Phát hiện bệnh qua ADN tại VN

31/12/2008 17:57 GMT+7

Phương pháp phát hiện bệnh qua nghiên cứu ADN sẽ được ứng dụng tại Việt Nam trong tương lai không xa. "Về mặt công nghệ khoa học, chúng tôi đã sẵn sàng" - đó là khẳng định của giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Lương, Tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, nguyên giảng viên Bộ môn Di truyền học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tấm thẻ ADN "biết nói"

Năm 1953, sau khi chuỗi xoắn kép ADN được hai nhà khoa học Mỹ James D.Waston và Francis Crick phát hiện, hàng loạt các nghiên cứu về ADN đã được thực hiện. Kỹ thuật xét nghiệm ADN nằm trong những sáng chế hàng đầu trong 25 cuộc nghiên cứu cuối thế kỷ 19. Bằng kỹ thuật này, chúng ta có thể xác định đặc trưng cá thể ở người để nhận dạng, xác định huyết thống, phát hiện và điều trị các bệnh di truyền.

Giống như những tấm phim chụp các bộ phận cơ thể, thẻ ADN cũng là tấm phim chụp hình những đoạn gen cần thiết. Ngoài xác định được huyết thống, các tấm phim đó còn giúp các nhà khoa học biết được khả năng của người mang gen mắc những bệnh di truyền nào trong tương lai, từ đó đưa ra các lời khuyên cụ thể như cách ăn uống, những điều cần tránh... để ngăn ngừa bệnh. Theo giáo sư Lương, thẻ ADN càng làm sớm càng tốt, có thể làm với trẻ mới 2-3 tháng tuổi. Cùng với việc phát hiện bệnh nhờ ADN, các nhà khoa học trên thế giới hiện đang tiến hành nghiên cứu chữa bệnh từ cấp độ gen: đánh sập đoạn ADN gây bệnh bằng đoạn ADN khỏe mạnh, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.

Công nghệ ADN tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã không chậm trễ để đưa các kỹ thuật công nghệ cao ứng dụng vào cuộc sống. Năm 1988, giáo sư Lương đã tự mình mua chiếc máy PCR, máy nhân các đoạn ADN đặc hiệu, đây cũng là chiếc máy PCR đầu tiên tại Việt Nam. Kỹ thuật PCR giúp nhìn thấy gen và ADN, ứng dụng của PCR là xét nghiệm ADN. Năm 2005, Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền đã được thành lập.

Từ đó đến nay, trung tâm đã hoàn thành hàng trăm tấm thẻ ADN để xác định huyết thống cho các cá nhân, tòa án,... Mẫu để xét nghiệm rất đơn giản: mẫu máu khô, mẫu tế bào phía sau má (dùng đầu tăm bông xoa khắp bên trong má), nước xúc miệng, mẫu cuống rốn, mẫu móng tay và móng chân. Chỉ cần gửi hai trong số các mẫu này tới trung tâm theo hướng dẫn, ta đã có thể tiến hành xét nghiệm ADN để xác định huyết thống.

Việc nghiên cứu phát hiện bệnh nhờ ADN đã được giáo sư Lương tiến hành cách đây hơn 10 năm (1997). Ông đã dùng kỹ thuật xét nghiệm ADN tiến hành nghiên cứu hai bệnh di truyền phổ biến ở Việt Nam là bệnh thiếu máu b-Thallassemia và bệnh teo cơ bẩm sinh Duchen, hai bệnh di truyền có tần suất xảy ra tại Việt Nam cao. Bằng công nghệ này, ông cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu 10 bệnh di truyền hay gặp ở nước ta và đang chuẩn bị đưa vào ứng dụng. Dự tính, chi phí cho mỗi thẻ ADN phát hiện được các bệnh như vậy có chi phí khoảng 1.000 đô la.

Trong những năm tới, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể do giá thành các thiết bị thực hiện công nghệ hạ thấp. Người dân có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ hơn. Trên thế giới, các nhà khoa đã phát hiện được 1.000 bệnh khác nhau nhờ công nghệ ADN. Theo giáo sư Lương, số lượng bệnh có thể phát hiện tăng lên nhanh chóng, tốc độ này chỉ chậm lại khi lên đến con số 5.000 - 6.000 bệnh.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.