Kính Galilé - Truyện ngắn của Mạc Do Hùng

18/12/2004 16:35 GMT+7

Hai Thừa ôm tiền bán cà phê đi đâu mất biến. Chị Hai mếu máo: "Không biết ông ấy chạy theo con nhỏ nào. Sống với anh chú có ngày tôi phải vào viện tâm thần". Vợ tôi thản nhiên: "Sông lại nổi sóng!". Tôi cảm thấy lo lắng. Không hiểu người đang phiêu lưu chuyện gì đây? Tôi an ủi chị: "Anh Hai tuổi ngựa. Ở nhà mãi, lâu ngày nên cuồng chân, lông bông một vòng đâu đó rồi cũng về thôi".

Nhà chỉ có hai anh em. Sống bên nhau từ nhỏ, nhưng tôi chả hiểu gì về anh. Dòng họ của tôi ở làng, ở huyện, người đông đúc. Gia phả đọc không thấu. Để tránh trùng tên các bậc bề trên, cha tôi đặt tên con: Thừa - Thải. Tôi đi học bị bạn bè trêu hoài, chịu không nổi. Hết bậc tiểu học, tôi sửa tên cả giấy khai sinh và học bạ. Dấu hỏi thành dấu sắc là có tên mới. Quá dễ! Tôi xúi Hai Thừa: "Anh tẩy chữ a, dấu huyền sẽ có tên hay". Anh lắc đầu: "Cha mẹ đặt thế nào, mình giữ nguyên vậy". Sau này đứng tuổi, nhắc đến chuyện họ tên, anh thường nói: "Có tên lạ cũng hay. Ít bị nhầm lẫn và nó có thể giúp mình tránh được nhiều ảo tưởng". Tôi không hiểu.

Thuở nhỏ, thấy hàng quán có đồ chơi mới, tôi nằng nặc xin tiền mẹ mua ngay. Anh luôn mò mẫm tự làm đồ chơi cho mình. Bàn tay không khéo nên sản phẩm thường thô kệch, vụng về. Tôi thấy anh khổ! Tôi thích la cà trong làng nghe các cụ kể chuyện tiếu lâm. Các cụ bịa chuyện tài thật. Bọn trẻ cứ há hốc mồm mà nghe. Nếu có cuộc thi nói khoác, làng tôi sẽ được giải. Anh chúi mũi đọc sách. Thượng vàng hạ cám. Cha tôi nhắc: "Đọc sách, nghe chuyện phải có bản lĩnh. Đọc sách không có bản lĩnh dễ thành kẻ dở người. Nghe chuyện không có bản lĩnh dễ bị phỉnh ăn cứt gà". Anh nhíu mày. Tôi cười toét miệng. Mẹ tôi lắc đầu: "Cha con ông gàn". Trước khi mất, cha than thở: "Anh Hai con là người tốt, nhưng tốt quá cũng khó sống. Người ta ở đời hay mắc cái bệnh lấy mình suy xét người khác. Vả cũng như sung".

Cha mẹ ra đi sớm. Hai Thừa đậu đại học, nhưng không có điều kiện đi xa. Anh xin chuyển về học cao đẳng gần nhà. Tốt nghiệp được phân về dạy văn lớp 9 ở trường điểm. Anh dạy học không giống ai. Học trò phải tự tìm hiểu tác phẩm rồi tổ chức thuyết trình. Thầy lắng nghe, bổ sung kiến thức, sửa chữa sự nhầm lẫn. Học trò nhận xét cho điểm với nhau. Bọn trẻ khoái chí. Nhà trường hoảng hốt. Phụ huynh sốt vó vì chuyện thi cuối cấp của con em mình. Hết học kỳ một, anh phải chuyển xuống dạy lớp dưới. Mọi chuyện không hề thay đổi. Năm sau, nhà trường mời đi nơi khác. Ở trường mới cũng thế. Chỉ được thời gian ngắn lại ra đi. Trường lớp ngày cứ xa dần. Lọc cọc xe đạp đi về. Đến lúc quãng đường quá xa, đạp xe không nổi, xin nghỉ dạy. Lấy vợ.

Gia đình chị Hai buôn bán phế liệu. Khi thông báo chuyện cưới vợ, anh nói: "Người buôn bán phế liệu là người nhìn thấy vàng trong rác". Tôi thầm mong anh nghĩ đúng. Chị Hai rất thương chồng con, nhưng theo kiểu cho roi, cho vọt. Chị thường oang oang với mọi người: "Tôi không cứng tay, Hai Thừa sẽ mọc cánh lên trời!". Nghe kể lại, anh lắc đầu: "Không nên hơn thua với đàn bà. Họ sinh ra từ thời trẻ trung, nông nổi của thượng đế". Vợ chồng anh có cửa hàng phế liệu. Ngày ngày, anh coi sóc việc cân đo. Chị chạy hàng. Kinh tế gia đình lên nhanh. Con cái ra đời mạnh khỏe. Anh chị cho tôi cuốn sổ tiết kiệm để yên tâm học hành.

Tôi học năm cuối đại học, tai họa đến. Người như chị Hai không hiểu sao lại đi nghe lời rì rầm của anh. Bao nhiêu vốn liếng đổ ra cùng các ông bạn mở hợp tác xã tín dụng. Hoạt động chưa đầy năm đã tan vỡ. Bạn anh, kẻ vào tù, kẻ lặn trốn biệt tăm. Nợ nần ngút đầu. Vợ chồng anh trắng tay. Chị Hai tiếc của, vật mình gào khóc: "Tin bạn mất bò. Nếu còn kiếp nữa xin chừa mặt anh". Hai Thừa lặng người: "Sống mà không tin nhau, buồn lắm".

Ra trường, tôi lên Tây Nguyên công tác ngành cà phê. Cưới vợ. Đời sống ổn định. Vợ chồng về quê mời anh chị lên ở cùng chúng tôi. Anh chị gật đầu. Tôi không kỳ vọng gì, chỉ mong anh em được sống gần nhau. Nhưng hình như bị sốc vì tai họa trời ơi, đến quê mới Hai Thừa trần thân lăn lộn với cây cà phê. Nhìn Hai Thừa không thể tin nổi. Anh như người khác hẳn. Cà phê liên tục được mùa, trúng giá. Chưa đến chục năm, anh đã có cơ ngơi khang trang, diện tích cà phê rộng mở ngút ngàn. Con cái gửi học nơi thành phố. Vợ tôi chép miệng: "Người có số cả". Ai nhìn gia cảnh của Hai Thừa cũng ước ao. Chuyện đời lẽ ra cứ thế êm xuôi. Không hiểu anh còn mong muốn điều gì nữa. Vợ tôi xuýt xoa: "Chị Hai không cảm được, chứ sống với một người như thế cũng hấp dẫn". Tôi sầm mặt: "Em đã lên thuyền ra khơi chưa mà biết bão to, sóng dữ". Vợ tôi cười xuề xòa.

***

Gần đúng một tháng, Hai Thừa về. Anh khuân theo chiếc hòm lỉnh kỉnh ống lắp, gương lồi, gương lõm, cùng chồng sách thiên văn. Chị Hai tái mặt: "Ông mang đống tiền đi mua đồ đồng nát!". Không hé răng một lời, anh mua gỗ, tôn, dựng căn chòi trên tầng thượng. Loay hoay cả tuần mới lắp xong chiếc kính chĩa lên trời. Tôi ghé mắt nhìn qua. Cũng đáng đồng tiền bát gạo. Độ phóng đại tuyệt vời. Đêm đến, những ngôi sao xuống gần như có thể dùng tay sờ được. Nhưng tất cả cũng chỉ có thế thôi. Tôi không nhìn ra được điều gì!

Từ ấy là tháng ngày Hai Thừa sống về đêm với chiếc kính và bầu trời riêng của mình. Anh không còn quan tâm đến cà phê, ruộng nương, vườn rẫy! Chị Hai than trời: "Không hiểu anh chú lạc từ hành tinh nào xuống đây". Có đêm rỗi rãi, tôi leo lên "cung thiên văn". Căn chòi tràn ngập giấy với những hình kẻ nhằng nhịt, chi chít. Râu tóc anh dài như đạo sĩ ẩn mình luyện linh đan. Tôi đùa: "Anh đã tìm được cách phát hiện Braxin mất mùa cà phê chưa?". Anh không nghe tôi nói gì, lẩm nhẩm: "Chú biết không? Thời gian cong là khái niệm vĩ đại. Sẽ đến lúc chúng ta phát hiện ánh sáng của chính mình. Ánh sáng mà chúng ta cho là đã tắt cách nay triệu triệu năm". Tôi không hiểu. Anh lại nói: "Tư duy của tôn giáo về sống, chết, tồn tại, hủy diệt thật đáng kinh ngạc. Thiên đường, miền cực lạc, địa ngục là cái ảo trong thật và thật trong ảo. Sẽ có cõi vĩnh hằng vì nó được tư duy rất hồn nhiên". Tôi về nhà, đầu óc bời bời rối.

Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Chị Hai đanh mặt: "Sống kiểu này tôi hết chịu nổi". Vợ tôi than: "Giông tố sắp đến rồi!". Mấy hôm sau, chị sang nhà tôi mếu máo: "Chị tháo ống kính đem bán. Anh chú giận dữ bỏ nhà vào rẫy rồi!". Tôi nhăn nhó: "Với Hai Thừa phải từ từ tìm cách khuyên giải. Chị làm thế khác nào đục thủng con thuyền mơ ước của anh ấy. Chuyện này gay rồi đây!". Chị Hai bần thần: "Tôi mệt mỏi quá. Công việc dồn dập vào mùa. Anh chú cứ mải đi mây về gió, mình tôi xoay xở sao nổi? Nói vậy thôi, chiếc kính tôi đóng hòm giấu đi. Của ấy bán ai mua. Chẳng lẽ bán phế liệu à!". Vợ tôi bàn: "Chị cứ cho người lắp lại chiếc kính. Mùa cà phê chín, thỉnh thoảng chị lên chòi xoay kính vào các rẫy. Đố có đứa nào trộm cà phê lọt qua được mắt mình". Chị Hai cười hề hề: "Ừ nhỉ, sao chuyện ấy chị không nghĩ ra". Chị lại sụt sùi: "Chú vào rẫy khuyên giải anh ấy về. Một ngày cũng tình cũng nghĩa. Anh chú sống vật vờ như thế tôi không chịu được". Vợ tôi cười: "Đàn bà như cơi trầu thô".

Tôi vào rẫy, Hai Thừa ngồi bó gối trong lều nhìn ra mông lung. Tóc anh bạc trắng. Tôi giật mình. Định mở lời khuyên, anh xua tay: "Chú không cần nói điều gì". Anh im lặng. Khoảng yên lặng nặng nề. Anh nói: "Cuộc sống là sự liên tục khám phá chính mình. Hành trình của nó nhiều khi gây đớn đau. Nhưng nếu chúng ta không một phút giây lao khổ tìm kiếm thì chuyện sẽ là bi thảm". Anh đứng dậy, lôi cuốc trong xó lều: "Anh đi làm đây. Nhắn chị Hai vài hôm nữa anh về". Bóng Hai Thừa khuất dần trong rẫy cà phê. Dáng đi như còng xuống vì sức nặng của ưu tư. Tôi nghe lòng tràn dâng tình cảm da diết. Thương anh quá! Làm người khó lắm thay!

M.D.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.