Nguy cơ “xóa sổ” cây atisô

29/04/2012 03:47 GMT+7

Do hiệu quả kinh tế thấp, atisô - cây dược liệu riêng của TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) - đang ngày càng bị thu hẹp diện tích...

Do hiệu quả kinh tế thấp, atisô - cây dược liệu riêng của TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) - đang ngày càng bị thu hẹp diện tích...

 
Do giá quá thấp nên cây atisô ngày càng bị thu hẹp diện tích - Ảnh: G.B

Trong suốt mấy chục năm qua, P.12, TP.Đà Lạt được xem là “thủ phủ” của cây atisô khi diện tích trồng có năm lên đến cả 100 ha. Atisô cũng là loài cây chủ lực giúp nhiều hộ nông dân ở phường này thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, hiện nay chính những người nông dân này lại bắt đầu quay lưng với cây atisô, bởi hiệu quả kinh tế mang lại từ loài cây này đang quá thấp. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch UBND P.12, cho biết: “Năm 2011, tại phường có 170 hộ nông dân trồng 50 ha cây atisô. Do giá bán quá thấp, không có đầu ra, nên sau vụ thu hoạch này (hiện đang là cuối vụ), bà con đã bỏ hơn 10 ha không trồng cây atisô nữa mà chuyển sang trồng hoa”. Cũng theo bà Nguyệt, hiện giá bông atisô tươi chỉ 20.000 đồng/kg, bông khô 78.000 đồng/kg, rễ và thân đen atisô chừng 35.000 đồng/kg, thân trắng 17.000 đồng/kg..., tất cả đều giảm khoảng 30% so với năm ngoái.

Anh Hoàng Thơi (ở khu phố 4, P.12), sau hơn 20 năm gắn bó cây atisô nay quyết định chuyển toàn bộ 4 sào đất trồng atisô sang trồng hoa. Anh Thơi tâm sự: “Trồng atisô tốn rất nhiều công sức chăm sóc, thu hoạch; trong khi mọi thứ như phân, thuốc, nhân công đều tăng thì giá bán atisô ngày càng tụt. Khoảng 3 năm trở lại đây, atisô liên tục rớt giá và hiện nay 1 sào thu nhập chỉ khoảng 17 - 20 triệu đồng/năm không đủ để gia đình sinh sống. Bà con ở đây cũng đang có xu hướng bỏ atisô để chuyển sang trồng hoa”. Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân P.12, cho biết thêm lãi từ trồng atisô như hiện nay không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống cho bà con nông dân, trong khi trồng hoa mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 2,5 - 3 lần nên họ chuyển đổi là đương nhiên. “Nếu tình hình giá cả như hiện nay kéo dài, chỉ trong vòng 2 - 3 năm nữa sẽ không còn ai trồng atisô. Thực ra, hiện nay do chưa có vốn và chưa có điện ra tận vườn nên bà con mới còn để cây atisô, chứ nếu có đủ 2 điều kiện này thì bà con sẽ chuyển sang trồng hoa hết”, ông Dinh nói.

Bông atisô đã được chọn làm biểu tượng trong nhãn hiệu chứng nhận rau Đà Lạt. Nếu các cấp, ngành ở địa phương không có biện pháp, chính sách hợp lý để hỗ trợ nông dân thì nguy cơ “xóa sổ” loài cây này rất dễ xảy ra.  

Gia Bình

Giảm 30% diện tích

Ông Hồ Đấu, Chủ tịch Hội Nông dân P.11, TP.Đà Lạt, cho biết hiện phường có gần 100 hộ nông dân trồng 15 ha atisô, nhưng vì giá bán quá rẻ nên nhiều khả năng diện tích trồng atisô trong mùa vụ tới sẽ giảm khoảng 30%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.