Lữ hành gặp khó vì hàng không thu phụ phí

28/05/2014 21:25 GMT+7

(TNO) Vietnam Airlines Chi nhánh khu vực miền Nam (VNA) vừa gửi công văn đến các đại lý bán vé máy bay và công ty du lịch thông báo thu phụ phí một số chặng bay trong nước vào mùa cao điểm hè 2014.

Cụ thể, mức phụ thu áp dụng trên một số chuyến bay, ngày bay được chia thành hai nhóm: nhóm 1 gồm Hà Nội đi Nha Trang, TP.HCM, Phú Quốc… phụ thu 200.000 đồng/chặng; nhóm 2 gồm Hà Nội đi Đà Nẵng, Đồng Hới… hoặc TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… phụ thu 150.000 đồng/chặng. Chính sách phụ thu áp dụng cho vé khởi hành trong khoảng thời gian từ 12.6 đến 10.8 và có hiệu lực đối với vé bán ra từ ngày 22.5.

Trong công văn, bà Ngô Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Phát triển bán vé VNA, lý giải rằng phụ thu nhằm đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ do nhu cầu đi lại tăng đột biến trong mùa cao điểm. Chi phí nhân lực, thiết bị, dịch vụ… phục vụ cho chuyến bay (cả mặt đất và trên không) ở thời điểm này đều tăng đáng kể.

Tuy nhiên, chính sách thu phụ phí của VNA gặp phản ứng gay gắt từ các hãng lữ hành. Trao đổi với Thanh Niên Online vào hôm nay 28.5, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, nói công văn ban hành vào ngày 21.5 nhưng có hiệu lực ngay ngày hôm sau (22.5) khiến công ty không kịp trở tay.

Theo ông Duy, các tour đã được khách ký hợp đồng, đặt cọc hoặc đã chuyển tiền không thể thu phụ phí vì khách không đồng ý. Nếu tính cả hai chặng, mỗi du khách (đối với các đoàn sử dụng đường bay áp dụng phụ phí) công ty phải bù lỗ 300.000 - 400.000 đồng/khách. Như vậy, đoàn khách trung bình 30 người, công ty thiệt hại từ 9 - 12 triệu đồng.

Nhiều công ty du lịch khác cũng cho rằng VNA thu phụ phí đến các điểm du lịch phổ biến vào mùa hè là làm khó doanh nghiệp lữ hành, nhất là áp dụng chính sách giá một cách cập rập.

“Trong bối cảnh sức mua giảm mà VNA thu phụ phí chặng bay nội địa, thực ra là tăng giá, khiến giá tour trong nước đội chi phí và đẩy khách Việt du lịch nước ngoài”, giám đốc một công ty phân tích. 

Trong 5 tháng đầu năm, theo Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến VN giảm 10% và xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong vài tháng tới. Để bù đắp cho thị trường khách quốc tế, Bộ VH-TT-DL đặt mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Tuy nhiên, chính sách giá của VNA đang đi ngược lại nỗ lực chung của ngành du lịch khi không giảm mà còn thêm phụ phí. Các đường bay tham gia kích cầu của VNA lại không được doanh nghiệp ủng hộ. Vì theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM, phía hàng không chỉ cung cấp vé kích cầu trong giờ xấu, đi trễ về sớm, bởi các chuyến bay này mới còn chỗ trống để bán kích cầu.

N.Trần Tâm

>> Vé máy bay tour kích cầu du lịch giảm giá hơn 40%
>> Giảm mạnh giá tour kích cầu du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.