Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn ngày càng tăng

30/08/2012 19:30 GMT+7

(TNO) Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở người lớn ngày càng gia tăng với nhiều diễn biến nặng. Trong khi đó, đối tượng này lại rất chủ quan với bệnh.

(TNO) Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở người lớn ngày càng gia tăng với nhiều diễn biến nặng. Trong khi đó, đối tượng này lại rất chủ quan với bệnh.

Trở nặng mới đến bệnh viện

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), những ca cấp cứu SXH nặng liên tục được chuyển vào.

Hầu như khi nhập viện, bệnh nhân đều có các triệu chứng sốt, bứt rứt, vật vã, tay chân lạnh, tím tái đầu chi, đau bụng dữ dội liên tục, kèm theo tai biến xuất huyết ồ ạt từ đường tiêu hóa, chảy máu mũi, tiêu phân đen…

Thậm chí nhiều trường hợp bác sĩ nhận thấy đã suy gan, thận và ngay lập tức phải được đưa vào thở máy, truyền máu khẩn cấp.

Bệnh nhân người lớn bị SXH nằm điều trị đặc kín phòng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Ảnh: Nguyên Mi
Bệnh nhân người lớn bị SXH nằm điều trị đặc kín phòng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM)

“Có đêm tôi trực, như thứ 2 tuần này, cùng lúc phải tiếp nhận cấp cứu đến 4 trường hợp bệnh nhân SXH đã chuyển biến nặng kèm theo nhiều biến chứng, suy đa tạng. Những trường này khả năng tử vong rất cao nếu không được điều trị tích cực ngay lập tức”, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Khoa Nhiễm D, cho biết.

Đang được điều trị, theo dõi sát tại bệnh viện, anh T.V.M (ngụ Q.8, TP.HCM) kể: "Bữa đi làm về thấy mệt mỏi, đau đầu, hâm hấp trong người tưởng chỉ do làm việc quá sức chứ không nghĩ có bệnh gì". Anh M. mua thuốc hạ sốt, giảm đau uống nhưng hơn ba ngày vẫn không khỏi. Đến khi cơ thể uể oải, rùng mình ớn lạnh, toàn thân xuất hiện những nốt đỏ dưới da và đau bụng dữ dội thì anh mới đến bệnh viện.

 

Các triệu chứng của SXH: 

- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
- Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
- Chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng.
Xuất huyết: xuất hiện những đốm đỏ dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, ói ra máu, đi cầu phân đen.

Đặc biệt, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), khuyên: "Nếu thấy sốt ba ngày mà quanh khu vực mình sống đã có người bị SXH thì nên đi khám liền".

 

 

Bác sĩ chẩn đoán anh bị SXH và kết quả xét nghiệm cho thấy đã xuất huyết tiêu hóa, lượng tiểu cầu giảm nhanh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhiễm, bệnh SXH ở người lớn cũng do vi-rút Dengue gây nên. Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn có tên khoa học là Aedes agypti.

Vì vậy, bác sĩ Trường cho biết SXH Dengue ở người lớn và trẻ em cơ bản đều giống nhau về cơ chế, đa số đều khởi phát ở thể nhẹ, chỉ khác tần suất.

Ở người lớn thường có tần suất cao hơn như sốt lâu, xuất huyết tiêu hóa nhiều và biến chứng nhiều hơn trẻ em.

Đặc biệt, ở người lớn, thường bệnh không xuất hiện một biến chứng độc lập mà cùng lúc có nhiều biến chứng (suy gan, suy thận, viêm cơ tim) dẫn đến bệnh cảnh nặng nề, sẽ khó phục hồi nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

“Trong khi đó, người lớn thường rất chủ quan nên hầu như các ca nhập viện đều ở tình trạng nặng”, bác sĩ Trường nói.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cảnh báo: “Người lớn có dấu hiệu xuất huyết nhiều hơn trẻ em. Vì vậy, SXH người lớn có nguy cơ tử vong nhanh hơn trẻ em”.

Ông cho rằng nhiều người vẫn quan điểm sai rằng người trưởng thành gần như miễn nhiễm với SXH nên rất chủ quan.

Khi có các triệu chứng của SXH, nhiều người vẫn cứ nghĩ mình chỉ bị cảm cúm, sốt siêu vi thông thường, tự đi mua thuốc uống. Đến khi quá nặng thì mới đến bệnh viện.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trong 120 ca SXH người lớn đang được điều trị ở bệnh viện mỗi ngày, có đến 40% nhập viện muộn.

SXH từ nông thôn ra thành thị

Là tuyến cuối điều trị các bệnh nhiễm cho cả khu vực phía Nam, tính từ đầu năm nay đến ngày 28.8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận điều trị nội trú 3.723 trường hợp SXH người lớn. Trong đó, bệnh nhân tại TP.HCM chiếm 67,5%, còn lại là các tỉnh chuyển về.

Hiện nay, tại Khoa Nhiễm D, trung bình mỗi ngày có hơn 120 ca nằm viện điều trị SXH. Bác sĩ Trường cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện do SXH trong thời gian này là khá đông, với 40-50 bệnh nhân nhập viện/ngày. Trong đó 40-50% là người lớn.

Dấu hiệu điển hình của bệnh SXH là xuất hiện những đốm đỏ dưới da - Ảnh: Nguyên Mi
Một trong các dấu hiệu điển hình của bệnh SXH là xuất hiện những đốm đỏ dưới da

Bác sĩ Châu đánh giá, trong những năm gần đây, người lớn mắc SXH ngày càng tăng nhanh.

Theo đó, ông khuyến cáo các tỉnh cần chú ý tới SXH ở người lớn vì đối tượng này khi mắc SXH thường ít được chẩn đoán sớm nhưng lại có những biến chứng phức tạp, dễ nặng và có thể tử vong nhanh.

Các chuyên gia nhận định SXH ở người lớn không còn chỉ xuất hiện nhiều ở nông thôn như trước đây mà đang lan nhanh ra khu vực thành thị.

Trong đó, có nguyên nhân là các yếu tố môi trường và mật độ dân cư ngày càng đông, tập trung ở các thành phố lớn khiến số người lớn mắc SXH tăng lên.

“Hiện nay, ở nước ta đang lưu hành cả 4 tuýp SXH là D1, D2, D3, D4. Trong khi đó, môi trường sống xuống cấp tại các khu công nghiệp, khu dân cư, nhà trọ tạm bợ cộng với lượng người di cư biến động nhiều càng làm cho bệnh SXH diễn biến phức tạp, nhất là SXH ở người trưởng thành”, tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nói.

Bài, ảnh: Nguyên Mi

>> Sốt xuất huyết, đang phục hồi bỗng trở nặng
>> Số ca sốt xuất huyết tăng hơn 35%
>> Sốt xuất huyết tăng nhanh và phức tạp
>> Gia tăng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết
>> Bùng phát đau mắt đỏ, sốt xuất huyết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.