Tham vọng của Sen

27/01/2013 03:55 GMT+7

Hai đêm ca múa nhạc dân tộc mang chủ đề Sen vào ngày 30 - 31.1 tại Nhà hát Thành phố là cột mốc chính thức cho sự ra đời của chuỗi chương trình nghệ thuật diễn ra đều đặn ở TP.HCM cũng như trên toàn quốc.

Có mặt trong buổi họp báo công bố chương trình, GS Trần Văn Khê tràn đầy cảm xúc khi nói về quốc hoa. Ông say sưa kể lại từng giai thoại: Vua Tự Đức có thói quen uống trà ướp sen, Mạc Đĩnh Chi viết bài phú Bông sen trong giếng ngọc... Hình ảnh hoa sen vừa thanh cao vừa dân dã đã gắn liền với đời sống của người Việt ta qua suốt bao thăng trầm lịch sử. GS Khê không quên nhắc tới vô số món ăn thuần Việt được làm từ sen. Theo ông, hoa sen hoàn toàn có thể đại diện cho tinh thần dân tộc Việt Nam. Trong chương trình Sen, biên đạo múa Trần Y Ly đã bỏ tâm sức dàn dựng tiết mục Bùn và Sen, như một lần nữa khẳng định con người Việt Nam “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” vậy. Bên cạnh đó, bài múa Dâng sen kết thúc chương trình được xem là màn múa đầu tiên của Việt Nam quy tụ nhiều diễn viên tham gia nhất từ trước đến nay với 117 người. Sen là sự dung hòa giữa nhiều thế hệ múa trưởng thành từ Nhà hát Bông Sen: NSND Đỗ Lộc, NSND Phương Bảo, NSƯT Đặng Hùng, NSƯT Vương Linh, NSƯT Đinh Linh, NSƯT Nhất Sinh, Linh Nga, cùng 10 diễn viên vừa tốt nghiệp trường múa Bắc Kinh…

Tham vọng của Sen
Thực đơn dành cho khách du lịch TP.HCM năm nay sẽ có thêm "món" múa mang chủ đề quốc hoa này - Ảnh: Tâm Phạm

Thế nhưng, mong ước của những nghệ sĩ Nhà hát Bông Sen chẳng đơn giản là việc bán được vé hay có một đêm diễn thành công rực rỡ. NSƯT Đặng Hùng cho biết: “Không dừng lại ở hai đêm 30 - 31.1, chúng tôi muốn mang chương trình đi khắp miền đất nước để mọi người đều biết tới Sen. Song song đấy, chúng tôi sẽ duy trì lịch diễn đều đặn, hiện tại là 24 sô một năm (năm sau nâng lên 48 sô) để phục vụ khách du lịch tham quan TP.HCM”. Về vấn đề này, nghệ sĩ Linh Nga - một trong những biên đạo chính của chương trình, đồng tham gia biểu diễn nói thêm: “Mỗi thành phố du lịch đều có tiết mục nghệ thuật giới thiệu văn hóa đặc trưng riêng biệt. Ví dụ: đảo Bali (Indonesia) thì có “đặc sản” Barong Dance - chương trình múa truyền thống kết hợp cùng nhạc cụ dân gian, Nam Ninh (Trung Quốc) có vở Chị Ba Lưu của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, hay Pattaya (Thái Lan) có các sô của người chuyển đổi giới tính... Xa xôi hơn là sang Pháp, Mỹ du lịch, thể nào người ta cũng sẽ đi xem những vở nhạc kịch nổi tiếng. Tôi chờ đợi một ngày, hễ tới TP.HCM là du khách tự nhiên tìm đến Nhà hát Thành phố để thưởng thức Sen. Vì thực tế, du lịch Sài Gòn vào ban đêm chả có gì đặc sắc. Chẳng lẽ lại đưa khách đến những nơi mà nước họ cũng có như phòng trà ca nhạc? Tại sao chúng ta không phát triển những hoạt động mang tính dân tộc, ngoài giới thiệu văn hóa Việt Nam đến du khách còn giúp cho rất nhiều anh chị em nghệ sĩ múa được cơ hội trau dồi và sinh hoạt nghệ thuật thường xuyên”.

Biên đạo múa Trần Y Ly chia sẻ: “Có những sô tốn cả tỉ đồng cho phục trang, âm nhạc... mà diễn một, hai buổi xong rồi thôi, tôi thấy rất phí phạm. Trước giờ, tại TP.HCM chưa có ngành nghệ thuật phát triển du lịch, trong khi Hà Nội có múa rối nước hay Hội An có hát bài chòi. Tôi nghĩ, việc nâng tầm Sen thành chuỗi chương trình nghệ thuật diễn ra đều đặn là điều hết sức tốt”. Như vậy, nếu dự tính của các nghệ sĩ Nhà hát Bông Sen diễn ra suôn sẻ, thực đơn dành cho khách du lịch TP.HCM năm nay sẽ có thêm “món” múa sen, góp phần giải quyết bài toán du lịch về đêm của thành phố sôi động bậc nhất Việt Nam. 

 Ngân Vi

>> Kỳ 21: Quan lớn Sen
>> Cả làng đi “đâm” sen
>> Chen chân chụp ảnh hoa sen đầu hạ
>> Hộp vàng hoa sen là của hoàng thái hậu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.