Du học: đi tăng, liệu về có giảm?

06/12/2005 21:52 GMT+7

Sau khi tốt nghiệp bên trời Tây, nhiều người do dự khi nghĩ đến việc đổi chất xám bằng một mức lương thấp ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả bạn trẻ đều suy nghĩ như thế.

Nhiều con đường để ra đi

Theo thống kê, hằng năm nhà nước cấp khoảng 300 suất học bổng du học Anh, Đức, Hà Lan, Ấn Độ... bằng ngân sách với đủ các bậc học từ trung học cho đến ĐH và sau ĐH. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) còn thực hiện 14 chương trình phối hợp đào tạo tiến sĩ, 3 chương trình đào tạo ĐH theo đề án 322... Chỉ tính riêng năm 2005, những đề án phối hợp đào tạo này đã tuyển thêm gần 300 ứng viên tham gia. Đó là chưa kể đến học bổng liên kết giữa các bộ, ban ngành của Việt Nam với các nước, các chương trình trao đổi văn hóa Pháp, Mỹ... kết hợp với những chương trình du học tự túc được giới thiệu đa dạng như hiện nay đã nâng số du học sinh (DHS) lên cao.

Qua điều tra, khảo sát sơ bộ của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, phòng xuất nhập cảnh, lãnh sự quán... thì số lượng DHS Việt Nam tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây và tập trung chủ yếu ở các nước như Singapore, Úc, New Zealand... Cũng từ kết quả này cho thấy, TP.HCM và Hà Nội  là 2 trung tâm có số lượng DHS tham gia học tập tại nước ngoài đông nhất. Riêng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, mỗi năm có khoảng 100 học sinh thi tuyển và nhận được học bổng du học, gần 50 học sinh tham gia các chương trình trao đổi văn hóa và hàng trăm học sinh du học bằng con đường tự túc mà nhà trường chưa thống kê hết...

Đến hành trình trở về

Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lo ngại: "Với những học sinh đi du học theo diện trao đổi văn hóa khi chưa hoàn thành bậc THPT, ở lứa tuổi đó các em chưa chuẩn bị cho mình sự ổn định về tâm lý tiếp nhận. Do đó, khi tham gia những chương trình này, chắc chắn các em sẽ hấp thụ nền văn hóa - chính trị khác nhau. Điều này có mặt không tốt của nó". Tuy nhiên, theo một cán bộ tại Viện Chiến lược giáo dục thì bắt đầu từ năm 2000 trở lại đây, DHS tự ý thức rằng việc quay trở về luôn là sự lựa chọn ưu tiên. Điều này chứng tỏ tinh thần và trách nhiệm xây dựng đất nước của DHS cũng như sự phát triển của môi trường làm việc trong nước đã thu hút được chất xám, dù là làm việc ở công ty trong nước hoặc công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược bài bản, đẩy nhanh, đẩy mạnh cải cách giáo dục, chú trọng đầu tư vào các ngành trọng điểm, phát triển du học tại chỗ, liên kết đào tạo với giáo dục các nước trên thế giới, nâng cấp các trường ĐH sao cho tương đương với mặt bằng trong khu vực. Mặt khác, chúng ta cũng phải quản lý nghiêm túc các trung tâm tư vấn du học, có hoạt động định hướng cho phụ huynh học sinh nên học ngành nào khi đất nước còn thiếu và học ở trường nào thì có chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu như chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nên chăng chúng ta thành lập cơ sở dữ liệu về những DHS, những chuyên gia có uy tín để khi đất nước cần tăng cường lĩnh vực nào, sẽ biết phải tìm họ ở đâu.

Anh Huỳnh Quang Hải, Giám đốc tiếp thị Công ty liên doanh TNHH khu công

nghiệp Việt Nam Singapore:

“Tôi đi quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam”

Được nhận học bổng của công ty, tôi theo học bằng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Trường ĐH quốc gia Singapore (NUS). Suốt thời gian theo học trong môi trường giáo dục với trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại, tôi được tiếp cận phương pháp giảng dạy đa dạng, kiến thức thực tế, thiết thực. Có thể nói, mỗi giáo viên của NUS là một nhà tư vấn vì bản thân họ đang tham gia vào các công việc trong nhiều công ty khác nhau.

Ngay khi còn học ở Singapore, bản thân có khá nhiều cơ hội làm việc tại đất nước này nhưng tôi vẫn muốn trở về Việt Nam làm việc và từ đây, tôi có nhiều cơ hội đi khắp nơi trên thế giới giới thiệu về chính đất nước của mình.

Chị Hồng Điệp, chuyên viên Bộ Thương mại:

“Có rất nhiều cơ hội thăng tiến”

Sau khi tốt nghiệp chương trình thạc sĩ Kinh tế quốc tế, ĐH Birmingham, Vương quốc Anh, tôi về làm việc tại Bộ Thương mại Việt Nam phụ trách đàm phán vấn đề Việt Nam gia nhập WTO. Những kiến thức học ở nước ngoài, đặc biệt là phương pháp luận rất hữu ích trong công việc hiện nay. Tôi nghĩ chỉ cần bạn lựa chọn đúng ngành nghề và với kiến thức tiếp thu được, đảm bảo bạn sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp của mình ngay trong nước.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.