Nuôi cả gia đình bằng nghề “thả” heo

09/11/2005 22:56 GMT+7

Hơn 17 năm qua, anh Lê Văn Minh, 39 tuổi, ở tổ 2A, khu vực 1, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã đeo đuổi nghề "dẫn tinh heo trực tiếp" để tìm kế nuôi con ăn học, mưu sinh cho cả gia đình với không ít chuyện vui buồn...

Chuyện kể sau 17 năm

Chiếc điện thoại để bàn chợt đổ một hồi chuông làm khung cảnh vắng lặng của ngôi nhà mà gia đình anh Minh trú ngụ suốt 17 năm qua bên dòng sông Hà Thanh đang độ vào mùa nước lớn chộn rộn hẳn lên. Chị Hồ Thị Tám, cùng tuổi với chồng, lật đật bỏ vội nồi cháo heo lên kệ bếp, chạy đến nhấc điện thoại. Sau tiếng a-lô của vợ, như đã biết rõ "nội tình" sự việc, anh Minh cũng khoác vội chiếc áo, đội lên đầu chiếc mũ bảo hiểm, cầm một sợi dây thừng đi ra phía sau chuồng heo, tròng vào cổ con heo đực nặng gần 2 tạ, lững thững dắt ngược ra trước hiên nhà. Thấy chồng đã hoàn tất phần "thủ tục", giọng chị Tám oang oang từ bên trong ngôi nhà vọng ra: "Heo của nhà bà Chín, ở 38..., đường Bạch Đằng". Năm 22 tuổi, anh Minh lập gia đình và "khởi nghiệp" bằng nghề thả heo giống ngay giữa lòng thành phố. Và cho đến thời điểm này tại Quy Nhơn, anh Minh vẫn là người trụ hạng ở "ngôi vị" đầu bảng. Sau 17 năm ròng rã theo nghề, vợ chồng anh Minh rất hiểu nhau trong vấn đề làm ăn. Cứ có điện thoại, chị Tám là người trực tiếp nhấc máy và sau đó, anh Minh lại tức tốc lên đường.

Trở về sau khi dẫn con heo đực giống của mình đi "nhảy" với heo nái của nhà bà Chín, anh Minh lý giải về việc mình gắn bó với nghề: "Chẳng phải nghề gia truyền gì đâu, tui gắn bó với nó cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Làm công nhân bậc 3/7 ở Xí nghiệp đường bộ Quy Nhơn từ năm 18 tuổi, 4 năm sau, tui chuyển sang nghề này. Lúc đầu, vợ tui cũng can


Anh Minh chuẩn bị đưa heo đi "nhảy"
(ảnh: Hà Thanh)

ngăn nhưng giờ đã thành "nghiệp" rồi".

Công việc "thả" heo đực giống tuy vất vả và hơi ngồ ngộ nhưng cũng ít nhiều mang lại những niềm vui cho gia đình anh Minh. Bình quân mỗi lần đi "thả", anh Minh thu nhập được 60 nghìn đồng. Nhờ đó, 3 đứa con (2 đứa học cấp III, 1 đứa học cấp II) của vợ chồng anh Minh đều được ăn học tử tế. Con cái của một số gia đình nuôi heo ở thành phố Quy Nhơn từng thuê heo đực giống của anh Minh đến "nhảy" nay cũng đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ... Anh Minh nói: "Ai chê cái nghề này thì chê chứ mỗi lần ghé lại nhà ông Bút ở  khu vực 2, phường Đống Đa hay bà Ngộ ở phường Nhơn Bình... thăm chơi, tui rất mừng vì nhờ nguồn lợi từ nuôi heo mà con cái của họ có thêm điều kiện học hành thành đạt, làm được nhiều việc lắm".

Nghệ thuật "thả"...

Địa bàn "hoạt động" của anh Minh bao quát cả thành phố Quy Nhơn. Người nuôi heo từ những phường nội thành đến ngoại thành và cả khu vực thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước)... đều thuộc nằm lòng số điện thoại của anh Minh. Cứ mỗi lần heo nái trong nhà sửa soạn "thăng hoa", họ đã rục rịch gọi đến nhà anh Minh để chờ... lên lịch. Mặc dù các phường thuộc địa bàn thành phố Quy Nhơn đều có dẫn tinh viên (theo kiểu thụ tinh nhân tạo) nhưng nghề cho heo "nhảy" trực tiếp của anh Minh vẫn không hề "lép vế", luôn được bà con nuôi heo tín nhiệm. Nuôi và "thả" heo giống cũng cần phải có... nghệ thuật! - anh Minh tếu táo nói - Khi đi chọn giống, phải có con mắt "nhà nghề" mới "điểm mặt" được con heo đực giống nào sẽ trở thành "quán quân" khi đến tuổi "thi đấu". Một con heo đực giống có thể duy trì "phong độ" đến đời cháu, đời chắt vẫn... "nhảy" tốt ngoài những đặc điểm như thân, mỏ phải dài, chân thẳng, tai to, phàm ăn thì tánh nết của nó phải hiền từ để dễ bề "chỉ đạo". Trong số 6 chú heo "nhảy" đang độ tuổi "thi đấu" hiện có trong chuồng của anh Minh, 2 con được thăng hạng... chuyên nghiệp (vì ngày nào cũng đi "tác chiến" và đã được huấn luyện thuần thục từ cách đi, đứng và cả cách "nhảy"), 4 con còn lại thuộc hàng "dự bị" và chỉ "xuất quân" vào những thời điểm cần thiết".

Như sực nhớ ra điều gì, anh Minh tạm dừng câu chuyện, dẫn tôi ra chuồng heo. Thoắt một cái, anh Minh nhảy vào chuồng, khom người xuống sau đuôi con heo vừa đi "nhảy" về. Đôi bàn tay anh Minh đưa lại gần hai hòn cà (tinh hoàn của con heo) xoa xoa, bóp bóp. Con heo đực khoan khoái sau mỗi động tác của anh Minh. Thấy tôi trố mắt ra nhìn, anh Minh nhanh miệng nói: "Đây gọi là mát-xa hòn cà nhằm "phục hồi" và đảm bảo tính "lưu thông" của lượng tinh trùng cho con đực sau khi "phóng". Sau công đoạn này, tui phải cho nó ăn thêm trứng gà, vịt, giá sống và lúa nảy mầm". Tôi hỏi nếu như thiếu những thứ ấy thì sao? Anh Minh cười khề khề: "Nó sẽ không chịu "nhảy" khi tiếp cận đối tượng".

Sợ... mất nghề !

17 năm trong nghề với nhiều uẩn khúc và truân chuyên nhưng vẫn không khiến anh Minh nản lòng. Càng làm, anh càng cảm thấy mình "hợp" với cái nghề này. Khi câu chuyện sắp mãn, anh Minh lại nói: "Tui không sợ người nuôi heo "bất tín nhiệm" về chất lượng những con heo đực giống của tui. Tui sợ... mất nghề vì đã "khai báo" với phóng viên hết trọi những điều đáng ra tui sẽ không bao giờ bật mí"! Tôi hỏi anh Minh: "Ngay giữa thành phố, anh nuôi heo và còn dọc ngang trên các ngả đường để đi "thả", chắc đã nhiều lần bị mấy ông bên môi trường đến hỏi thăm?". Anh Minh ôn tồn đáp rằng, khi bước vào nghề "thả" heo, anh đã học qua lớp đào tạo cách quản lý, sử dụng heo đực giống và đã nhận chứng chỉ hành nghề "Chuyên nuôi heo giống nhảy trực tiếp"!

Khi viết bài này, tôi thử gọi điện thoại đến số máy 056.7919.., vẫn là giọng a-lô của chị Tám. Khi biết tôi không phải là khách hàng "nhảy" quen thuộc của chồng chị, chị Tám nói như hờn, khuyến cáo: "Xóm tôi có thêm một người bắt đầu nuôi heo đực giống, vài tháng nữa họ sẽ cạnh tranh "nhảy" với chồng tui!".

Hà Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.