Làng Trường Thọ lo... đoản thọ

22/03/2014 09:40 GMT+7

70 hộ dân của làng Trường Thọ (xã Hải Trường, H.Hải Lăng, Quảng Trị) phải đối diện với tử thần hằng ngày nếu muốn... ra khỏi làng.

Làng Trường Thọ lo... đoản thọ
Người dân làng Trường Thọ mong mở đường ngang dân sinh để họ không phải “phá rào, đi chui” - Ảnh: Nguyễn Phúc

Làng Trường Thọ có khoảng 350 nhân khẩu, cách QL1 hơn 1km, muốn qua làng phải băng ngang đường sắt bắc nam (tại đoạn đường sắt thuộc Km 645+980). Những người lớn tuổi ở làng Trường Thọ cho biết, làng hình thành cách đây cả trăm năm, hiện vẫn còn ngôi nhà thờ ghi dấu thời điểm thành lập làng. Ông Vương Viết Ất, 67 tuổi, cho biết: “Làng tôi hình thành từ rất lâu đời thế nhưng không hiểu sao đoạn đường sắt trước mặt làng lại bị rào chắn lại. Dân muốn đi ra ngoài chỉ còn cách là phải tháo dỡ đoạn rào chắn nói trên. Mà có tháo dỡ thì cũng chỉ đi được xe máy, xe đạp thôi. Còn ô tô phải đi vòng khoảng 20km đường đồi qua làng Tân Diên, thuộc xã Hải Thọ mới vào được”. “Biết ngành đường sắt không cho mở đường ngang nhưng ngoài việc đi chui, chúng tôi còn biết đi đường nào thuận tiện hơn. Anh cứ thử so sánh khoảng cách giữa 20km đường đồi lầy lội vòng vèo và 1km để vào làng thì chúng tôi chọn đi đường nào?”, anh Nguyễn Thành, Trưởng thôn Trường Thọ nói. Nghịch lý này đã kéo dài, gây bức xúc cho người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội địa phương nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm, giải quyết của cơ quan chức năng liên quan. Và chuyện ngành đường sắt cho nhân viên rào chắn đoạn đường trên trong khi người dân thôn Trường Thọ buộc phải tháo để lấy lối đi cứ diễn ra liên tục như một câu chuyện kỳ lạ chưa có hồi kết.

Những hệ lụy tréo nghoe

Ngoài những cuộc “đấu trí”, “đấu sức” của nhân viên ngành đường sắt với người dân thôn Trường Thọ thì việc làng bị “bít lối vào” như là một vòng kim cô kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, có thời dân làng Trường Thọ trồng cả 100ha sắn. “Lúc thu hoạch sắn, do xe ô tô không được vượt qua đường sắt vào làng nên người dân buộc phải gồng gánh hoặc tăng-bo bằng xe kéo, xe gắn máy... ra đến cổng làng rồi mới dùng xe đạp, xe rùa hoặc dùng sức người vận chuyển vượt qua đường ray mới đưa lên được xe ô tô”, ông Nguyễn Văn Bút, 50 tuổi kể. Tương tự đối với cây đậu phụng, một trong những cây trồng xóa đói giảm nghèo chủ lực của dân làng cũng bị liên lụy. “Tư thương phải đánh xe đi vòng vào mua nên họ ép giá. Nếu không bán cho họ thì chúng tôi cũng không thể cõng số đậu phụng này đi bán”, một người dân khác cảm thán. Đến khi bán con heo, con bò, người dân Trường Thọ cũng phải tính toán đắn đo về phương án vận chuyện mới dám quyết. Lo nhất, chuyện xây dựng nhà cửa, các công trình giá phải đội gấp đôi vì tiền công vận chuyển vật liệu. Và nguy hiểm hơn cả là hiện nay, lối đi trên là đường đến trường của trên 60 em học sinh của thôn Trường Thọ.

Nói vậy nhưng không có nghĩa là dân thôn này không sợ... chết, chỉ biết liều mạng. Trong năm 2013, tại lối băng ngang đường sắt này đã xảy ra một vụ tai nạn làm 2 người chết. “Chẳng ai muốn vi phạm, chẳng ai muốn đi “đường chui” nhưng biết làm sao! Dân làng chúng tôi cũng chỉ ao ước làm sao ngành đường sắt bố trí chốt gác hay lắp đặt hệ thống cảnh báo từ xa để dân làng đỡ khổ thôi”, nhiều người lớn tuổi làng Trường Thọ giải bày lúc chia tay với chúng tôi. Thiết nghĩ, những đề xuất của dân làng Trường Thọ không phải là không có căn cơ. Nên chăng ngành đường sắt cần tính toán, tạo điều kiện cho nhu cầu đi lại của dân làng Trường Thọ.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.