Câu chuyện về người đàn ông dũng cảm quên thân cứu người

03/05/2014 20:34 GMT+7

(TNO) Đến chiều 3.5, nhiều người dân sống trong con hẻm 122, đường Tôn Đản, phường 10, quận 4, TP.HCM vẫn còn bàng hoàng trước cái chết đột ngột của người hàng xóm tốt bụng và giàu tình cảm.

(TNO) Đến chiều 3.5, nhiều người dân sống trong con hẻm 122, đường Tôn Đản, phường 10, quận 4, TP.HCM vẫn còn bàng hoàng trước cái chết đột ngột của người hàng xóm tốt bụng và giàu tình cảm.

>> Cứu người, cả hai cùng chết đuối


 Cây cầu nơi xảy ra vụ chết đuối

Như Thanh Niên Online đã thông tin, khoảng 5 giờ 50 phút sáng cùng ngày, ông Trần Phong Sơn (50 tuổi, ngụ số 122/27/42 Tôn Đản, quận 4, TP.HCM) đang đi tập thể dục thì thấy anh Nguyễn Văn Tuấn (31 tuổi, ngụ quận 1) trượt chân té xuống kênh Bến Nghé (phường 12, quận 4).

Không mảy may đến những hiểm nguy, anh Sơn lao mình nhảy xuống cứu nhưng cả hai bị dòng nước lớn chảy xiết cuốn trôi. Không lâu sau đó, lực lượng chức năng vớt được thi thể của hai nạn nhân lên bờ và liên hệ gia đình đưa về nhà mai táng.

Theo một số người dân sống gần nơi xảy ra vụ việc, do lúc đó còn sớm quá nên không ai biết để kịp hỗ trợ cứu người. “Thằng Tuấn hiền lắm, nó phụ nhặt ve chai trong vựa phế liệu gần cầu Mống. Sáng nay sau khi nhặt thì nó ra cầu rửa tay để vô ăn cơm thì bị té xuống sông”, một người bán nước ở khu vực này cho biết.

Người này nói thêm, trước khi ông Sơn nhảy xuống kênh cứu người, ông có bỏ lại chiếc ví, điện thoại, chai dầu gió trên bờ.

Còn tại nhà anh Sơn, có rất đông hàng xóm và người thân viếng thăm, chia buồn. Ngồi lặng người bên linh cữu của chồng, bà Nguyễn Thị Kim Luông (46 tuổi, ngụ quận 4) không ngừng gào khóc thảm thiết.

Gạt dòng nước mắt bà Luông nghẹn lời: “Mỗi ngày ông ấy đều thức dậy rất sớm để đi ra cầu Mống tập thể dục rồi về chở đứa con út đi học vẽ. Hôm nay tới hơn 6 giờ mà chưa thấy về, thấy trong lòng nôn nao nên tôi kêu thằng con đầu ra đó tìm. Rồi gọi điện thoại cho ông nhưng không ai nghe máy. Sau đó thì có một người phụ nữ dùng điện thoại của ông gọi về báo ông đã bị nước cuốn trôi do cứu người. Tin đó như sét đánh, cả người tôi như suy sụp”.

Nỗi đau của bà Luông
Nỗi đau của bà Luông

Bên cạnh bà Luông còn có người con trai cả đã lập gia đình. Anh ngồi lặng lẽ bên cạnh linh cữu cha, đôi mắt đỏ hoe. Lâu lâu lại giở tấm khăn trắng trên thi hài để nhìn mặt cha rồi lại khóc. Tiếng khóc của hai mẹ con khiến những người đến thăm viếng không cầm được nước mắt.

Bà Luông cho biết thêm, ông Sơn làm nghề buôn bán xe máy cũ, còn bà ở nhà bán cà phê, cuộc sống tuy khó khăn nhưng gia đình luôn sống hòa thuận vui vẻ. Ông Sơn là trụ cột trong gia đình có 3 người con, đứa con trai út nay đã học lớp 4. Kinh tế eo hẹp nhưng đều đặn hằng tháng ông Sơn vẫn thường xuyên đến chùa tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Ổng nghèo nhưng tốt bụng lắm. Khi bố tôi còn sống ông thường dắt anh Sơn đi chùa làm việc thiện. Sau đó, bố tôi mất thì anh Sơn “nối nghiệp”. Khi nghe người nhà gọi điện báo, tôi không tin anh Sơn mất. Nhưng rồi người ta bảo anh nhảy xuống sông cứu người thì… anh ơi”, ông Trần Tấn Thành (47 tuổi, ngụ Bình Chánh), em chú bác ruột với ông Sơn nghẹn ngào.

Còn chị Thanh (42 tuổi, sống cạnh nhà ông Sơn) cho biết: “Ông Sơn là người hiền lành, sống chan hòa, tình cảm nên ở xóm ai cũng yêu quý. Giờ ổng đi rồi, không biết ba mẹ con chị Luông phải làm sao?”.

Đức Tiến

>> Tắm hồ, 2 bé gái chết đuối
>> Chìm xuồng, 3 học sinh chết đuối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.