Sống không cho riêng mình

29/12/2010 09:40 GMT+7

Nhiều năm nay, người dân khu phố 4, phường 10, quận 3 TPHCM đã quen thuộc với hình ảnh một bà cụ xấp xỉ tuổi 70, dáng người nhỏ bé, lưng hơi còng, gương mặt phúc hậu, đi khắp các ngõ hẻm để giúp những mảnh đời trót vướng vào ma túy tìm lại cuộc sống đời thường hay chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ…

Đó là bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng ban Mặt trận khu phố 4, phường 10, quận 3 TPHCM.

Giành lại từng mảnh đời

Nằm sát ga Sài Gòn, đã có thời khu phố 4, phường 10, quận 3, TPHCM từng là điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là tệ nạn ma túy. Bà Phương nhớ lại: “Hơn 70% cư dân của khu phố là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ. Người dân phải bươn chải ngoài đường để kiếm sống. Các cháu nhỏ thiếu sự dạy bảo, quan tâm nên rất dễ bị kẻ xấu rủ rê vào con đường nghiện ngập.

Năm 1998, tệ nạn ma túy hoành hành, cả khu phố có đến 62 người nghiện. Nhiều gia đình chỉ có một đứa con lại bị nghiện, có gia đình cả anh em đều nghiện. Đau lòng hơn có những gia đình người chồng, người cha lôi kéo vợ con vào con đường nghiện ngập. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, họ đã không từ bỏ việc gì, kể cả việc phạm pháp. Không chỉ trộm cắp tiền bạc, vật dụng trong gia đình, những con nghiện còn gây ra các vụ trộm cắp, giật giọc khiến tình hình an ninh trong khu phố luôn căng thẳng. Còn người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đến ngày nào đó con mình sẽ bị dính vào ma túy.

Trước tình hình đó, bà Phương đã mạnh dạn trình bày với chính quyền địa phương, tự nguyện đi từng nhà vận động, thuyết phục người nghiện đi cai. Vậy là, ngày nào người dân ở khu phố 4 cũng thấy bà đạp xe đi suốt các con hẻm dọc ga Sài Gòn, như hẻm 280, hẻm 240, hẻm 210, hẻm 192…, những nơi có nhiều điểm tụ tập, hút chích công khai để “thấy thực tế”.

Bà kể: “Công việc này, mới nghe ai cũng ngán. Nhưng vì thương hoàn cảnh các em nên tôi cố gắng. Khó nhất là phải tiếp cận được các em, tạo niềm tin cho các em. Sau đó, tôi đưa sách báo để các em đọc và hiểu được về những tác hại của ma túy. Từ đó, vận động các em đi cai nghiện tại các trung tâm và trại cộng đồng”.

Nghe bà kể, công việc có vẻ đơn giản nhưng khi nhìn những vết thương trên người bà mới thấm thía được những khó khăn, nguy hiểm của công việc bà đang làm. Chỉ vào bàn tay gầy guộc với vết sẹo, bà mỉm cười kể tiếp: “Con nghiện chửi bới, xua đuổi là chuyện như cơm bữa. Thậm chí, nhiều lần tôi còn bị hành hung”. Trong một lần đi vận động một người nghiện đi cai bà bị anh này xô ngã xuống hố khiến bà bị gãy hai cái răng và bàn tay trái phải bó bột. Vậy mà chỉ ngày hôm sau, bà lại ôm cái tay gãy tiếp tục đi từng nhà vận động các em cai nghiện.

Dần hiểu được tấm lòng, tình yêu thương của bà nên một số em đã tìm đến bà nhờ làm hồ sơ xin cai nghiện. Một số em do hoàn cảnh quá khó khăn nhưng quyết tâm cai nghiện, được bà tận tình giúp cai nghiện tại nhà. Trường hợp đầu tiên bà giúp cai nghiện tại nhà là Ngô Ngọc Trường Sơn. Gia đình Sơn rất khó khăn, bố bị tai biến mạch máu não, mẹ làm công nhân. Vậy mà cả hai anh em Sơn đều nghiện ma túy. Khi được bà Phương gần gũi, khuyên nhủ, Sơn đã đồng ý cai nghiện. Nghe nói có thể cai nghiện bằng thuốc nam, bà đến Viện Y học dân tộc để học cách xoa bóp, bấm huyệt rồi trở về giúp các em cai nghiện tại nhà.

Bà cho biết: “Cai ma túy tại nhà không tốn kém nhiều. Mỗi đợt tốn khoảng 200.000-250.000 đồng mua thuốc nam và lá xông. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý chí của người bệnh. Nhiều người bệnh tuy quyết tâm cao nhưng đói thuốc lại không chịu nổi, la hét, chửi bới, đập phá. Như trường hợp của Sơn, dù quyết tâm nhưng đến khi lên cơn đói thuốc đã bỏ trốn, khiến tôi và chị tổ trưởng dân phố phải dầm mưa đi tìm. Sau lần trốn đó, có lẽ cảm động trước sự kiên trì của tôi nên Sơn lại quyết tâm hơn trong việc cai nghiện và đã thành công”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người nghiện nghe kể về bà đã tự tìm đến nhờ bà giúp đỡ. Sau khi các em cai nghiện về, bà lại đứng ra lo công ăn việc làm cho các em. Từ đây nhiều em đã trưởng thành, sống có ích cho gia đình, xã hội; tệ nạn hút chích trên địa bàn gần như vắng bóng.

Tổ ấm bà cháu

Sau khi “dọn” được tệ nạn ma túy, bà lại tất bật với việc chăm sóc các cháu mồ côi, khuyết tật; các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt  như cha mẹ ly hôn, cha mẹ đang học tập cải tạo hoặc bị nhiễm HIV; các cụ già neo đơn, trẻ em, phụ nữ tâm thần…

Một lần, bà có công chuyện phải đi vào đêm khuya và bắt gặp bên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám có hai đứa trẻ đang ôm nhau nằm ngủ dưới trời lạnh và bị muỗi đốt. Thấy tội nghiệp bà đến hỏi han rồi đưa chúng về nhà cho ăn uống. Đó là hai chị em ruột: Tuyết Vân và Tuyết Nga. Cha bị tù vì tội bán ma túy, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, hai chị em không có nhà cửa phải lang thang nơi đầu đường xó chợ. Rồi từ Nga và Vân, bà biết thêm được nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Có em cha mẹ lần lượt chết vì ma túy, có em cha mẹ ly dị… Đứa này rủ rê đứa kia tìm đến xin được ở với bà và nhờ bà che chở.

Nhà chật, đông con, lại không khá giả gì, nay cưu mang thêm từng đấy đứa trẻ khiến bà không khỏi băn khoăn. Cũng may, chồng con đều hiểu và ủng hộ việc làm của bà. Không chỉ làm một mình, bà còn vận động các tổ chức, đoàn thể chung tay góp sức. Cuối cùng bà cũng thực hiện được mong mỏi của mình: thành lập một tổ ấm cho trẻ bụi đời, cơ nhỡ với tên gọi Tổ ấm bà cháu.

Đầu năm 2007, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như luồng gió mới tiếp thêm cho bà nghị lực, không quản ngại mưa nắng, sớm tối với chiếc nón choàng tay, bà như con thoi đi khắp nơi giúp cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh: xây 12 căn nhà tình thương; mua 116 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; giúp đỡ nhiều học sinh, sinh viên nghèo vượt khó…

Ngoài ra bà còn vận động được một số tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, gạo định kỳ để duy trì hoạt động thường xuyên cho 2 bếp ăn từ thiện, chăm lo cho các cháu và các cụ già neo đơn; học sinh, sinh viên nghèo. Gần đây nhất, bà đã vận động được hơn 900USD giúp bé Phan Quỳnh Như (ngụ tại 4/1 Rạch Bùng Binh, quận 3) mổ nong cuống tim.

Vì những cống hiến này bà Phương “ma túy” được Giám  đốc Công an TPHCM tặng giấy khen “Gương sáng phố phường”, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về công tác xã hội nhân đạo… Thế nhưng đối với bà, phần thưởng quý giá nhất lại chính là những mảnh đời tưởng chừng như đã bỏ đi, bế tắc nhưng bằng tình thương yêu và sự quan tâm, bà đã đưa họ từ bùn đen trở lại cuộc sống bình thường.

Trong số những con nghiện, trẻ mồ côi khi xưa, nhiều người đã trưởng thành, thành đạt, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Càng cảm động hơn khi biết rằng nhiều năm nay bà luôn giữ “khư khư” một chiếc giỏ bên cạnh mình. Trong chiếc giỏ chỉ toàn là giấy tờ, thư cám ơn, bằng khen của những người từng được bà giúp đỡ. Mỗi tấm giấy là một câu chuyện về mảnh đời bất hạnh đã được bà cứu giúp.

Có người thấy bà vất vả, khuyên can bà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, bà lại mỉm cười và khoe những tấm giấy khen của các cháu từng được bà giúp: “Các cháu từng được tôi giúp đỡ thường nói tôi là định mệnh, là phép màu trong cuộc đời các cháu. Nhưng cũng chính các cháu đã giúp tôi hiểu được nhiều điều, giá trị của nghị lực, tình yêu thương. Nhờ các cháu tôi thấy mình sống có ích hơn. Sống là cho chứ đâu phải chỉ biết nhận cho riêng mình”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.