Nhiều người nước ngoài còn coi Việt Nam là quê hương

03/05/2013 10:35 GMT+7

(TNO) “Tôi cũng nhiều lần hỏi anh em trí thức trong nước từng tham gia chế độ cũ và thấy họ cũng không đặt nặng vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc lắm. Phần lớn anh em đều bảo chỉ cần nhà nước tôn trọng và đối xử với họ bình đẳng trước pháp luật là đủ rồi”, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho biết.

>> 38 năm non sông một dải

Ông Phan Chánh Dưỡng cho hay sau năm 1975, đất nước thống nhất đã tạo ra sự hồ hởi trong lòng người dân “cả ở phía bên này lẫn bên kia”. Bởi giờ đây người dân, nhất là thanh niên, không bị gánh nặng phải đi lính đè nặng.


Ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: Trung Hiếu

Từ sự hồ hởi này cho nên ban đầu người dân ở miền Nam tiếp nhận chính quyền mới dù ở nhiều mức độ khác nhau nhưng nói chung rất phấn chấn.

Tuy nhiên không lâu sau đó, cuộc sống của người dân ngày càng đi xuống, thậm chí càng lúc càng khó khăn. Điều này thể hiện ở việc là gạo cũng phải xếp hàng đi mua. Tất cả hàng hóa đều qua hệ thống phân phối bao cấp yếu kém.

Riêng TP.HCM, sau hai đợt cải tạo, tiềm lực kinh tế của thành phố gần như kiệt quệ. Nhiều năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế vận hành theo quán tính như một chiếc xe ngày càng cạn nhiên liệu.

Ông Dưỡng kể lại: Nền kinh tế kế hoạch tập trung và cơ chế bao cấp áp đặt ở miền Nam làm cả hai miền đất nước nghèo như nhau. Đó là thời kỳ mà lần đầu tiên dân sống ở TP.HCM biết thế nào là ăn độn.

 
Cái mình cần làm là phải nói rõ lịch sử để cho lớp trẻ thế hệ sau hiểu. Rằng lịch sử Việt Nam có thời điểm rơi vào bi kịch. Giờ mọi việc đã qua. Người Việt dù trong hay ngoài nước đều phải đồng lòng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh
Ông Phan Chánh Dưỡng

“Dù gánh nặng đi lính không còn nữa nhưng lúc này nỗi lo âu về cuộc sống trở nên nặng nề hơn nhiều so với trước”, ông Dưỡng nhớ lại.

Những người trí thức bắt đầu đặt vấn đề tại sao đất nước lại đi xuống như thế. Bởi cũng đất nước này và những con người này, trước đây lại phải gánh thêm cuộc chiến tranh nhưng cuộc sống của người dân dễ thở hơn. Từ đó các trí thức đã có sự đúc kết việc quản lý kinh tế có vấn đề.

Ông Dưỡng cho hay về mặt lý thuyết, mười ông nông dân hợp thành một hợp tác xã thì phải mạnh hơn. Nhưng tại sao hồi xưa mười người nông dân này làm ăn một cách rời rạc lại không thiếu ăn còn bây giờ hợp tác nhau lại thiếu ăn?

“Sau này tôi cũng nghĩ nếu mười anh nông dân đó tự nguyện hợp tác lại với nhau sẽ không xảy ra đói nghèo. Nhưng mười anh nông dân khi chưa sẵn sàng nhưng bị ép vào hợp tác xã và cách phân phối sản phẩm không công bằng so với lao động mà người ta bỏ ra. Từ đó người ta không tin vào tổ chức, không tin vào tính tập thể”, ông Dưỡng nói.

Theo ông Dưỡng, đây chính là tiền đề cho đổi mới kinh tế diễn ra vào năm 1986.

Nên nhẹ nhàng

Bản thân ông Dưỡng đã từng tiếp xúc rất nhiều trí thức làm việc ở miền Nam trước năm 1975 và phần lớn trong số đó đều không đặt nặng vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc.

“Khi được hỏi, phần lớn anh em đều trả lời chính sách hòa hợp dân tộc là chỉ cần nhà nước coi trọng anh em trí thức chế độ cũ và đối xử với họ bình đẳng trước pháp luật như những công dân khác là đủ lắm rồi”, ông Dưỡng nói.


Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đứng giữa) luôn đau đáu với vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc - Ảnh: Ông Phan Chánh Dưỡng cung cấp

Hòa hợp, hòa giải dân tộc, theo định nghĩa của ông Dưỡng và phần đông trí thức trong “Nhóm Thứ Sáu”, tức là nhà nước cần chấp nhận tính phản biện đa chiều trước một vấn đề hay sự việc.

Bởi trước một vấn đề hay một sự việc, người sống ở thành thị, nông thôn hay vùng giải phóng đều có cái nhìn khác nhau. Nhà nước cần phải chấp nhận điều này.

Chứ cứ lấy ý thức hệ chính trị để nhìn nhận, đánh giá con người, rồi truy ngược “ông này ông kia ngày xưa có tham gia cách mạng hay không” thì “bài toán hòa hợp hòa giải dân tộc” không bao giờ có đáp án.

Ông Dưỡng cho hay đất nước đang ra sức phát triển kinh tế nên rất cần sự đóng góp của bà con kiều bào trên toàn thế giới.

Ông Phan Chánh Dưỡng từng là Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận tại TP.HCM. Ông là thành viên nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng. Hiện ông là giảng viên thực tiễn lĩnh vực quản lý Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

Ở khía cạnh kinh tế, theo ông Dưỡng, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam ở nước ngoài khi bỏ tiền đầu tư đều mong muốn có hiệu quả và quyền lợi của mình được chính quyền sở tại bảo vệ bằng luật pháp.

“Khi môi trường đầu tư thuận lợi và được đối xử tốt, dĩ nhiên người ta sẽ nhận Việt Nam là quê hương thôi. Tôi từng chứng kiến nhiều người nước ngoài còn coi Việt Nam là quê hương thì tại sao người mình lại không xem đất nước mình là quê hương được”, ông Dưỡng đặt câu hỏi.

Việc cần làm bây giờ là nhà nước ta nên đặt vấn đề hòa hợp dân tộc với bà con Việt kiều ở nước ngoài. Bởi hiện nay phần lớn bà con Việt kiều ở nước ngoài đã bước sang thế hệ thứ 2, thứ 3 rồi nên nhiều người không hiểu hết câu chuyện lịch sử.

“Cái mình cần làm là phải nói rõ lịch sử để cho lớp trẻ thế hệ sau hiểu. Rằng lịch sử Việt Nam có thời điểm rơi vào bi kịch. Giờ mọi việc đã qua. Người Việt dù trong hay ngoài nước đều phải đồng lòng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh”, ông Dưỡng cho hay.

Chung một tấm lòng với đất nước

“Nhóm Thứ Sáu” (gồm phần lớn những trí thức, chuyên gia làm việc ở Sài Gòn trước năm 1975) xuất hiện bắt nguồn từ những bức xúc và nhu cầu lo toan của cuộc sống.

Sau giải phóng, các trí thức đặt câu hỏi đất nước đã thống nhất nhưng tại sao người dân vẫn phải sống cuộc sống lam lũ, nghèo đói?

Lúc bấy giờ, ông Dưỡng từ ngành giáo dục được điều về làm trưởng phòng kế hoạch tại Cholimex. Là một nhà giáo và chưa có nhiều kiến thức về điều hành kinh tế, ông Dưỡng thấy rằng cần phải thu hút chất xám từ những người có kiến thức chuyên môn để bổ sung vào những hạn chế của mình.

Từ đó, ông Dưỡng đã lôi kéo một số trí thức cũ về để phục vụ cho công cuộc phát triển Cholimex. Thành viên ban đầu như ông Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn, Lâm Võ Hoàng… Về sau tiếng lành đồn xa, đội ngũ trí thức, chuyên gia tham gia nhóm ngày càng đông.

Thời gian này, ”Nhóm Thứ Sáu” sinh hoạt định kỳ ba lần một tuần tại Cholimex vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, gặp gỡ nhau để bàn bạc, tranh luận. Về sau, do nhu cầu mưu sinh của cách thành viên, nhóm đã quyết định chỉ họp vào ngày thứ Sáu, sau giờ tan sở. Tên gọi “Nhóm Thứ Sáu” cũng xuất phát từ đó.

Một số đề tài nghiên cứu đáng chú ý của nhóm là nghiên cứu về giá - lương - tiền, đề tài cải tổ ngân hàng, nghiên cứu phát triển ngoại thương, đề tài kinh tế vùng…

Ông Dưỡng cho hay "Nhóm Thứ Sáu" có nhiều cái “không”: không biên chế, không điều lệ, không chủ quản, không tiền lương, không ai làm lãnh đạo.

Bản thân ông Dưỡng chỉ coi mình là cầu nối giữa anh em trí thức với lãnh đạo thành phố.

Tuy nhiên, bất cứ ai cũng phải thừa nhận các thành viên trong nhóm đều có chung một tấm lòng nhiệt huyết với đất nước.

Giờ thành viên của “Nhóm Thứ Sáu” người còn người mất. Một số người đã định cư ở nước ngoài.

“Mới đó mà anh em đã gắn kết với nhau hơn 30 năm. Những tháng năm đó, điều đọng lại lớn nhất chính là lòng nhiệt huyết và tình bạn không vụ lợi giữa các thành viên trong nhóm với nhau. Giờ thi thoảng các thành viên trong nhóm vẫn gặp gỡ nhau đúng ngày thứ Sáu như quy ước ban đầu”, ông Dưỡng nói.

Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.