Với tương quan như vậy, tôi e ngại rằng giá cổ phiếu hiện nay đã vượt quá cao so với giá trị thực của nó, tạo ra một hàm ếch mà thị trường sẽ tự điều chỉnh bất cứ lúc nào". Ngay lập tức, ở 2 phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần, chỉ số VN - Index giảm mạnh 65,71 điểm, còn 744,15 điểm.

Sáng 25.12, các công ty chứng khoán tràn ngập các nhà đầu tư (NĐT) căng thẳng theo dõi diễn biến của thị trường. Phần lớn các NĐT lo lắng giá sẽ còn tiếp tục giảm sau cảnh báo của TTGDCK TP.HCM. Ở 2 đợt khớp lệnh 1 và 2, số lượng cổ phiếu (CP) đặt bán khá lớn tại mức giá sàn đã kéo VN - Index giảm hơn 20 điểm. Tuy nhiên, diễn biến đổi chiều đã xảy ra ở đợt 3, lượng CP đặt mua tăng lên, giá nhiều loại CP tăng mức trần. Tổng cộng có 6 triệu lệnh mua với gần 10 triệu loại CP, chứng chỉ quỹ trong khi lượng đặt bán là hơn 4,8 triệu lệnh với 11,5 triệu CP, chứng chỉ quỹ. Dù có 33 CP tăng giá nhưng chỉ số VN-Index sau phiên 25.12 vẫn giảm 9,49 điểm, còn 734,66 điểm.

Ông Kiệt - một NĐT tại Công ty chứng khoán Sài Gòn - cho biết: "Ngay sau khi nghe cảnh báo các NĐT rất lo sợ. Thông thường thị trường tăng giá 7 - 8 phiên thì bắt đầu giảm nhưng ngay khi có cảnh báo nhiều nhà đầu tư đã bán tháo nên thị trường đã có chiều hướng giảm sớm hơn". Theo một chuyên gia chứng khoán, trong thời gian qua, không phải CP nào cũng nóng. Ngoại trừ một số CP có chỉ số P/E (thu nhập trên giá) cao như FPT (55,58), PVD (179,46), KDC (56,88)... P/E của một số CP vẫn còn rất thấp như SAV (12,43), PNC (12,68)... Do đó, chỉ có một số CP nóng chứ không phải toàn bộ thị trường. Ông Khoa - một NĐT giao dịch tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) - cho rằng việc TTGDCK TP.HCM cảnh báo là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải cảnh báo một cách cụ thể là CP nào nóng chứ không thể nói chung chung là toàn bộ thị trường. Điều này khiến nhiều NĐT mới hoảng loạn bán tống bán tháo CP khiến toàn thị trường đi xuống.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.