Thi trắc nghiệm Lý, Hóa, Sinh: Việc soạn đề cũng chưa ổn!

13/12/2007 23:42 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 17.11.2007 có đăng bài phản ảnh những điều chưa ổn trong việc soạn đề thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh. Các môn Lý, Hóa, Sinh cũng tương tự...

Từ mùa thi 2007, các môn Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh được Bộ GD-ĐT quyết định đưa vào thi trắc nghiệm ở kỳ tuyển sinh ĐH và tốt nghiệp THPT. Sau khi nêu ý kiến về việc soạn đề thi môn Tiếng Anh, nhiều giáo viên các môn thi trắc nghiệm còn lại như Lý, Hóa, Sinh cũng phản ánh các mặt chưa ổn của việc ra đề. Đầu tháng 12.2007, PV Thanh Niên có mặt trong buổi họp bàn về việc này tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) để ghi nhận ý kiến của những giáo viên trực tiếp điều hành chuyên môn.

Ông Ngô Văn Thành (tổ trưởng bộ môn Vật lý) khẳng định: đối với môn Vật lý thì thi theo hình thức trắc nghiệm tốt hơn tự luận nhiều, vấn đề là người ra đề có thể hiện được cái tốt đó hay không. Ông Thành cho rằng: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 chấp nhận được, nhưng đề tuyển sinh ĐH 2007 chưa phân hóa được học sinh giỏi, làm cho việc tuyển chọn sinh viên chưa thật công bằng. Tôi đề nghị người ra đề nên dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng chịu một số áp lực ban đầu để đi theo hướng đúng chuyên môn".

Đối với môn Sinh (giờ chót không đưa vào thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007), tổ trưởng bộ môn Trần Ngọc Danh cho rằng đề tuyển sinh ĐH 2007 quá dễ, thậm chí còn dễ hơn đề tuyển sinh vào CĐ 2007. Điều này đưa đến kết quả điểm thi vào các trường ĐH Y Dược rất cao, trong đó có rất nhiều điểm 9, 10 ở môn Sinh và cả môn Hóa (khối B). Chính điều này đã dẫn đến mâu thuẫn: thi vào Y Dược (khối B) nhưng điểm quyết định không phải là hai môn chính của khối B (Sinh và Hóa) mà là môn chính của khối A (môn Toán)! Bà Bùi Phương Trinh - tổ trưởng bộ môn Hóa cũng thừa nhận đề thi tốt nghiệp năm 2006-2007 hợp lý, nhưng đề tuyển sinh ĐH môn Hóa khối A rất nặng về tính toán (nên bớt lại), còn thiếu những phần ứng dụng trong thực tế.

Có một điểm chung của ba môn Lý, Hóa, Sinh là cả ba đều là những môn cần thực nghiệm. Bộ GD-ĐT khuyến khích đưa thực nghiệm vào trong chương trình giảng dạy, nhưng lại không thấy đưa những vấn đề thực nghiệm vào trong đề thi. Khi PV đặåt câu hỏi: "Việc đưa những kiến thức liên quan đến việc thực nghiệm vào giảng dạy, vào đề thi có quá khó không?", hầu hết các thầy cô đồng tình: "Chúng tôi vẫn giảng dạy đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT là chú trọng đến những kiến thức của bộ môn liên quan đến thực nghiệm và cho các em thực hành, nhưng tại sao bộ phận làm đề không quan tâm đến những kiến thức này, không chịu đưa vào đề thi? Việc in thêm một vài tờ giấy để diễn tả đề có kiến thức thực nghiệm (thường có thêm hình vẽ) tuy có tốn kém một chút, nhưng về kiến thức rất có lợi cho học sinh sau này, nếu học mà không thi thì học sinh sẽ lơ là!".

Về kế hoạch chung trong thi cử, Hiệu trưởng Võ Anh Dũng đề nghị "cần rõ ràng hơn, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu tới nơi tới chốn rồi mới công bố". Ông Dũng cho rằng hình thức thi quyết định phương pháp giảng dạy của giáo viên nên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cần hướng dẫn chi tiết cho các sở, các trường, thay vì có phần "thả nổi" như hiện nay.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.