Trong nhà không có đàn ông: Cám cảnh đơn côi

27/03/2014 10:15 GMT+7

Nghèo, nhan sắc có hạn hay trắc trở tình duyên buộc nhiều phụ nữ phải “kiếm con” cho đỡ cô quạnh. Nhưng, cảnh đơn côi cứ mãi đeo bám...

Trong nhà không có đàn ông: Cám cảnh đơn côi

“Bà đỡ’ Tôn Nữ Thị Hiền (trái) trong một lần đi thăm và kiểm tra tình hình tiến triển của dự án Courage Đức - Ảnh: Đình Toàn 

Kiếm con

 

Không ai sinh ra đời mà đi chọn nhục chứ không chọn vinh, đều là số phận cả

Bà Tôn Nữ Thị Hiền 

Trong số những địa phương có số phụ nữ nghèo đơn thân thì tại P.Hương Văn (TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) có đến với 156 hộ (thống kê của Hội Phụ nữ phường năm 2013). Trong số đó, phần lớn các chị, các cô đều chí thú làm ăn; được chính quyền, hội phụ nữ và một số dự án quan tâm hỗ trợ nên các chị cũng vượt qua được sự khốn khó về vật chất. Nhưng cùng với cái ăn, cái mặc hàng ngày thì sự thiếu hụt tình cảm, “sống mòn” trong cô đơn đã khiến không ít người phải “kiếm con”, nuôi con một mình mà không hề oán thán. “Nói thiệt chứ tui kiếm con thôi. Chưa cưới lần mô”, dì C.Th.H., người có duy nhất một đứa con gái ở P.Hương Văn, thổ lộ. Năm 42 tuổi dì H. quyết định “kiếm con” và sinh hạ một bé gái khấu khỉnh.

Sau gần 20 năm một mình nuôi con, người con gái của dì H. nay đã là sinh viên năm thứ 2 của ĐH Huế. Đứa con gái chính là niềm vui lẫn niềm tin duy nhất và cũng là nhựa sống của người phụ nữ nghèo này. Rời nhà dì H. chúng tôi sang một thôn khác của P.Hương Văn. Ở đó hai người phụ nữ đơn thân sống cùng một mái nhà. Dì L.Th.Q., người phụ nữ đang ở tuổi 74 cũng là mẹ đẻ của chị D. và là bà ngoại của 4 đứa cháu, trong đó 3 đứa hiện vẫn chưa rõ mặt bố. Ở tuổi 25, dì Q. sinh chị D. Bố của chị D. hiện vẫn là một bí mật. “D. là do tui xin người ta để kiếm con thôi”, giọng dì Q. buồn buồn. Chị D. năm nay 49 tuổi, lập gia đình ở tuổi 23. Vợ chồng chị D. có với nhau hai đứa con gái, khi hai con đang lớn thì vợ chồng ly dị. Hai con, bên nhà chồng chăm một đứa, chị D. chăm một đứa. Không rõ một mình nuôi con buồn tủi kiểu gì, chị D. quyết “xin” thêm con, một trai một gái mà đến bây giờ hai cháu vẫn chưa thể biết ba mình. “Hai đứa ngoan lắm, một đứa chừ học lớp 12, đứa học lớp 9. Tui cũng chưa cho cháu biết ba của nó, sau này hẳn hay”, chị D. tâm sự.

Tại P.Hương Vân, thống kê sơ bộ có trên 100 hộ phụ nữ đơn thân nghèo tuổi dưới 65. Ngoài các cô các chị bi kịch đè lên số phận khi chồng bệnh tật, tai nạn qua đời thì có không ít chị quá lứa lỡ thì đành phải “kiếm con”. Thậm chí có người có bốn đứa con nhưng lại mang ba họ…

“Bà đỡ” của người đồng cảnh

Trong 8 năm qua chị gần như đã có mặt khắp miền quê để tìm hiểu về những phụ nữ đơn thân rồi giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Nhiều chị em ở Huế xem chị như “bà đỡ” của gia đình mình. Chị là Tôn Nữ Thị Hiền, ở P.Xuân Phú, TP.Huế. Sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh chị em ở TP.Huế, từ nhỏ chị Hiền rất chăm việc nhà lẫn việc học. Chị Hiền vào đại học với bao ước mơ như bạn bè cùng trang lứa. Dường như cuộc đời dành sẵn cho chị nỗi truân chuyên phía trước kể từ khi chị bỏ học nửa chừng để lập gia đình và theo chồng về làm dâu ở một tỉnh bắc miền Trung. Mái ấm hạnh phúc xây chưa lâu thì đổ sập. Trở về Huế với hai bàn tay trắng và đứa con gái bé bỏng, chị nghĩ đến việc bán vé số nhưng rồi chuyển sang học lái ôtô, học tiếng Anh và nghề lái xe taxi. Ngã rẻ cuộc đời bắt đầu từ khi chị lái taxi chở một vị khách người Đức đi Quảng Trị cách nay gần 15 năm. Vị khách này tên là Gerd Villkomen, một cựu sĩ quan người Đức đồng thời là chuyên gia rà phá bom mìn ở miền Trung. Thấy chị Hiền có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, lại lương thiện, hoạt bát nên ông Villkomen mời làm cộng sự cho dự án rà phá bom mìn.

Năm 2005, ông Villkomen trở về Đức sau khi kết thúc công việc tại Việt Nam, tuy nhiên chuyên gia rà phá bom mìn này lại “mở” ra một dự án khác. Đó là dự án trợ giúp những phụ nữ đơn thân và học sinh nghèo ở Thừa Thiên-Huế do Hội Courage, một tổ chức từ thiện của một số nhà hảo tâm người Đức sáng lập, đứng đầu là ông Villkomen. Và người được chọn trao trọn quyền lập dự án, điều phối dự án chính là chị Tôn Nữ Thị Hiền. Cho đến nay, dự án Courage đã hỗ trợ cho hàng trăm phụ nữ đơn thân ở nhiều vùng nông thôn Thừa Thiên-Huế với số kinh phí lên hàng tỉ đồng. Không chỉ hỗ trợ về lợn giống, một tháng thức ăn, xây chuồng trại mà dự án này còn hỗ trợ xây hầm biogas, lắp hệ thống bếp, đèn sử dụng bằng nguồn “năng lượng sạch” này. Không chỉ thế dự án còn hỗ trợ một phần kinh phí để chị em đơn thân xoá nhà tạm, hỗ trợ học phí, đồ dùng học tập cho con cái của họ… Chị Trần Thị Hiền, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lộc Thuỷ (H.Phú Lộc)  tấm tắc khen: “Dự án giúp đỡ con giống nhưng không thu lãi. Sau khi người nuôi bán được một lứa lợn thịt chẳng hạn thì người nuôi trả lại tiền giống, hoặc trả bằng lợn giống. Số lợn này mang đến giúp cho những chị em khác, tính nhân văn rất cao”.

Nhắc đến chuyện này, chị Tôn Nữ Thị Hiền thổ lộ: “Mình đi nhiều và gặp rất nhiều chị em đơn thân có hoàn cảnh éo le. Có người đang phải nuôi đến 4-5 người con, nhưng đứa nào cũng học giỏi. Không ai sinh ra đời mà đi chọn nhục chứ không chọn vinh, đều là số phận cả. Thiệt thòi về vật chất đã khổ, không có người bạn đời, người đàn ông bên cạnh thì tinh thần luôn chông chênh, mình hiểu nên hay đi về với chị em, lắng nghe họ tâm tình, hướng dẫn cho họ cách thức chăn nuôi, làm ăn... để cùng vượt qua nghịch cảnh đơn côi”.

Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.