Nên xem xét lại cách tổ chức lễ "động thổ"

15/10/2004 09:39 GMT+7

Trước đây, khi bắt đầu xây dựng công trình, ta không tổ chức lễ "động thổ" theo kiểu tượng trưng, hình thức và lãng phí như bây giờ, mà dựa vào điều kiện thời tiết và đặc điểm địa hình, phương tiện thi công của nơi đó mà quyết định cách "động thổ".

Mỗi ngày trên đất nước ta diễn ra biết bao lễ động thổ. Ðiều đáng suy nghĩ là hầu như lễ "động thổ" nào cũng giống nhau. Một khuôn hộp dài bằng gỗ đầy cát, viền lượn quanh trên mép khuôn gỗ dài đầy cát ấy là mấy dãy vải đỏ có thắt hình hoa. Sau vài lời tuyên bố khai mạc của ông trưởng ban tổ chức, lễ "động thổ" bắt đầu bằng việc mấy vị quan chức ăn mặc trịnh trọng mỗi người tay cầm cán xẻng dài đã được quấn quanh lòe loẹt giấy xanh, đỏ, khom khom cúi xuống xúc qua loa vài xẻng cát ở hộp gỗ rồi đổ xuống đất. Thế là xong! Nhưng tính ra công sức chuẩn bị mấy thanh gỗ dài, xe cát đổ vào khuôn và mấy chục mét vải đỏ, rồi giấy hồng điều quấn lượn quanh cán xẻng theo kiểu hình thức phô trương cũng tốn hàng trăm nghìn đồng.

Thực ra, cách tổ chức lễ "động thổ" kiểu này bắt nguồn từ "phong tục" của một vài nước mà các ông chủ đầu tư nước đó khi đến xây dựng công trình ở nước ta du nhập vào cuối những năm 80 thế kỷ trước. Ngành xây dựng nước ta chậm tỉnh táo chọn lọc để cách lễ đó lan ra dần thành "mốt". Chứ trước đây hơn chục năm, khi bắt đầu xây dựng công trình, ta không tổ chức lễ "động thổ" theo kiểu tượng trưng, hình thức, lãng phí như vậy, mà dựa vào đặc điểm địa hình, điều kiện, thời tiết, phương tiện thi công và lực lượng lao động của nơi đó mà quyết định "động thổ". Chẳng hạn: Nơi có xe ủi đất hoặc gàu xúc bằng máy thì lấy ngay phương tiện đó ra "động thổ". Nơi dùng xẻng, xe cải tiến thì "động thổ" bắt đầu bằng các công cụ đó. Nơi đất, đá cứng, phải dùng khoan hay mìn thì khi cho mũi khoan "xè xè" xuyên xuống đất đá hoặc châm kíp mìn nổ tung lên những cột khói dựng đứng cũng là lúc chính thức lễ "động thổ"... Và đã "động thổ" thì từ đó công trường liên tiếp thi công, không có tình trạng như ở một vài nơi hiện nay, sau lễ "động thổ" theo kiểu tượng trưng, hình thức, lãng phí nói trên được ít ngày thì "đắp chiếu" để đó, chờ!

Ðã đến lúc nên có định hướng cho việc tổ chức lễ "động thổ" làm sao cho thật thiết thực, cụ thể, hiệu quả, để lại ít nhiều dấu ấn văn hóa của lễ "động thổ" ở nước ta. Và không những cho người đương thời tự hào, mà cả những thế hệ tiếp sau khi xem lại ảnh, băng hình cũng hình dung được phần nào đặc điểm, điều kiện, khí thế lao động của ngày đầu "ra quân" xây dựng công trình để rồi họ càng giữ gìn, phát huy hiệu quả mãi cho đất nước.

"Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Bổ nhát cuốc đầu tiên
Công trường rộn bừng lên
Lá cờ thi đua mới... "

Đó là cánh động thổ sinh động ở công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải được mô tả trong sách tập đọc của một lớp tiểu học mà lớp thiếu nhi ngày xưa nhớ đến tận bây giờ...

Văn Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.