Những gã điên trong một thế giới tỉnh

23/07/2013 20:00 GMT+7

(TNO) Khoan nói về hay, dở, đã quá lâu rồi, điện ảnh Việt mới xuất hiện một đạo diễn trẻ có một thứ gọi là “character” (tạm dịch: nét riêng) qua từng thước phim như Nguyễn Khắc Huy.

(TNO) Khoan nói về hay, dở, đã quá lâu rồi, điện ảnh Việt mới xuất hiện một đạo diễn trẻ có một thứ gọi là “character” (tạm dịch: nét riêng) qua từng thước phim như Nguyễn Khắc Huy.

>> Bất ngờ với 'Đường đua
>> Đường đua" tung trailer hành động, bắn giết
>> Đường đua ra rạp
>> Rocker Phạm Anh Khoa từng "đau tim" vì Đường đua
>> Hồng Ánh mang "Đường đua" đến Cannes 

Đường đua theo đúng lời giới thiệu của phía nhà làm phim, đấy là dự án điện ảnh lớn đầu tay của từng thành viên trong ê kíp, từ đạo diễn, diễn viên chính, sản xuất… cho tới DOP (đạo diễn hình ảnh). Thế nên, hoàn toàn dễ hiểu khi khán giả dành nhiều sự hoài nghi cho Đường đua. Mà có khi, với bối cảnh “nhà nhà làm phim” như hiện nay, sự hoài nghi đó còn dạt dào hơn cái thời Victor Vũ mới về nước làm Chuyện tình xa xứ ấy chứ.

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam đang vào giai đoạn lúng túng. Người ta thường băn khoăn về việc làm sao để phim Việt vượt ra khỏi "lũy tre làng", song đồng thời, người ta cũng rụt rè chẳng dám đột phá. Đốm lửa mãi rực sáng nơi trí tưởng tượng. Còn bên ngoài thực tế, điện ảnh nước nhà đã rơi tuột vào bi kịch với muôn vàn tiếng cười nhạt nhẽo.

Không ngoa chút nào, hãy thử tìm xem lịch chiếu phim tháng bảy này, bốn phim Việt ra rạp thì hết ba phim kém chất lượng. Đường đua hiển nhiên trở thành cột cờ hy vọng giữa đám đũa mốc meo kia.

Những gã điên trong một thế giới tỉnh 1

Những gã điên trong một thế giới tỉnh 2

Những gã điên trong một thế giới tỉnh 3

Những gã điên trong một thế giới tỉnh 4
Một số hình ảnh trong phim Đường đua

Đường đua mang hơi thở phim noir (tức “phim đen, phim bạo lực”). Cái chất “noir” ấy kết hợp cùng ngôn ngữ điện ảnh tương đối biểu cảm khiến người xem lờ mờ nhìn ra phong cách riêng của chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Huy.

Trong thuật ngữ điện ảnh, phim noir được hiểu nôm na là thể loại phim xoay quanh tội ác của thế giới ngầm. Câu chuyện Mafia Ý, Gangster Mỹ, Yakuza Nhật hay Hội Tam Hoàng Hồng Kông được dựng thành phim đều đều, nhưng ở Việt Nam, để đưa được một băng nhóm tội phạm lên màn ảnh rộng như Đường đua hẳn không phải là điều đơn giản. Nguyễn Khắc Huy đã làm được, mà lại làm rất mượt.

Dĩ nhiên, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của phó đạo diễn Hồng Ánh ở đây. Dễ dàng nhận thấy, đằng sau vẻ nổi loạn của một ê kíp làm phim toàn người trẻ là sự bình tĩnh cần có của một người trải nghiệm. Đường đua luôn tỏ ra khiêm tốn so với khả năng nó có: Xuất hiện đầy lo lắng pha lẫn nhiệt huyết trên truyền thông cùng một ê kíp quá trẻ, những cảnh quay tự nhiên, kịch bản đơn giản vừa sức… Việc từng không được kỳ vọng bỗng chốc biến thành lợi thế cho Đường đua. Từng bước khôn ngoan và từ tốn, Đường đua đem lại cho khán giả nhiều hơn những gì họ trông đợi.

Trước tiên, đạo diễn Nguyễn Khắc Huy có lối kể chuyện rất gãy gọn. Đấy là cách một người được học hành bài bản ở Úc thể hiện thái độ tôn trọng khán giả. Ít nhất khi ngồi trong rạp xem Đường đua, người ta sẽ không bị thọc lét, bị hù dọa, hay chốc chốc lại đơ người suy nghĩ xem những tình tiết vừa chạy ngang qua mặt có điểm nào ăn nhập với nhau.

Ở đầu phim, hình ảnh chiếc xe tải chở hai người đàn ông tiến vào khu chợ, qua vai hai người đàn ông ấy, cuộc đời mở ra, đen đúa và khó nhọc. Cuộc sống trong phim bấp bênh theo độ rung của máy quay. Một cựu ngôi sao điền kinh sau bao năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho nghề rốt cuộc phải giải nghệ trong hoàn cảnh túng thiếu. Lồng vào mỗi bước ngoặc cuộc đời là giấc mơ anh đang miệt mài tăng tốc trên đường đua. Cuối cùng, anh đã gục ngã. Thức dậy, anh thấy mình gục ngã thật, gục ngã trước cơm áo gạo tiền, trước số phận đẩy đưa, trước bản ngã yếu đuối… Cuộc đời quá nhiều cơn điên loạn, mà anh thì chưa hề được ý thức được bài học tỉnh táo. Và đến khi anh nhập nhằng trong cơn điên cùng lũ người bất lương kia, anh mới bàng hoàng hiểu ra rằng bản chất cuộc đời rất tỉnh, tỉnh đến lạnh lùng.

Có vẻ như, để tạo ra dấu ấn tác giả trong phim đầu tay này, Nguyễn Khắc Huy đã làm một bài toán kỹ lưỡng. Dẫn vào câu chuyện, Đường đua sử dụng kha khá cú máy dài (long take), gần gũi với phong cách phim châu u. Chính nhờ đó, Phạm Anh Khoa (thủ vai Lộc) được nhiều đất diễn thể hiện tròn trĩnh nội tâm nhân vật. Còn Nhan Phúc Vinh (thủ vai Hải), tuy vài chỗ còn khiên cưỡng, nhưng nhìn chung, anh đã bộc lộ được cái chất biến thái của một tay trùm buôn bán nội tạng người.

Lần nữa, Nguyễn Khắc Huy ghi điểm trong việc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên tay ngang Phạm Anh Khoa và tiết chế được lối diễn rất dễ trở nên “lố” của Nhan Phúc Vinh. Trên phông màu trầm buồn u ám, thỉnh thoảng, mùi máu me tanh tưởi xộc ra khiến người xem rùng mình đau đớn. Chút dấu ấn của QuentinTarantino thoáng qua. Tất nhiên, trong Kill Bill của Quentin Tarantino, cảnh sát không nhất thiết phải xuất hiện xuyên suốt giống ở Đường đua của Nguyễn Khắc Huy. Có lẽ vì thế mà, Kill Bill luôn được nhắc đến là một tác phẩm nghệ thuật phóng khoáng, máu cứ tung tóe và phim vẫn cứ đẹp như thường. Riêng QuentinTarantino thì mãi mãi chẳng thể thoát khỏi mỹ từ “điên” được.

Dẫu biết, không cần và không nên áp đặt công thức làm phim lên bất kỳ đạo diễn nào, tuy nhiên, vẫn thấy tiếc cho mạch cảm xúc lơ lửng không chạm tới đỉnh. Giá mà Đường đua điên và cứa thêm tí nữa...

Đường đua rõ ràng không phải là chất liệu mới mẻ hay hấp dẫn, song với tinh thần dám thể nghiệm, người xem sẵn sàng bỏ qua cho phim một số hạn chế như: giọng thoại hơi kịch, ở phần đẩy lên cao trào, phim chuyển một phát từ mạch chậm sang hành động liên hồi nên đoạn cuối có chút rối… Cảnh  ngón tay của người đàn ông thiếu nợ Hải đứt lìa ra, cảnh máu chảy ròng ròng trên đầu cha Lộc… những cảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh cho người xem. Thế nhưng, nó chỉ là cơn tê liệt nhất thời chứ khó lòng đạt được nỗi đau dai dẳng.

Vì đâu đó, Đường đua vẫn chưa bứt phá khỏi giới hạn mơ hồ.

Người xem đang lang thang trong bản nhạc Sầu đông được phối theo kiểu jazz - bản nhạc duy nhất của phim với những bất an ngạt thở: Biết đâu trên đường vạn nẻo từ ly, biết đâu cuộc đời ngày mai đổi thay… Bên trong màn hình, đám người kia vẫn điên cuồng chạy, điên cuồng ác, điên cuồng sợ… Đùng, tiếng súng của lực lượng cảnh sát phát ra. Tất cả cùng tỉnh dậy.

Hồng Ánh, ở vai trò sản xuất, quả thực đã không hề quá lời khi nói Đường đua là sản phẩm chị muốn tham gia thị trường mà vẫn phải giữ được chất riêng. Bởi xét về mặt chuyên môn dựa trên tiêu chí phim điện ảnh đầu tay, Đường đua đã làm được điều Hồng Ánh và khán giả đang cơn khát phim Việt mong đợi.

 Ngân Vi
Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

>> Điện ảnh Việt vẫn chơi vơi
>> 69 phim tham dự Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế
>> “Mùa vàng” của điện ảnh Việt
>> Điện ảnh Việt Nam tìm lại phong độ
>> Điện ảnh Việt “đối thoại” với châu u
>> Điện ảnh Việt bao giờ thay đổi?
>> “Ngọc nữ” mới của điện ảnh Việt
>> Cánh cửa mới cho điện ảnh Việt
>> Đạo diễn Phillip Noyce: Điện ảnh Việt có nhiều cơ hội phát triển
>> Cánh diều điện ảnh Việt còn bay chập chờn
>> Điện ảnh Việt Nam 2010: Thành tích và tai tiếng
>> “Tay máy vàng” của điện ảnh Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.