Cha đẻ đèn chai nước

20/08/2013 03:05 GMT+7

Ông Alfredo Moser, một thợ cơ khí người Brazil đã phát minh ra một cách để chiếu sáng cho căn nhà suốt cả ngày mà không cần phải dùng điện.

Ông Alfredo Moser, một thợ cơ khí người Brazil đã phát minh ra một cách để chiếu sáng cho căn nhà suốt cả ngày mà không cần phải dùng điện.

Sáng kiến này bắt nguồn từ những đợt mất điện thường xuyên tại Brazil năm 2002. Khi đó, chỉ duy nhất các nhà máy ở thành phố Uberaba thuộc miền nam Brazil là có điện. Khởi đầu từ ý tưởng dùng chai nhựa đựng đầy nước làm thấu kính hội tụ tia nắng trên cỏ khô để đốt lửa trong trường hợp khẩn cấp, Moser đã phát triển ý tưởng đó thành phát minh đèn chiếu sáng từ các chai nhựa bỏ đi của mình. Ông khoan lỗ trên mái ngói và nhét các chai nhựa chứa đầy nước từ bên dưới lên, dính chặt chai tại mái ngói bằng nhựa polyester để chống thấm. Để tránh trường hợp nước bị đóng rêu xanh do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, Moser cho hai nắp chất tẩy vào nước đựng trong chai. Tùy thuộc vào sức mạnh của ánh sáng mặt trời, ánh sáng thu được từ đèn “chai nước” trong phòng tương đương 40 đến 60 watt. Báo Daily Mail dẫn lời ông Moser: "Mặt trời là ánh sáng thần linh mà chúa đã ban cho tất cả mọi người. Mọi người sẽ không thể bị điện giật và không cần phải tốn một xu nào để có đèn chai nước".

Cha đẻ đèn chai nước 

Moser kiếm được một vài USD từ việc lắp đèn chai nước cho siêu thị tại nơi ông ở và cho những người hàng xóm. Chỉ trong một tháng, ông kiếm được đủ tiền để mua những thứ thiết yếu cho đứa con sắp sinh của mình, nhưng phát minh của ông không khiến ông trở thành một người giàu có. Đến nay đèn Moser đã được trang bị trong hơn 140.000 ngôi nhà ở Philippines (nơi 1/4 dân số sống trong nghèo đói) và ở 15 quốc gia khác, bao gồm Argentina, Ấn Độ, Fiji.

Báo Daily Mail dẫn lời ông Illac Diaz Angelo - Giám đốc điều hành Quỹ từ thiện MyShelter ở Philippines: "Dù Moser có đoạt giải Nobel hay không, chúng tôi cũng muốn ông ấy biết rằng có rất nhiều người ngưỡng mộ những gì ông ấy đang làm”. Học tập phương pháp của Moser, tổ chức từ thiện này đã sử dụng vật liệu tái chế để xây nhà và dùng các chai nhựa quyên góp được để tạo ra cửa sổ lấy ánh sáng. Họ cũng đào tạo người dân địa phương áp dụng phương pháp này để kiếm sống.

Moser chưa bao giờ tưởng tượng phát minh của mình sẽ có tác động lớn đến vậy và vô cùng kinh ngạc khi biết con số những người đang sử dụng đèn Moser. Người ta dự đoán rằng hệ thống chiếu sáng vận dụng sự khúc xạ ánh sáng mặt trời của Moser sẽ được trang bị cho hơn 1 triệu gia đình vào cuối năm nay.

Phương Tú - Tạ Xuân Quan

>> Đèn bàn không dây
>> Bóng đèn "siêu thọ
>> Bóng đèn vô địch
>> Bóng đèn trường thọ
>> Di dời bóng đèn cao áp
>> Bóng đèn “thọ” nhất thế giới
>> Bóng đèn siêu tiết kiệm điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.