“Cổ phiếu vua” trở lại?

19/12/2009 11:00 GMT+7

(TNTT>) Cổ phiếu (CP) ngân hàng được các nhà đầu tư (NĐT) phong là “CP vua” do các CP này có khối lượng lưu hành và mức vốn hóa thuộc vào hàng lớn nhất thị trường.

Tỷ lệ sở hữu của nước ngoài đối với một số mã ngân hàng hoặc là hết room (30%) như ACB, gần hết room như STB (29,99%), EIB (28%), hoặc  còn thấp như VCB (22,6%), SHB (13,2%), CTG (4,8%). Những mã hết room hoặc gần hết room, nếu NĐT trong nước bán ra thì NĐT nước ngoài sẽ mua ngay, còn những mã tỷ lệ thấp thì gần như các NĐT nước ngoài đang đẩy mạnh mua ròng.

Đã mấy tháng liền CP vua đã trở thành không ngai, vì thường “đi sau khi thị trường chung tăng”, “đi trước khi thị trường chung giảm”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ 26.11 đến nay, các CP ngân hàng đã trở về với ngai. So sánh ngày 18.12 với ngày 26.11:

- Trong khi VN-Index giảm 8,1%, thì CTG tăng 18,2%, EIB tăng 12,3%, VCB tăng 10,5%, STB tăng 4,8%.

- Trong khi HNX-Index giảm 7,7%, thì ACB tăng 10,6%, SHB giảm 6,8%.

Như vậy, động thái giá của các mã ngân hàng đã có sự thay đổi, chuyển sang “dẫn đầu khi thị trường chung lên”, vẫn đứng và đi lên khi thị trường chung xuống, hoặc nếu xuống cũng xuống sau thị trường chung. CP ngân hàng không những trở lại vai trò dẫn dắt thị trường như trước đây, mà đã trở thành lực kéo cho thị trường chung lên hoặc lực đỡ khi thị trường chung xuống. Tức là vai trò còn cao hơn cả trước đây.

Khi lãi suất cơ bản tăng, tỷ giá tăng và hết thời hạn cấp bù lãi suất vay vốn lưu động đúng hạn vào 31.12.2009 để ổn định vĩ mô, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát thì so với thời kỳ cấp bù lãi suất  trước đây, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn, chi phí vay vốn cao hơn, nhưng các ngân hàng bị ảnh hưởng ít hơn, thậm chí còn được hưởng lợi hơn từ động thái điều chỉnh của nhà nước.

Hơn nữa, các ngân hàng thương mại cũng mới được đưa vào diện cấp bù lãi suất vay vốn trung-dài hạn. Trong các CP ngân hàng, nhiều nhà đầu tư đang nhắm đến CTG (room đối với NĐT nước ngoài còn lớn, họ đang mua ròng lớn, giá còn thấp), EIB (còn room, NĐT nước ngoài mua ròng lớn, giá còn thấp), STB (có P/E thấp, room còn ít nhưng NĐT nước ngoài vẫn mua ròng, là mã thường có khối lượng CP giao dịch lớn nhất thị trường nên có tính thanh khoản rất cao)...

Đào Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.