Doanh nghiệp đầu tiên tố cáo đường dây "chạy" quota ở Bộ Thương mại: Đang phải chịu trừng phạt?

23/11/2004 09:40 GMT+7

Trong khi Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án liên quan đến đường dây "chạy" quota dệt may và kêu gọi các doanh nghiệp đã dùng tiền "chạy" quota, nếu khai báo thành khẩn sẽ được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tại Hà Nội, DN dệt may xuất khẩu đầu tiên dám tố cáo "mắt xích" Mai Thanh Hải (con trai của nguyên Thứ trưởng Mai Văn Dâu) đang lâm vào cảnh khốn đốn. Từ năm 2005, DN này sẽ bị Bộ Thương mại đình chỉ chia quota không thời hạn...

Công ty Parks (trước có tên là Công ty Qualitex) có trụ sở tại Gia Lâm - Hà Nội là một DN liên doanh với phần góp vốn 50% VN, 40% của Mỹ và 10% của Hàn Quốc. Theo bà Nguyễn Mỹ Hà - PGĐ kinh doanh Parks, thì đợt phân bổ hạn ngạch dệt may lần thứ nhất năm 2003, công ty không được phân bổ hạn ngạch, dù đã làm đủ các thủ tục và chứng minh được năng lực xuất khẩu năm trước đó của mình. Ngoài ra, Parks có lợi thế là 100% sản phẩm được bao tiêu xuất vào thị trường Mỹ.

Để có hạn ngạch xuất khẩu, Parks đã chủ động tìm "cò" có khả năng chạy giúp quota. Người đó là ông Đặng Vũ Quang - GĐ Công ty TNHH Hàng Đầu (181 Đông Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau đó ông Quang nhờ Mai Thanh Hải - nhân viên Vụ XNK Bộ Thương mại "giúp". Hải nhận lời "chạy giúp" Qualitex 70.000 tá sản phẩm với giá 1 đến 1,4USD/tá sản phẩm. Ngày 9/6/2003, ông Quang nhận 1,5 tỉ đồng từ công ty Qualitex, tạm ứng cho Hải 510 triệu đồng. Nhưng ngày 20/6/2003, Bộ Thương mại chỉ cấp hạn ngạch cho Qualitex xuất khẩu 28.000 tá sản phẩm, chứ không phải là 70.000 tá như Hải đã hứa. Ngày 24/6/2003, Hải đưa trả lại cho ông Quang 154 triệu đồng, số còn lại Hải không trả với lý do là đã chi phí để chạy 28.000 tá sản phẩm mà Qualitex đã được cấp.

Không đồng ý với giải thích của Hải, bà Hà đã làm đơn gửi đến Bộ Thương mại và trực tiếp đến nhà Hải để đòi số tiền còn lại. Do bị bà Hà đòi quá "rát", cuối cùng Hải đã phải trả số tiền còn lại là 356 triệu đồng cho Qualitex. Bà Hà rút đơn kiện.

Do chưa biết bà Hà đã nhận lại được đủ số tiền, nên bố bà Hà đã có đơn tố cáo vụ tiêu cực này đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Kết quả là ngày 15/9/2004, Lê Văn Thắng - nguyên vụ Phó Vụ XNK, Bộ Thương mại và Bùi Hồng Minh, chuyên viên cấp phép hạn ngạch hàng dệt may vào thị trường Mỹ - bị bắt vì hành vi "nhận hối lộ". Tiếp đó, ngày 30/9, Mai Thanh Hải cũng bị tạm giam về hành vi trên. Ngày 31/9, Đặng Vũ Quang - kẻ môi giới cũng bị bắt.

Sau đó, theo bà Nguyễn Mỹ Hà, giữa tháng 10/2004 trên trang web của Bộ Thương mại (www.mot.gov.vn) đã thông báo danh sách các DN không được phân bổ hạn ngạch dệt may năm 2005, trong đó có Parks, với lý do đang có liên quan đến vụ tiêu cực trong việc phân bổ hạn ngạch dệt may. Việc không được phân bổ hạn ngạch năm 2005 có thể sẽ dẫn đến khả năng hết tháng 11/2004, công ty này phải ngừng hoạt động vì không có hạn ngạch để xuất khẩu (100% sản phẩm của công ty này XK vào thị trường Hoa Kỳ). Điều này đồng nghĩa với việc gần 800 công nhân của công ty sẽ không có việc làm trong thời gian tới.

Giải thích cho việc phải "chạy" quota, bà Hà bức xúc: "Rất nhiều công ty đã rơi vào tình trạng như công ty chúng tôi về vấn đề hạn ngạch dệt may, nhưng không ai dám nói ra sự thật vì sợ phải trả giá...? Chẳng lẽ vì tố cáo tiêu cực mà công ty chúng tôi không được cấp hạn ngạch năm 2005? Nhiều công ty có năng lực, đủ tiêu chuẩn nhưng không được cấp hạn ngạch. Vì thế để xuất được hàng, các công ty này phải núp dưới tên một công ty khác (dù không đủ năng lực nhưng vẫn được Bộ cấp hạn ngạch hoặc được cấp thừa hạn ngạch - PV). Nói cách khác, đó cũng chính là việc buôn bán hạn ngạch".

Nếu sự thật là Parks đang chịu sự trừng phạt, thì liệu rồi đây còn ai sẽ dám tố cáo những vụ tiêu cực, tham nhũng, dám hợp tác cùng Ban chuyên án?

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.