Những bài thuốc hay từ bồ công anh

14/12/2008 19:26 GMT+7

Bồ công anh được trồng nhiều ở Trung Quốc, trong nước loại cây này thường mọc hoang, mọc nhiều nhất là ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong sử dụng chữa bệnh, thường người ta dùng toàn thân cây.

Đặc tính của bồ công anh

Lương y Phạm Như Tá (TP.HCM) cho biết: theo y học cổ truyền, bồ công anh có vị ngọt, tính bình, giúp mát cho huyết, có công dụng giải nhiệt, giải độc, tán sưng, tiêu ung - đặc hiệu trị vú sưng đau, nên những trường hợp nhũ ung (nhọt mọc ở bầu vú), vú có ung nhọt thì nó là thứ thuốc rất hay dùng chữa trị. Ngoài ra, bồ công anh còn có tác dụng thông lợi được chứng lâm - chứng về tiểu tiện, giúp đen râu, đen tóc, giải được thức ăn có độc, tiêu được đinh nhọt...

Những cách vận dụng bồ công anh trị bệnh

Theo lương y Phạm Như Tá (TP.HCM): để trị tình trạng viêm đường tiểu, viêm bàng quang có thể dùng 40g bồ công anh, 24g quất bì, 12g sa nhân, đem tán thành bột, cho vào lọ đậy kín. Mỗi lần dùng 10-15g, ngày dùng 2 lần. Với những người bị nước tiểu đục, thì dùng 15g bồ công anh, 15g kim tiền thảo, và 10g bạch mao căn, đem nấu lấy nước uống trong ngày.

 
Bồ công anh khô - Ảnh: lương y Trần Duy Linh
Những phụ nữ bị tình trạng sưng đỏ vú, có thể dùng 40g bồ công anh, 80g nhẫn đông đằng, đem giã nát, rồi nấu với 2 chén nước, nấu còn lại 1 chén, uống trước bữa ăn. Những trường hợp sản phụ sau sinh sữa nhiều gây căng, sưng đau nhức vú, dùng bồ công anh giã nát, đắp lên vú, ngày làm từ 3-4 lần.

Những người ở các vùng quê, đi làm đồng thường bị gai đâm gây đau nhức, thì lấy bồ công anh giã nát để lấy nước cốt bôi nhiều lần vào chỗ gai đâm sẽ hết đau. Trị đinh nhọt, sưng làm độc phát sốt, lở loét ngoài da, đỏ mắt do phong hỏa, thì lấy 20g bồ công anh, và 12g cúc hoa, 12g kim ngân hoa, 10g cam thảo sống đem nấu lấy nước uống. Những trường hợp bị ong đốt, rắn, hay bò cạp cắn, thì lấy bồ công anh giã nát, đắp vào vết cắn.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.