Chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy rụi: Ban quản lý chợ quá tắc trách

18/12/2006 22:31 GMT+7

Chỉ phát xuất từ một đốm lửa nhỏ, Chợ Lớn Quy Nhơn sau đó đã chìm trong chảo lửa trước sự bất lực của lính cứu hỏa. Thiệt hại tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng; rất nhiều gia đình khuynh gia bại sản. Chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đang nỗ lực khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Nhưng, vấn đề khiến bà con tiểu thương phẫn nộ là sự quá tắc trách của Ban quản lý chợ...

Sau một ngày đêm Chợ Lớn Quy Nhơn lâm vào cảnh hỏa hoạn dữ dội, ngọn lửa vẫn còn ngún cháy ở một số điểm trong chợ. Hàng trăm tiểu thương (chủ yếu là buôn bán trái cây, hàng cá) tập trung trước cửa chợ xin vào bên trong thu lượm những gì còn sót lại. Tuy nhiên, hầu hết họ gặp rất nhiều khó khăn vì sự cố tình ngăn cản của Ban quản lý chợ (BQL). Một tiểu thương bức xúc cho biết: BQL quá tắc trách, vô trách nhiệm khiến hàng trăm gia đình khuynh gia bại sản, giờ họ lại còn kiếm cớ ngăn cản. Chúng tôi biết dù cất công nhặt nhạnh cũng chẳng được bao nhiêu. Tài sản bị thiêu rụi, bà con vô cùng đau xót, cùng cực; cố năn nỉ nhưng BQL lạnh lùng từ chối. Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, chỉ rất ít nạn nhân được vào bên trong. Họ đã khóc cạn nước mắt trước đống tro tàn!


Vòi, van nước cứu hỏa bị gỉ sét, mất tác dụng

Mỗi năm, tiểu thương Chợ Lớn Quy Nhơn đóng thuế hơn 3,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, cái mà họ nhận được là hệ thống PCCC rất sơ sài. Khi thâm nhập vào bên trong chợ, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những gì còn lại đang tồn tại nơi đây. Sau sự cố hỏa hoạn, rất nhiều bình chữa cháy nhỏ vẫn còn để lẩn khuất trong chợ, chưa hề có bàn tay con người chạm vào. Đặc biệt, hệ thống PCCC đã bị đơn vị chức năng "lãng quên" từ lâu. Các vòi phun nước, van khóa gỉ sét. Đường ống xuống cấp và không hề được kết nối với hầm chứa nước ngầm nên chẳng thể nào vận hành được trong bất kỳ tình huống nào.


Ống nước cứu hỏa trong chợ không tiếp cận với bể chứa nước ngầm

Đến nay, hàng trăm tiểu thương vẫn còn rất bất bình về sự vô tình của BQL. Theo phản ánh của họ, khi đám cháy bùng phát, bốn cửa chính dẫn vào bên trong chợ đều bị khóa từ bên ngoài (chứng tỏ lực lượng bảo vệ không có mặt để thực thi nhiệm vụ). Khi họ xuất hiện thì lại nồng nặc mùi rượu. Ngay ở thời điểm đầu xảy ra sự cố, phóng viên Thanh Niên nhiều lần liên lạc với lãnh đạo BQL nhưng hoàn toàn thất bại. Sáng 18.12, tại hiện trường, ông Nguyễn Thanh Tâm - Trưởng BQL luôn miệng từ chối yêu cầu được tiếp xúc làm việc của phóng viên Thanh Niên. Ông Tâm bảo đang hướng dẫn đoàn công tác tiếp cận hiện trường (thực ra là 2 cán bộ Phòng Công thương của TP Quy Nhơn về thống kê thiệt hại - PV). Khi chúng tôi gắng hỏi những thông tin liên quan đến sự cố, ông Tâm phán: "Tóm lại là chưa biết gì cả!".

Các tiểu thương thắc mắc, diện tích chợ không rộng lớn, các gian hàng nằm nhiều phía, vì sao khi xuất hiện một đốm lửa nhỏ ở phía nam chợ (đường Tăng Bạt Hổ), người của BQL không kịp thời phát hiện, dập lửa; hoặc khi thấy ngọn lửa bắt đầu bùng phát sao không khoanh vùng chống cháy, triển khai lực lượng để mở khóa cửa cho tiểu thương và người thân khuân hàng hóa ra ngoài? Một tiểu thương có tài sản thiệt hại nặng nề nói: "Không phải hàng của họ (BQL) nên họ chẳng hề xót xa gì. Ngày thường, chúng tôi thấy họ ai cũng có vẻ ta đây, làm khổ bà con nhiều điều. Còn khi hỏa hoạn xảy ra thì...".

Chiều qua 18.12, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thượng tá Đặng Sai - Trưởng phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Định cho biết: dù đã huy động hết nhân lực, vật lực; cố gắng hết sức mình, tìm mọi cách nhưng đã bất lực trước ngọn lửa bùng phát quá mạnh. Chúng tôi nghiêm túc tự rút kinh nghiệm. Song phải khách quan mà nói rằng, khi lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường thì các cánh cửa đều bị khóa kín, gây trở ngại cho công tác cứu hộ. Những người có trách nhiệm và lực lượng bảo vệ chợ đã quá tắc trách... Cũng trong chiều qua, UBND tỉnh Bình Định cũng đã triệu tập cuộc họp với các ngành chức năng của tỉnh và TP Quy Nhơn để làm rõ trách nhiệm trong vụ cháy; đề ra giải pháp khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống và kinh doanh của bà con tiểu thương bị nạn. Hôm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC (C23) và lực lượng kỹ thuật hình sự (C21) - Bộ Công an đã có mặt tại Quy Nhơn. Các lực lượng này sẽ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định triển khai khám nghiệm hiện trường, phục vụ công tác điều tra.

N.T - Đ.P - C.N

Gần 1.000 hộ tiểu thương sẽ ra sao?

Chiều qua 18.12, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà (ảnh) đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ngành chức năng của tỉnh và UBND TP Quy Nhơn để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong vụ cháy và đề ra giải pháp khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống và hoạt động kinh doanh của bà con tiểu thương bị nạn.

Tại cuộc họp, với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh, ông Vũ Hoàng Hà tự nhận thiếu sót trước dân đã để xảy ra vụ hỏa hoạn này. Ông Hà nghiêm túc phê bình Ban quản lý chợ, lực lượng bảo vệ chợ và yêu cầu UBND TP Quy Nhơn làm rõ trách nhiệm, xử lý thích đáng những người liên đới; đồng thời chỉ đạo Công an tỉnh làm rõ trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC tại thời điểm tiếp cận hiện trường vụ cháy vì điều đến 2 xe chữa cháy nhưng 1 xe hỏng máy, 1 xe không có nước...

Về giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy, ông Hà cho biết, trước mắt tỉnh đã trích 3,5 tỉ đồng (trong đó 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương) để hỗ trợ khẩn cấp cho gần 1.000 tiểu thương đăng ký kinh doanh tại chợ. UBND TP Quy Nhơn phải có trách nhiệm chuyển số tiền cứu trợ nói trên đến tay người bị nạn sớm nhất; các ban ngành liên quan phải nhanh chóng đề ra kế hoạch giúp bà con về mặt lâu dài.

Bức thiết nhất ở thời điểm hiện nay là mặt bằng để các hộ tiểu thương tiếp tục kinh doanh, buôn bán ổn định cuộc sống. Ông Hà cho biết, tỉnh đã quyết định trưng dụng Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh (trên đường Nguyễn Tất Thành) làm nơi kinh doanh các mặt hàng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường như: mỹ phẩm, vải, điện tử, giày dép...; đồng thời tận dụng bãi giữ xe và những vị trí chưa sử dụng của chợ Đầm để các hộ buôn bán nhỏ lẻ hành nghề kiếm sống.

Về khoản nợ vay ngân hàng, ông Hà đề nghị các ngân hàng thương mại có kế hoạch khoanh nợ, giãn  nợ và tiếp tục cho các hộ tiểu thương vay ưu đãi; Ngân hàng chính sách, Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh vận dụng mọi nguồn vốn cho bà con tiểu thương vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Về chính sách thuế, ông Hà cho biết sẽ đề nghị Chính phủ miễn hoặc giảm thu những trường hợp bị thiệt hại nặng nề...

Trước khi đưa ra những giải pháp nêu trên, vào sáng cùng ngày, ông Vũ Hoàng Hà cũng đã trực tiếp tiếp xúc với các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Lớn Quy Nhơn để chia sẻ những thiệt hại và lắng nghe kiến nghị của bà con.

N.T - Đ.P - C.N

Tiểu thương TP.HCM chia sẻ trong... im lặng

Vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn đêm 16.12 làm rúng động giới tiểu thương tại TP.HCM. Tuy vậy, không khí buôn bán tại hầu hết các chợ đầu mối tại thành phố đã trở lại bình thường dù rằng trong thời điểm "đóng hàng" mùa Tết này, việc cháy chợ gần như đồng nghĩa với... vỡ nợ!

"Tôi nói cho nghe chứ đừng đăng báo nhe" - chị T.T.B.L, tiểu thương chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5) dè dặt. Chị L. vừa đóng lô hàng gần 10 triệu đồng cho một bạn hàng ở Chợ Lớn Quy Nhơn, nghe tin cháy chợ chị liền gọi điện hỏi thăm. "Hỏi là hỏi vậy chứ đọc báo đã biết tiêu hết rồi", chị L. nói. Gặng hỏi mãi chị mới tiết lộ là đang còn bị nợ gần 100 triệu tiền hàng ở Chợ Lớn Quy Nhơn. Theo tìm hiểu "tốc hành" của chúng tôi, ở chợ Tân Bình có tiểu thương bị nợ đến hơn 300 triệu đồng. Còn tiểu thương các chợ khác tại TP.HCM bị nợ vài triệu đến vài chục triệu đồng từ thương buôn Chợ Lớn Quy Nhơn thì rất nhiều. Tiểu thương chợ Bình Tây (TP.HCM) xếp hạng Chợ Lớn Quy Nhơn đứng hàng thứ ba khu vực miền Trung, sau chợ Cồn (Đà Nẵng) và chợ Đầm (Nha Trang). Vì vậy, họ bán hàng về chợ này không phải là ít. Theo một cán bộ Ban quản lý chợ Tân Bình, ngành hàng quần áo may sẵn của chợ bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão lửa ở Chợ Lớn Quy Nhơn. Và trong 1.600 tiểu thương bán quần áo may sẵn thì chỉ có khoảng 15 tiểu thương thừa nhận có bỏ hàng ở Chợ Lớn Quy Nhơn. Mỗi tiểu thương bị nợ tiền hàng từ khoảng hơn 10 triệu đến 100 triệu đồng, trong đó số tiểu thương bị nợ từ 40 - 50 triệu đồng chiếm nhiều nhất.

Tiểu thương - chủ nợ sẽ làm gì sau rủi ro cháy chợ? "Thường thì họ tự giải quyết với nhau theo hướng thông cảm và gia giảm nợ nần" - bà Như Phương, Ban quản lý chợ An Đông cho biết. Còn ông Huỳnh Quốc Bảo, cán bộ Ban quản lý chợ Bình Tây thì cho rằng, khi một tiểu thương "đứng" được ở Chợ Lớn là họ có đủ sức để gầy dựng lại sau khi mất của. Chính vì vậy, sau khi thương thảo, có thể các thương nhân Sài Gòn sẽ tiếp tục cung cấp hàng để người rủi ro gầy dựng lại. Số nợ do hỏa hoạn sẽ được khoanh lại trả dần trong các năm sau. Điều quan trọng hiện nay là phương thức thanh toán. Lâu nay, tiểu thương giao dịch chỉ qua chữ "tín". Đóng hàng hóa cả trăm triệu đồng, có khi chỉ cần một tờ giấy viết tay hay một cú điện thoại! Chữ tín đã kéo người ta gần lại nhau hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi dẫn đến phá sản.

H.Sơn - C.Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.