"Cây gậy” dẫn đường hữu hiệu

20/07/2012 03:15 GMT+7

Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi, do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, với sản phẩm GPS - thiết bị dẫn đường sử dụng công nghệ GPS.

Nhóm sinh viên này gồm: Tạ Công Mạnh, Hồ Ngọc Quang, Lê Tấn Phúc đều là sinh viên năm 3, Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính.

 "Cây gậy” dẫn đường hữu hiệu
Nhóm sinh viên đang thuyết trình về sản phẩm GPS với ban giám khảo - Ảnh: Lưu Hường

“Nhận thấy việc sử dụng công nghệ GPS hiện nay khá thông dụng. Với việc áp dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS, hệ thống bản đồ chi tiết của nhiều địa điểm và những hướng dẫn về đường đi chính xác sẽ trở thành một "cây gậy” dẫn đường hữu hiệu - thiết bị không thể thiếu trên các phương tiện đi lại trong tương lai. Nhóm đã chọn GPS là đề tài nghiên cứu với mong muốn có thể tạo ra được một thiết bị dẫn đường bằng GPS hoàn chỉnh”, Tạ Công Mạnh chia sẻ.

Sau 6 tháng thực hiện, nhóm đã cho ra một sản phẩm có hệ thống hỗ trợ thông tin, dẫn đường cho các phương tiện đường bộ. Sản phẩm cung cấp đầy đủ các chức năng tiện ích cho người dùng như: cho phép xác định chính xác vị trí hiện tại, phương hướng cũng như tốc độ di chuyển của phương tiện; tính toán khoảng cách, tìm kiếm đường đi ngắn nhất, vạch ra lộ trình rõ ràng và có các chỉ dẫn cụ thể; đồng thời ước lượng thời gian di chuyển đến các điểm đó.

So với thiết bị Google Map, GPS ưu việt hơn là không cần internet, ở đâu cũng sử dụng được vì thu tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh. Ngoài ra, dùng GPS không có quảng cáo chèn vào, cắt ngang thông tin hướng dẫn như Google Map.

Không dừng lại ở việc tiếp cận công nghệ GPS ứng dụng trên thiết bị dẫn đường cho giao thông đường bộ, đại diện nhóm cho biết trong thời gian tới sẽ nghiên cứu thiết bị có thể cung cấp cho người dùng khả năng hoạch định trước lộ trình đường đi, từ đó ra quyết định điều khiển 1 mô hình khác, chẳng hạn như tàu thủy hoặc máy bay mô hình. Việc xây dựng thành công ứng dụng này sẽ đáp ứng được các nhu cầu về quan sát, thám hiểm trên không, cũng như trong các vùng sông suối mà con người khó có khả năng đến được một cách dễ dàng. Tạ Công Mạnh đưa ra một ví dụ cụ thể: mô hình tàu thủy chạy với lộ trình hoạch định trước (chạy bằng năng lượng pin mặt trời) ứng dụng ở vùng ĐBSCL, liên tục gửi thông tin về nhiệt độ, độ ẩm không khí… phục vụ cho công tác khí tượng thủy văn hoặc phòng cháy rừng.

Lưu Hường

>> Việt Nam tham gia cuộc thi sáng tạo trẻ thế giới
>> Trao giải thưởng cuộc thi sáng tạo trẻ
>> Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi 2012: Bốn ý tưởng cùng đạt giải nhất
>> Cuộc thi sáng tạo  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.