Từ "nhà lánh nạn" đến những câu chuyện đau lòng

10/12/2006 11:48 GMT+7

Vì nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là do thiếu hiểu biết nên "lỡ dại" và vô trách nhiệm, nhiều bà mẹ "bất đắc dĩ" đã đang tâm vứt bỏ đứa con dứt ruột đẻ ra. Để rồi những đứa trẻ mồ côi phải đơn độc trong cuộc đời bất hạnh nếu không có những tấm lòng rộng mở...

Những bà mẹ bất đắc dĩ

Bước vào tuổi trăng tròng, bé L.T.Tư nhà ở Bình Phước không ngờ mình đã phải làm mẹ một cách... bất đắc dĩ. Ngày một buổi đi học, một buổi ở nhà trông em cho mẹ đi làm mướn, rồi Tư bỗng thấy bụng mình có cái gì cứ ngọ nguậy, khó chịu. Bé Tư còn bảo em leo lên bụng nhảy coi cái "ngọ nguậy" trong bụng có "vọt" ra được không! Cho đến ngày mẹ đưa đi bệnh viện khám thì tá hỏa khi thấy bé Tư có thai được 5 tháng. Người mẹ không hiểu nỗi vì sao cô con gái ngoan của mình lại có thai khi mà tối nào nó cũng ở nhà ngủ với bà. Nhưng khi nghe bé Tư thơ ngây kể lại em đã bắt chước người lớn làm "chuyện ấy" với một bạn học cùng lớp, bà mẹ đã mắng như tát nước vào mặt con rồi bỏ bé Tư ở bệnh viện lẳng lặng đi về... Thế là bé Tư phải lang thang kiếm sống cho đến ngày đứa trẻ chào đời.

Còn trường hợp chị Nguyễn Thu N., 22 tuổi, từ Hà Tĩnh vào làm công nhân ở một cơ sở may tại Q. Tân Bình (TP.HCM). Sau hơn 2 tháng làm việc, N. yêu một người đồng hương cùng quê và không thể cưỡng lại những lời ngọt như mía lùi của anh chàng họ "Sở". Kết cục cái thai trong bụng ngày một lớn, còn người đồng hương thề non hẹn biển ngày nào đã... lặn mất tăm. Đau khổ khi người yêu cao chạy xa bay và chủ cho nghỉ việc vì sợ... xui, N. đã bỏ lại đứa con của mình sau khi vượt cạn tại một bệnh viện.

Những em nhỏ bất hạnh hơn cả trẻ mồ côi

Ấy là những em bé bị bỏ rơi mà trên mình còn mang khuyết tật. Bác sỹ Ngô Minh Xuân - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ tâm sự: "Có nhiều lý do trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, một số vì gia đình nghèo không có tiền đóng viện phí đã bỏ con lại rồi trốn viện, nhưng đó chỉ là số ít, phần lớn trẻ bị gia đình bỏ rơi vì đa dị tật".

Theo bác sỹ Phương Tần - phụ trách làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM: "Từ đầu năm đến nay làng đã tiếp nhận 10 em. Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều rất thương tâm: 1 em cha mẹ ở Bình Chánh, bị chẻ vòm hầu, chân khèo chỉ nặng có 2,1 kg; 1 em gia đình ở Đồng Nai bị tật, đầu nhỏ xíu nặng 1,5 kg; 1 bé gia đình ở Long Xuyên không có vành tai và không có lỗ tai phải... Các em ở đây được nuôi đến năm 2 tuổi rồi sẽ được chẩn định mổ hay không, nếu mổ mỗi cháu sẽ phải chịu khoảng 10 ca phẫu thuật".

Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đang nuôi dưỡng 395 cháu, trong đó khoảng 120 cháu nằm bất động một chỗ. Mặc dù số nhân viên là 225 người, với chỉ tiêu 1 cô chăm 2 cháu nhưng với nhu cầu thực tế thì vẫn thiếu nhiều, đặc biệt là nhân viên ở khâu chăm sóc.

"Nhà lánh nạn" và mô hình "lao động trị liệu"

Đã nhiều năm làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Xơ Nhất đã chứng kiến không ít nỗi đau của bao phận gái "dính" bầu, cô đã âm thầm tìm những căn nhà cho thuê hoặc bỏ hoàng ở vùng ngoại ô... để cho các cô gái sắp làm mẹ ở nhờ. Đến nay, Xơ Nhất cũng không nhớ nỗi mình đã mở rộng vòng tay giúp đỡ bao nhiêu cô gái lỡ bước.

Không chỉ cho các cô gái một nơi nương náu, tránh cho những đứa trẻ vô tội bị vứt bỏ, Xơ Nhất tìm việc làm thêm như: đính cườm túi xách, thêu đường viền khăn ăn... để các bà mẹ trẻ có thêm thu nhập. Theo Xơ Nhất sau khi vượt cạn số người dám giữ con để nuôi chỉ chiếm 2%, còn lại đều bỏ con mình lại nhờ Xơ Nhất giao cho trại mồ côi. Xơ Nhất tâm sự: "Nhà lánh nạn dù rất nhân đạo nhưng chẳng ai muốn nó nhân rộng lên. Mỗi lần nhận một thành viên về nhà, lòng tôi vừa mừng nhưng lại vừa lo. Mừng vì các bà mẹ tương lai có chỗ trú thân, nhưng lại lo nếu như sinh ra mà không nuôi nấng, gởi lại cho trại mồ côi thì lại thêm một đứa trẻ bất hạnh nữa bị bỏ rơi".

Cùng có tấm lòng nhân hậu như Xơ Nhất, bà Tống Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè lại khởi xướng mô hình "lao động trị liệu" tại Bảo Lộc cho các em bé mồ côi. Nhiều năm gắn bó với việc chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, bà Phụng chỉ có một ước mơ làm sao các em luôn có một mái ấm. Với mô hình "lao động trị liệu", trẻ em tàn tật được sống trong một môi trường trong lành, không chỉ được điều trị bệnh tật, các em còn được dạy nghề để có khả năng hòa nhập với cộng đồng. "Đến nay đã có năm em trưởng thành và lập gia đình, được trung tâm hỗ trợ nhà ở và tạo công ăn việc làm", bà Phụng phấn khởi.

Mới đây, trung tâm đã mở thêm một dịch vụ nuôi dạy bán trú cho những trẻ em bị dị tật do các gia đình gởi đến. Hện nay, khoa dịch vụ đã tiếp nhận gần 200 trẻ. Thế nhưng, bà Phụng vẫn còn trăn trở: "Mô hình "lao động trị liệu" có nhiều người khen nhưng lại không dễ nhân rộng. Bởi muốn thực hiện nó không chỉ cần có một tấm lòng là đủ. Nó còn cả kỹ năng đào tạo, sự kiên nhẫn và ủng hộ của xã hội".

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh xã hội TP.HCM, năm 2004 có hơn 400 trẻ bị bỏ rơi, năm 2005 có gần 350 trẻ vô thừa nhận. Từ đầu năm đến nay có hơn 170 trẻ vô thừa nhận. Riêng bệnh viện Từ Dũ, năm 2004 có hơn 180 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, năm 2005 gần 170 trẻ và 6 tháng đầu 2006 có 84 trẻ.

(Theo báo Tiền Phong chủ nhật )

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.