Làm mới nhạc xưa: Không dễ!

07/03/2013 10:31 GMT+7

Nỗ lực làm mới luôn được khích lệ. Chỉ có điều, cách sáng tạo nếu không khéo, không hay sẽ gây tác dụng ngược.

Bàn về vấn đề “khai phá nhạc xưa”, công chúng lại đặt ra câu hỏi mà lâu nay họ vẫn trăn trở: Làm thế nào để sáng tạo, cách tân mà không làm mất đi linh hồn vốn có của nhạc phẩm, vẫn trong giới hạn chấp nhận được, cảm nhận được? Những ai từng đến xem chương trình Nghìn trùng xa cách do Nhà hát Ca nhạc nhẹ Việt Nam tổ chức, diễn ra vào đêm 2-3  tại Nhà hát Hòa Bình - TPHCM không khỏi tiếc nuối khi những nỗ lực làm mới của ê kíp thực hiện và nghệ sĩ tham gia trình diễn không mang lại kết quả như mong đợi.

Khán giả lắc đầu

Đêm nhạc dành tôn vinh các tên tuổi: Phạm Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh và Văn Cao với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng: Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương, Đức Tuấn... Khi NSƯT Quyền Văn Minh đưa màu sắc jazz vào các ca khúc Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Minh Tuấn tô điểm âm nhạc Văn Cao bằng chất new age hay nhạc sĩ Phú Quang hòa âm tác phẩm Phạm Duy theo phong cách semi classic là có dụng ý riêng trong việc mang lại cho các ca khúc xưa một màu sắc mới, một cảm giác mới. Tuy nhiên, tiếc là không phải bao giờ sự cách tân, sáng tạo cũng được khán giả dễ dàng chấp nhận và cảm nhận ngay.

 Thanh Lam khiến khán giả thất vọng khi thể hiện lại 2 ca khúc Buồn tàn thu và Thu quyến rũ với bản phối mới trong Nghìn trùng xa cách
Thanh Lam khiến khán giả thất vọng khi thể hiện lại 2 ca khúc Buồn tàn thuThu quyến rũ
với bản phối mới trong Nghìn trùng xa cách - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Với ai đã từng nghe Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh thì khó lòng “thấm” được ngay cái buồn man mác của ca khúc này khi nghe Thanh Lam thể hiện lại đầy ngẫu hứng với jazz. Với Buồn tàn thu của Văn Cao, sự quằn quại, oán than lắm lúc không cần thiết trong cách thể hiện của Thanh Lam cũng làm khán giả thấy khó chịu. Có lẽ khán giả đã quá quen thuộc với sự tinh tế, nhẹ nhàng vốn có của 2 nhạc phẩm bất hủ này nên khó chấp nhận được ngay sự biến tấu khá nhiều đoạn vocal và luyến láy của Thanh Lam. Vô tình, sự phối khí mới mẻ này đã làm mất đi linh hồn của bài hát. Bằng chứng là không có sự cộng hưởng từ khán giả, thay cho những tràng vỗ tay là những cái nhăn mặt khó hiểu và thất vọng.

Dễ gây tác dụng ngược

Tất nhiên, thích hay không còn phụ thuộc vào việc cảm thụ âm nhạc của từng người. Có khán giả thích ca sĩ hát giữ nguyên gốc như mình từng nghe, có người lại chuộng sự phá cách. Trong dòng chảy âm nhạc đang bão hòa như hiện nay thì sự làm mới luôn đáng được hoan nghênh và ghi nhận, nếu sự làm mới đó chạm đến cảm xúc của người thưởng thức.

Cuối năm 2012, đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa được diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình. Hầu hết những ca khúc trong chương trình đều được làm mới bởi phần hòa âm của hai nhạc sĩ: Đức Trí, Hoài Sa cùng các ca sĩ trình diễn: Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương và nét mới mẻ này đã chạm đến cảm xúc khán giả, được họ đón nhận rất nồng nhiệt. Đặc biệt,  với Đóa hoa vô thường, âm nhạc được phối khí từ nhẹ nhàng, thánh thót đến đẩy mạnh tiết tấu lên cao trào qua giọng hát của Hồng Nhung - Mỹ Linh đã giúp ca khúc có một diện mạo vừa mới mẻ vừa đẹp!

Sự làm mới nào cũng đáng được khích lệ. Chỉ có điều, nỗ lực sáng tạo nếu không khéo, không hay sẽ gây tác dụng ngược. Lo ngại của bạn đọc Hoàng Lê Phương gửi đến Báo Người Lao Động sau bài viết Khai phá tiếp nhạc xưa, đăng trên số ra ngày 6-3, cũng là mối quan tâm chung của hầu hết công chúng yêu nhạc hiện nay: “Những ca khúc xưa từ nhạc đến lời đều mang âm hưởng và sắc thái riêng của từng nhạc sĩ. Mỗi bản nhạc đều có giai điệu và cung bậc riêng mà nhạc sĩ lúc sáng tác đã kết chặt chúng với nhau thành một khối thống nhất, không thể tách rời. Nhiều bản nhạc chỉ có một ca sĩ thể hiện được, chưa thấy ca sĩ thứ hai thay thế nổi. Còn bây giờ, những ca khúc đó được thể hiện lại, trước hết là nhịp điệu, tiết tấu thay đổi, có khi trái ngược với nội dung bài hát. Nội dung bài hát thì buồn mà nhịp điệu, tiết tấu lại vui nhộn, sôi động, thật là khó cảm”.

Làm mới những giá trị nghệ thuật vốn dĩ dễ mà khó, không phải chuyện một sớm một chiều, nó đòi hỏi nghệ sĩ phải có thời gian học hỏi, chiêm nghiệm, thẩm thấu và cả bản lĩnh mới mong khai phá được cảm xúc mới bằng ngôn ngữ âm nhạc mới.

Theo Minh Nga / Người Lao Động

>> Ông Tây hát nhạc Trịnh" kể chuyện ăn tết Việt
>> Giữ lời hứa, Tùng Dương hát nhạc Trịnh không... "lên đồng”
>> Hàng chục ngàn người đến với đêm nhạc Trịnh
>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra lần đầu tiên tại The Crescent
>> Nghe Tây hát nhạc Trịnh
>> Phát vé miễn phí đêm nhạc Trịnh Công Sơn
>> Đêm nhạc Trịnh ở Phú Mỹ Hưng
>> Ba ông Tây hát nhạc Trịnh
>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Phú Quang
>> Khi Ánh Tuyết hát nhạc vàng giọng Quảng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.