Đẻ nhiều để được nghèo

30/04/2012 03:58 GMT+7

Đakrông (Quảng Trị) nằm trong số 62 huyện nghèo nhất nước. Điều đáng nói là một bộ phận không nhỏ người dân ở đây vẫn có tâm lý “đẻ nhiều con để được là hộ nghèo”.

Đây cũng chính là điều mà những người làm công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở huyện vùng cao này rất trăn trở. Bởi trong khi họ phải lặn lội đến từng thôn, từng bản để vận động mọi người “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt” thì đồng bào lại có cái lý của người vùng cao rằng, đẻ nhiều mới được hộ nghèo, mà được hộ nghèo thì có nhiều cái “lợi” hơn.

Đơn cử như thôn Vùng Kho (xã Đakrông, H.Đakrông) chỉ có 126 hộ thì đã có 60 hộ nghèo, trong đó gần như 100% hộ nghèo đều sinh con thứ 3 trở lên. Ngoài lý do khách quan hay tập tục của đồng bào vùng cao thường đẻ nhiều thì còn có một số hộ… cố ý đẻ thêm. Chẳng hạn anh Hồ Văn Miê, sinh năm 1977, có đến 6 con. Anh nói nuôi con cực quá, có bữa ăn có bữa nhịn, xin mãi năm rồi xã mới cho vô diện hộ nghèo. “Tôi đã nói mãi với bà con là trong tất cả nguyên nhân dẫn đến nghèo đói thì đông con là nguyên nhân phổ biến nhất nhưng bà con có nghe đâu. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt nên cứ đẻ sồn sồn”, bà Hồ Thị Đê, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đakrông, lắc đầu.

Nhận thức của bà con về hộ nghèo có thể nói là rất… lạ, thậm chí họ còn mơ ước được hộ nghèo, làm mọi cách để được là hộ nghèo trong khi chính quyền địa phương không hề có tiêu chuẩn đẻ nhiều con mới được bình xét vào diện này. Có câu chuyện cười ra nước mắt rằng một số chị em người Vân Kiều khoe với nhau năm nay làm ăn khấm khá hơn năm trước vì được vào danh sách… hộ nghèo. Thật trớ trêu khi “hộ nghèo” là một cái đích phấn đấu.

Chị Thủy, cán bộ truyền thông của Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình H.Đakrông, nói hiện tượng trên là sự thật, thậm chí phổ biến tại cả 14 xã, thị trấn trên toàn huyện. “Ở vùng cao, khoảng cách giàu nghèo không quá lớn, mà hộ nghèo được quá nhiều cái lợi (vay vốn ưu đãi, hưởng các khoản trợ cấp của nhà nước, con đi học được miễn giảm học phí…) trong khi các hộ còn lại thì không có gì. Vậy nên ai cũng muốn là hộ nghèo, cách dễ nhất là đẻ nhiều”, chị Thủy cho hay.

Liên quan đến “chuyện thật như đùa” này, ông Đào Kiền, Giám đốc Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình H.Đakrông, đã đưa ra gợi ý: “Ai cũng hiểu việc hỗ trợ cho hộ nghèo là một chủ trương rất đúng đắn nhưng đối với những hành vi lợi dụng điều này để gây mất ổn định xã hội cần phải có biện pháp ngăn chặn. Tôi nghĩ ngoài công tác tuyên truyền, phải chỉ đạo cấp xã nếu nhận thấy hộ nào cố ý sinh con để là hộ nghèo hoặc đã là hộ nghèo rồi mà vẫn sinh thêm con thì sẽ không xem xét vào hộ nghèo vào năm sau”.

Dân số của toàn huyện hiện nay là hơn 37.000 người, trong đó có trên 40% là hộ nghèo và có 80% đồng bào dân tộc ít người, dân trí thấp nên cách nghĩ “đẻ để nghèo” rất phổ biến.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.