Diễn đàn “Khát vọng tuổi trẻ”: Sống có khát vọng để không hối tiếc

29/11/2012 10:37 GMT+7

“Tôi đặt ra cho mình rất nhiều khát vọng và từng bước để đạt được những điều ấy” - bạn Đặng Thái Hoàng, vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2012, nói với Tuổi Trẻ khi vừa hoàn tất phần giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ sáng 28-11.

* Những mục tiêu ấy của Hoàng là gì?

- Tôi muốn học tập thật tốt sắp tới tại Úc, chuyên ngành kỹ sư xây dựng, bắt đầu từ năm 2013. Sau đó là thực hiện các nghĩa vụ khác với gia đình, xa hơn là quê hương Quảng Ninh, với Tổ quốc. Ai đi du học chắc cũng thế thôi vì nếu có điều kiện tiếp cận những điều hay của giáo dục nước ngoài tại sao lại không đem về phục vụ đất nước. Đó cũng là lẽ bình thường, nghĩa vụ công dân. Kế hoạch ngắn hạn trước mắt của tôi phải hoàn thành nhiệm vụ học tập đã.

- Tôi xem đó là những khát vọng của cuộc đời và tìm cách để đạt đến từng điều chứ không ôm đồm quá nhiều thứ cùng lúc. Tôi cho rằng mỗi người trẻ nên có khát vọng chứ không nên tham vọng.

 Sống có khát vọng để không hối tiếc
Hai nhà vô địch Olympia Phan Minh Đức, năm 2010 (bìa phải) và Đặng Thái Hoàng, năm 2012 tại buổi giao lưu trực tuyến ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 28-11 - Ảnh: Thanh Đạm

* Nhưng cũng có không ít bạn trẻ bảo rằng họ chẳng cần gì khát vọng, cuộc sống như họ vẫn sống là đủ?

- Mỗi người một cách nghĩ và lựa chọn hướng đi cho đời mình. Tôi sẽ chúc mừng bạn nếu bạn thấy hạnh phúc và sống theo cách bạn muốn. Nhưng tôi không dám chắc rằng liệu một khi nhìn lại quãng đời đã qua, so sánh với những bạn trẻ như mình đã sống hết mình và đạt được khát vọng cuộc đời, những người không khát vọng lại không thấy hối tiếc và tự hỏi tại sao mình lại không từng làm như thế!

* Từng là cán bộ Đoàn, Hoàng nghĩ rằng tổ chức Đoàn có thể làm được gì để giúp giới trẻ hun đúc khát vọng sống?

- Dù Đoàn có nơi này nơi khác hoạt động chưa thật sự tốt nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng lớn của tổ chức Đoàn. Đừng trông chờ Đoàn có thể tạo ra ước mơ, khát vọng thay cho mỗi cá nhân, mà có chăng chỉ là góp phần thúc đẩy người trẻ sống có đam mê và hỗ trợ điều gì đó để các bạn trẻ thực hiện ước mơ cuộc đời.

Khả năng kết nối giữa những người trẻ với nhau của Đoàn rất tốt, cả trong lẫn ngoài nước. Do vậy, tôi nghĩ Đoàn có thể có nhiều chương trình giao lưu mà ở đó những người trẻ thành công cùng chia sẻ câu chuyện thành công của mình với các bạn trẻ khác. Đó sẽ là cách khơi gợi khát vọng thiết thực cho số đông bạn trẻ còn lại. Ngoài ra, cũng cần phải có nhiều cán bộ Đoàn trẻ, sát lứa tuổi từng đối tượng trẻ, vì chỉ có vậy họ mới hiểu tâm lý, tiếp cận được với những thay đổi nhanh của giới trẻ hôm nay.

Phan Minh Đức (vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2010): Sống thành công chính là sống có đam mê

Khát vọng với tôi là điều mình đam mê, ước mơ và mong muốn đạt được. Tôi không thích dùng từ khát vọng lắm mà đơn giản đó chỉ là mong muốn mình hướng đến. Tôi nghĩ rằng thành công trong cuộc sống chính là sống có đam mê và theo đuổi niềm đam mê đó. Với tôi, đam mê lớn nhất là tìm kiếm kiến thức mới, nên tôi luôn đặt mục tiêu trong từng năm, cụ thể là từng tháng, vài tuần mình sẽ học được điều gì mới chứ không đặt mục tiêu quá xa.

Ước mơ, đam mê hay khát vọng đều mang dấu ấn cá nhân nên cũng khó mà ép buộc phải làm thế này hay thế kia. Tôi thấy các chuyên đề hướng nghiệp mà tổ chức Đoàn và nhiều đơn vị gần đây làm rất tốt, chính là cách chỉ ra nhiều con đường khác nhau, giúp các bạn trẻ lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất. Và Đoàn cũng chỉ có thể làm như thế, không thể và không nên dắt tay chỉ việc cho từng cá nhân được.

Khi đã hình thành cho mình ước mơ nhưng bạn đang phân vân không biết nên bắt đầu từ đâu, đi hướng nào, tốt nhất hãy tìm đến người đi trước. Chắc chắn những người đi trước với kinh nghiệm của họ, và cả tổ chức Đoàn, sẽ có cách hướng dẫn bạn chọn lối đi thích hợp. Và tuổi trẻ sống là nên có ước mơ, đam mê nào đấy vì đó chính là động lực giúp mình vững bước đi tới.

Theo Quốc Linh  / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.