Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự như thế nào?

14/12/2005 22:14 GMT+7

Với nhiều vấn đề "dân sự trong hình sự", tình hình xét xử ở các tòa án thời gian qua cho thấy nhiều người dân không am hiểu pháp luật nên thường do dự không đưa ra được yêu cầu bồi thường, có người còn "tùy tòa giải quyết" nên nhiều trường hợp phải chịu thiệt thòi hoặc mất thời gian tiếp tục theo đuổi vụ kiện bằng một vụ án khác. Phóng viên Thanh Niên đã có buổi trao đổi với ông Lại Văn Trình - Phó chánh án TAND Q.10 nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

*Xin ông cho biết rõ hơn những vấn đề nào thì được xem là dân sự (DS) trong án hình sự (HS) để được xem xét giải quyết cùng trong vụ án đó?

- Ông Lại Văn Trình: Các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án HS, nguyên tắc là được xem xét giải quyết chung trong vụ án HS. Cụ thể: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm...

* Liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần thì bị hại được quyền đòi những khoản bồi thường cụ thể nào?

- Thiệt hại do tổn thất về tinh thần là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân bị xâm phạm hoặc do tính mạng người thân của nạn nhân bị xâm phạm gây mất mát, đau thương, bị mất uy tín, bạn bè xa lánh... nên cần phải yêu cầu bồi thường một khoản tiền để bù đắp hoặc cải chính, công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thiệt hại về vật chất là các thiệt hại được quy định từ điều 612 đến 615 Bộ luật Dân sự. Chẳng hạn như trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm thì có thể yêu cầu bồi thường chi phí chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất, tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân phải cấp dưỡng. Trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì có thể yêu cầu bồi thường chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc nạn nhân trước khi chết, chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho con, người thân của nạn nhân. Trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì có thể yêu cầu bồi thường chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất...

Ngoài ra, theo điều 42 Bộ luật Hình sự quy định thì chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản bị xâm phạm có quyền yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét buộc người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định bằng con số thiệt hại cụ thể.

Nguyên tắc chung xem xét là thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường nếu không trái luật và đạo đức xã hội thì sẽ được tôn trọng. Tòa án chỉ xem xét, giải quyết vấn đề bồi thường nếu các bên không tự thỏa thuận được với nhau trên nguyên tắc toàn bộ và kịp thời. Những chi phí (chữa bệnh, tang ma...) đòi bồi thường phải có thật, thực chi với những chứng cứ nộp theo. Vì vậy, nạn nhân cần phải thu thập chứng từ chứng minh ngay từ khi xảy ra vụ việc. Ngoài ra, những yêu cầu về thu nhập thực tế bị mất, tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân phải cấp dưỡng... cũng phải là những con số cụ thể dựa trên những căn cứ chứng minh có sức thuyết phục.

Lê Nga  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.