TP Hồ Chí Minh: Nhạc ngựa có thể bị "trảm" hàng loạt

12/11/2004 23:20 GMT+7

Vì sao nhạc ngựa - loại cây xanh được trồng khá nhiều trên các con đường ở trung tâm thành phố - ngày càng trơ trụi ? Hội thảo về cây xanh đường phố do Công ty Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/11 nhằm trả lời cho câu hỏi trên và quyết định số phận của chúng.

Theo Công ty Công viên cây xanh, hiện có 721 cây nhạc ngựa được trồng trên 41 tuyến đường, tập trung nhiều nhất là khu vực Q.1 và Q.3. Đây là loại cây đại mộc (cao từ 7 - 20m), xuất xứ từ Trung Mỹ và đã được thuần hóa trong điều kiện khí hậu Việt Nam. Đặc điểm của loại cây này là khi thay lá thường rụng hàng loạt, trơ cành trông rất xấu và rất dễ bị lầm tưởng là cây bị chết khô. Vấn đề ở đây là nhạc ngựa trồng trên đường phố trong thời gian đầu phát triển rất mạnh, nhưng càng ngày càng chậm phát triển và chỉ còn trơ cành, trong khi cây trồng trong công viên thì vẫn phát triển bình thường. Hiện nay có khoảng 150 cây đang lâm vào tình trạng "cành khẳng khiu, thân u nần", trông rất xấu. Ông Võ Văn Êm, Phó giám đốc Công ty Công viên cây xanh cho biết công ty đã cho cắt cành để cây ra chồi mới, nhưng chúng vẫn phục hồi rất chậm, tình trạng cây trơ cành trụi lá vẫn cứ kéo dài, gây xấu cảnh quan môi trường. "Có phải do bê tông hóa làm cho cây thiếu chất dinh dưỡng ?"- ông Êm đặt vấn đề.

Ông Đồng Văn Khiêm (Công ty cổ phần Phong lan xuất khẩu) nêu giải pháp: "Cây nhạc ngựa nào còn đẹp thì giữ lại, không đẹp thì đốn bỏ đi, chứ không nên cứu nó làm chi. Làm sao khôi phục cho đẹp lại khi chúng sống giữa môi trường quá khắc nghiệt, đường phố bị bê tông hóa hoàn toàn ?". Về cây xanh nói chung, ông Khiêm cho rằng: "Cây xanh đường phố phải đặt tiêu chí an toàn là hàng đầu; không nên cho rằng vì cây lâu năm, cây cổ thụ để giữ lại trên đường phố, mà chỉ nên bảo vệ các cây cổ thụ, cây quý ở các công viên, bảo tàng, đền chùa". Ý kiến này được đa số đồng tình. Theo các đại biểu, thành phố cần thành lập một hội đồng định tuổi cho từng chủng loại cây xanh, quy định đến tuổi nào thì nên đốn để thay cây mới. Trở lại vấn đề cây nhạc ngựa, ông Đinh Quang Diệp (Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Cây nhạc ngựa là loại cây du nhập, không mang đặc trưng gì của Việt Nam, nếu không đảm bảo các tiêu chí trên thì cũng không nên giữ lại". Việc đốn thay cây xanh, theo ông Đặng Văn Thành (Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh) phải thực hiện theo lộ trình rõ ràng chứ không thể thay đồng loạt, đột ngột, sẽ ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, môi trường thành phố.

Trước khi có một quyết định về "số phận" của cây nhạc ngựa, ông Trần Đình Phú (Phó giám đốc Sở Giao thông - Công chánh TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần phải "giải phẫu" thử một cây nhạc ngựa, mời các nhà khoa học đến để nghiên cứu và đề xuất nên giữ lại hay đốn bỏ loại cây này.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.