Bóng mây quanh vụ án ném giày

23/12/2008 23:55 GMT+7

Sau khi ném giày về phía Tổng thống Mỹ George W.Bush, Muntadhar al-Zeidi đã bị bắt tạm giam, kể từ đó có rất nhiều thông tin trái ngược về phóng viên người Iraq này.

Ăn năn...

Thủ tướng Iraq, ông Nouri al-Maliki, là nhân vật thu hút rất nhiều sự quan tâm của báo giới sau vụ ném giày hôm 14.12. Lý do không chỉ vì ông này là người lãnh đạo chính phủ mà bởi ông là một trong những nhân vật đã chứng kiến vụ "giày bay". Khi đang đứng trên bục họp báo tại Baghdad cùng thượng khách Bush, ông al-Maliki thậm chí đã cố đưa tay ra đỡ chiếc giày thứ hai của phóng viên Muntadhar al-Zeidi (cách viết khác là Muntazer al-Zaidi).

Vào hôm thứ hai tuần này, Thủ tướng al-Maliki đã tiết lộ rằng thủ phạm vụ ném giày đã viết thư xin lỗi. AP dẫn lời người đứng đầu Chính phủ Iraq đăng trên website của ông: "Anh ta tiết lộ rằng có một người đã xúi anh ta làm điều đó, và con người này vốn khét tiếng về những trò bắt người rồi cắt cổ". Tức là theo ông al-Maliki thì phóng viên al-Zeidi có mối liên hệ nào đó với các tay súng chống đối. Ông chỉ nói sơ qua chứ không trưng ra "bức thư thú tội" nên đến nay người ta vẫn không biết sự thực xung quanh câu chuyện này là thế nào.

Các thông tin về al-Zeidi đã được đưa lên mạng internet rất nhiều kể từ sau "vụ 14.12". Không thấy có thông tin nào cho thấy phóng viên 29 tuổi này có mối liên hệ nào đó với các tay súng. Theo AFP thì al-Zeidi chào đời tại Sadr City, một vùng ngoại ô của Baghdad. Anh này bắt đầu làm việc cho Đài truyền hình Al-Baghdadia TV từ năm 2005. Trước vụ ném giày, al-Zeidi từng bị quân Mỹ tại Iraq bắt giữ ngay tại nhà riêng hai lần.

Vào ngày 16.11.2007, anh còn bị một nhóm tay súng lạ mặt bắt cóc ở Baghdad, bị bịt mặt, đánh đập dã man rồi được phóng thích sau đó 3 ngày. Báo điện tử Islam Online dẫn lời Ahmed Alaa, một người bạn thân và là đồng nghiệp của al-Zeidi tại Al-Baghdadia TV, cho biết: "Một trong những phóng sự xuất sắc nhất của anh ấy là về Zahra, một nữ sinh Iraq bị các tay súng chiếm đóng giết chết khi đang trên đường đến trường. Phóng sự này đã khiến anh ta được nhiều người Iraq kính trọng...".

Bạn bè của al-Zeidi kể rằng anh rất xót xa trước cảnh điêu tàn của Sadr City sau khi khu vực này bị Mỹ ném bom. Sami Ramadani, một nhà chính trị phải chạy ra nước ngoài lưu vong thời Saddam Hussein và hiện giảng dạy tại Đại học London Metropolitan ở Anh, viết cho báo The Guardian rằng al-Zeidi "đã tường thuật cho Al-Baghdadia TV về những nạn nhân nghèo khổ và bị chà đạp trong cuộc chiến do Mỹ phát động. Anh ta là một trong những người đầu tiên chứng kiến Sadr City bị tàn phá và sự chịu đựng của người dân ở đó".

Những thông tin trên dường như cho thấy phần nào động cơ của al-Zeidi trong vụ ném giày. Và những thông tin trên cũng có vẻ "ăn ý" với những lời mà al-Zeidi đã hét lên khi ném giày: "Hành động này thay mặt cho tất cả những góa phụ và trẻ mồ côi của những người bị giết tại Iraq". Vì thế, thông tin về việc phóng viên này có quan hệ với "kẻ cắt cổ người" đã làm dấy lên nhiều câu hỏi nghi vấn.

....hay sẽ ném tiếp?

Ngay sau khi Thủ tướng al-Maliki tiết lộ về "lời sám hối", gia đình al-Zeidi đã đưa ra một câu chuyện khác hẳn. Hãng tin AP dẫn lời Dhargham, anh trai của al-Zeidi, nói rằng em mình đã bị ép buộc viết lá thư trên. Theo Dhargham thì al-Zeidi đã bị ép viết thư xin được khoan hồng cho "hành động nghiêm trọng và xấu xa mà tôi đã thực hiện". Người anh này còn nói rằng việc Thủ tướng Maliki cáo buộc al-Zeidi có liên hệ với "kẻ cắt cổ người" là không công bằng. Trước đó, một người anh em khác tên là Uday al-Zeidi cũng cho biết anh ta đã gặp al-Zeidi trong tù và anh này không hề tỏ ra hối hận. "Anh ấy bảo tôi rằng anh ấy không hề hối hận và sẽ ném tiếp nếu có cơ hội", Uday al-Zeidi nói với AP.

Uday còn kể rằng anh ta đã tới thăm al-Zeidi vào hôm chủ nhật vừa qua và nhận thấy người phóng viên này bị mất một cái răng cùng một vết cháy trên tai. "Kẻ ném giày" Al-Zeidi còn kể với Uday rằng các giám ngục đã lột hết quần áo anh và dội nước lạnh lên người.

Thông tin từ gia đình của người bị bắt đầy mâu thuẫn với thông tin của Thủ tướng al-Maliki. Đến thời điểm hiện tại thì thật khó xác định được thông tin nào là xác thực bởi chưa có một nguồn tin độc lập nào để đối chiếu cũng như nhân vật chính al-Zeidi chưa đích thân lên tiếng. Nhưng dù sự thực thế nào thì vụ ném giày dường như đã trở thành một sự kiện chính trị mang tính bước ngoặt. Đối với al-Zeidi, từ trong chốn vô danh, anh ta đã trở nên "nổi tiếng toàn cầu".

Hàng loạt cuộc tuần hành ủng hộ al-Zeid đã được tổ chức và anh ta được nhiều người coi là anh hùng. Nhưng lớn hơn thế, "vụ án ném giày" cũng đã tác động tới Quốc hội Iraq, khiến các nghị sĩ nước này phải xem xét kế hoạch bãi nhiệm Chủ tịch Quốc hội Mahmoud al-Mashhadani và cân nhắc lại xem có nên tiếp tục cho phép quân đội nước ngoài - không kể Mỹ - ở lại Iraq sau năm 2008 nữa hay không.

Theo thông báo của Tòa án Hình sự Trung ương Iraq, phiên xét xử Muntadhar al-Zeidi về hành vi ném giày vào một nguyên thủ nước ngoài sẽ được mở vào ngày 31.12. Nếu bị kết tội, al-Zeidi có thể phải lãnh án cao nhất là 2 năm tù giam. Giới quan tòa Iraq cho biết họ không thể không truy tố phóng viên này và anh ta chỉ có thể nhận được lệnh khoan hồng sau khi bị kết án.

Châu Minh Linh

>> Tổng thống Bush bị ném giày vào mặt
>> Mật vụ Mỹ đau đầu vì “giày bay
>> Phóng viên ném giày bị đánh đập ?
>> “Giày bay” do hãng nào sản xuất? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.