Gợi ý về tên đường

11/12/2008 00:36 GMT+7

Chức năng chính của tên đường là giúp xác định địa chỉ các hộ dân và các công trình trong đô thị. Chức năng tiếp theo là tôn vinh, ghi nhớ công lao của các anh hùng, danh nhân. Và vì để tôn vinh, ghi nhớ nên tên đường còn có thêm chức năng giáo dục và nhắc nhở người dân về kiến thức lịch sử.

Nhưng vì lâu nay chúng ta chỉ chú trọng vào giáo dục kiến thức lịch sử nên quỹ tên đường bị hạn hẹp, nhất là đối với 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tên của các vị anh hùng, danh nhân lịch sử cũng chỉ vừa đủ để đặt các con đường quan trọng và những con đường cũ đã có trong nội thành. Ở TP.HCM còn trên 500 con đường phần lớn tập trung ở các quận mới chưa được đặt tên. Thật nghịch lý khi tốc độ đặt tên đường lại quá chậm so với tốc độ làm đường, mà việc thi công ở Việt Nam thì có nhanh nhẹn gì cho cam.

Do vậy cần thiết phải mở rộng cách đặt tên đường. Bên cạnh việc nhắc nhở kiến thức lịch sử cũng nên chú ý đến các kiến thức khác về văn học, địa lý, khoa học, thiên văn… cho mọi người. Và như vậy chúng ta có một quỹ tên đường dồi dào, phong phú.

Về địa lý chúng ta đã dùng tên một số đảo, sông, núi để đặt tên đường nhưng chưa được nhiều lắm. Tên đảo thì ngoài Hoàng Sa, Trường Sa nên dùng tên của tất cả các đảo còn lại như: Côn Đảo, Cát Bà, Cái Bàn, Phú Quý, Phú Quốc, Lý Sơn… để nhắc nhở mọi người về các vùng đất xa xôi trên biển của Tổ quốc. Bên cạnh Hồng Hà, Cửu Long thì cũng nên dùng sông Cầu, sông Lục, sông Thương, sông Gianh, sông Lam, sông Đà, sông Hương, sông Hàn, sông Thu, sông Vệ, sông Ba, Vàm Cỏ Đông… Các đỉnh cao và núi thì có: Fansipan, Ngọc Linh, Hoành Sơn, Côn Sơn, Yên Tử, Tam Đảo, Hải Vân, Bà Nà, Non Nước, Bạch Mã, Bà Đen…

Rồi tên các loài thú quý hiếm, các loài hoa, các loài chim, các loài cây… như sao la, tê giác, hoa sen, hoa mai, hoa ban, hoa sim, chích chòe, vành khuyên, vàng anh, họa mi, pờ mu, cẩm lai, tre… Những tên đường như vậy gọi lên nghe lãng mạn và đáng yêu lắm chứ.

Tại sao không dùng các tên Mặt trăng, Mặt trời, sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, Thiên Vương, Hải Vương, Ngân hà, Thiên hà, Bắc Đẩu, Đại Hùng, Tiểu Hùng, Thần Nông, Năm Ánh Sáng… để đặt tên cho các con đường mới mở hầu giáo dục kiến thức thiên văn và ươm mầm ước mơ cho một nền khoa học vũ trụ của Việt Nam?

Những cái tên như vậy thì không phải kiêng kỵ gì nên không cần phải qua nhiều cấp cân nhắc xét duyệt và do vậy khỏi phải chờ đợi thủ tục lâu dài. Cấp thành phố duyệt cho mỗi quận một loại tên đường. Ví dụ như quận 7 thì tên chim, thú; quận 2 thì tên các vì sao; quận 9 thì tên các loài hoa; quận 12 thì cây, quả; quận Tân Phú thì tên sông, núi… Theo đó cấp quận chỉ việc đặt tên cho các con đường trong phạm vi của quận mình (những con đường lớn liên quận thì phối hợp xin ý kiến TP). Như vậy người dân chỉ cần nghe tên là biết con đường đó ở quận nào, rất tiện lợi.

Tên đường là để xác định địa chỉ. Nếu chúng ta không mở rộng cách đặt tên đường cho khoa học và nhanh chóng thì hàng vạn hộ dân phải sống trong cảnh không có địa chỉ cho đến bao giờ?

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.