TP.HCM: Tận dụng giờ nghỉ trưa

17/12/2008 23:36 GMT+7

Gần đây, các bệnh viện (BV) ở TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tải, từ việc sắp xếp lại quy trình, thủ tục ở khâu khám, tiếp nhận; đến khám chữa bệnh từ sáng sớm, không nghỉ trưa...

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc BV Nhân dân Gia Định nói: "Số bệnh nhân đến BV ngày một đông, quá tải là chuyện khó tránh khỏi. Vì vậy, việc bố trí, sắp xếp, cải tiến lại các khâu tiếp nhận, khám bệnh, làm các kỹ thuật cận lâm sàng... để giải quyết nhanh cho người bệnh là những biện pháp giảm tải, giảm bớt sự chờ đợi". Cụ thể, BV đã giảm bớt một số thủ tục không cần thiết cho bệnh nhân bảo hiểm y tế; bố trí nhiều ô, nhiều bàn phát thuốc cho người bệnh; đặt thêm nhiều bàn tiếp nhận bệnh; nhiều quầy thu viện phí (mỗi lầu đều có) để bệnh nhân không phải dồn về một chỗ đóng tiền; bố trí người siêu âm, làm các xét nghiệm cận lâm sàng ở giờ nghỉ trưa, đáp ứng nhanh cho việc chẩn đoán, điều trị...

Ngoài việc bố trí người khám sớm, thì gần đây nhiều BV áp dụng khám "thông tầm" - khám luôn cả giờ nghỉ trưa. Thay vì trước đây, các BV nghỉ trưa từ 11 giờ 30 - 13 giờ, thì nay bố trí nhân lực làm xuyên suốt buổi trưa. Bác sĩ Phạm Việt Thanh - Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ nói: "BV chúng tôi khám xuyên suốt cả giờ nghỉ trưa; chia làm hai ca khám, từ 6 - 13 giờ và từ 13 - 18 giờ". Tương tự, để giảm tải, gần đây BV Hùng Vương cũng áp dụng phương cách khám luôn buổi trưa; áp dụng hệ thống lấy số tự động tại khu khám bệnh để tránh tình trạng lộn xộn kéo dài thời gian chờ, những người có số chờ lâu có thể đi công việc riêng, canh gần đến lượt quay trở lại.

BV Chấn thương - Chỉnh hình cũng tận dụng giờ trưa. Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV: "Khám thêm ở giờ nghỉ trưa để giải quyết bớt lượng bệnh đến từ các tỉnh xa, giải quyết thêm trên dưới 200 ca bệnh mỗi ngày. Khu khám chữa bệnh trong ngày - xử trí trong ngày đối với một số trường hợp, cũng là một biện pháp khác để giải quyết quá tải tại BV, với mỗi tuần thêm được 100 ca phẫu thuật". Việc khám luôn buổi trưa cũng được vận dụng ở BV Đại học Y Dược - nơi bệnh nhân luôn đông đúc, nhất là những ngày đầu tuần...

Tại BV Nguyễn Tri Phương, một số biện pháp cũng được đưa vào nhằm giải quyết nhanh để giảm tải. Theo bác sĩ Nguyễn Thi Hùng - Giám đốc BV, đó là: giảm thủ tục rườm rà trong cấp thuốc cho người bệnh; với những bệnh mãn tính thay vì lãnh thuốc 1 tuần như trước, thì nay BV sẽ phát thuốc uống 2 tuần, 1 tháng để giảm sự đi lại; bố trí thêm một số bàn khám, phòng khám bệnh để giải quyết nhanh hơn. Và đầu năm 2009, BV sẽ triển khai toàn bộ hệ thống vi tính ở khu tiếp nhận bệnh để giải quyết khoa học hơn, nhanh hơn...

Cũng với mục đích giải quyết quá tải, sau thời gian đưa ra lịch khám bệnh từ 6 giờ sáng (thay vì 7 giờ 30 như trước) đến nay, với khoảng thời gian khám thêm này, BV Ung Bướu (TP.HCM) giải quyết thêm từ 180-200 bệnh nhân/ngày. Ngoài ra, theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV, công tác siêu âm, xét nghiệm cũng được làm sớm, làm tăng cường (làm sớm từ 6 giờ và làm thêm cả buổi trưa), đã giúp giải quyết thêm 500 ca siêu âm/tuần, và 2.000-2.500 ca xét nghiệm/tháng, giúp giải quyết nhanh hơn cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh. Bên cạnh đó, việc triển khai phẫu thuật cả trong hai ngày nghỉ cuối tuần đã giúp giải quyết được thêm 50-60 ca mổ/tuần tại đây...

Một số BV còn áp dụng biện pháp "giảm tải từ xa" bằng cách tích cực chuyển giao một số kỹ thuật mổ, phương pháp điều trị cho các BV tuyến dưới để giảm lượng bệnh nhân lên tuyến trên. Như BV Hùng Vương vừa chuyển giao xong kỹ thuật mổ sanh, mổ phụ khoa cho BV Hóc Môn, BV Bình Chánh... BV Chấn thương - Chỉnh hình chuyển giao kỹ thuật mổ cột sống, vi phẫu tạo hình cho BV Khánh Hòa, BV Kiên Giang, BV Tiền Giang...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.