Công nghiệp hỗ trợ, chớp cơ hội hoặc chết

23/05/2014 09:00 GMT+7

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng tận dụng cơ hội đó như thế nào là phụ thuộc vào nỗ lực của nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng tận dụng cơ hội đó như thế nào là phụ thuộc vào nỗ lực của nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới để phát triển - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đó là những nội dung được quan tâm tại diễn đàn công nghiệp hỗ trợ lần thứ 10 với chủ đề “Làm thế nào để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” ngày 22.5 do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) và Công ty Reed Tradex tổ chức.

Xuất lớn nhưng nhập nhiều

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành văn phòng JETRO tại TP.HCM, nói: Năm 2013, tổng số vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp (DN) Nhật được cấp phép tại Việt Nam là 22,4 tỉ USD, chiếm 26% với 500 dự án. Con số cho thấy, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất, hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam vẫn rất sôi động. Tuy nhiên khó khăn của các DN Nhật là tình trạng thiếu hụt công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại thị trường nội địa. Khảo sát của JETRO năm 2013 cho thấy tỷ lệ cung cấp nội địa cho các công ty Nhật chưa đến 32% tại Việt Nam so với 64% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan. Mười năm qua, JETRO đã nỗ lực nâng cao ngành này thông qua các buổi trao đổi thương mại và triển lãm về CNHT song vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

 

Khảo sát của JETRO năm 2013 cho thấy tỷ lệ cung cấp nội địa cho các công ty Nhật chưa đến 32% tại Việt Nam so với 64% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành văn phòng JETRO tại TP.HCM

Ông Bùi Quang Hải, đại diện Hội Cơ khí TP.HCM (HAME), chia sẻ: DN chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng 11% nhu cầu của các công ty Nhật tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, các sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại của Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch cao và tăng mạnh đến hai con số, nhưng đều là sản phẩm đến từ các DN FDI. Họ nhập khẩu tới 58% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 40 tỉ USD sản phẩm công nghệ chế tạo, riêng linh kiện điện thoại gần 20 tỉ USD. Nguồn nhập khẩu nhiều nhất là Trung Quốc. Nhiều DN thừa nhận đang trong tình trạng “làm công” vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. “Hiện nay chúng ta đang đứng trước những cơ hội từ việc hợp tác với Nhật Bản xây dựng chiến lược hợp tác công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó, phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, môi trường và tiết kiệm năng lượng, đóng tàu, sản xuất phụ tùng ô tô”, ông Hải sốt ruột.

Cụ thể hơn, ông Hirotaka Yasuzumi cho biết: Năm nay JETRO lập kế hoạch phối hợp hợp tác giữa các DN tư nhân với các cơ quan nhà nước liên quan vì sự phát triển của ngành CNHT. Cơ quan này đã xúc tiến việc chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam bằng việc khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và thiết lập mối quan hệ khắng khít giữa các công ty Nhật Bản.

Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex - đơn vị đồng tổ chức diễn đàn CNHT liên tiếp trong 10 năm qua, nhận xét: Việt Nam hiện nay là một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà sản xuất quốc tế trong lĩnh vực ô tô, điện tử và các ngành CNHT. Các công ty Nhật Bản mới tới đây đang tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất của họ tại thị trường nội địa. Tìm kiếm các đối tác phù hợp để hợp tác kinh doanh cũng sẽ giúp ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và thu được lợi nhuận trong thời gian dài.

Lợi thế có thể bị bằng không                            

Phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nước không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DN ngành may đang phải tìm thị trường nhập khẩu mới để có thể hưởng lợi thế thuế khi xuất khẩu vào Mỹ. Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtex) Phạm Xuân Hồng cho biết Agtex và các DN thành viên đang thúc đẩy tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu trong nước cũng như các nước tham gia TPP. Sắp tới Agtex sẽ sang Malaysia để bàn phương án hợp tác với Hội Dệt may của Malaysia và khai thác lợi thế của DN hai nước. “Do các DN đầu tư vào nguyên phụ liệu của Việt Nam không nhiều nên chúng ta cần phải có thêm chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhiều hơn nữa. Đặc biệt cần có chính sách ưu đãi về vốn, về giá thuê đất... cho các DN trong nước để đầu tư vào dệt, nhuộm bởi việc đầu tư vào những lĩnh vực này cần phải có vốn hàng ngàn tỉ đồng. Nếu không được áp dụng lãi suất ưu đãi thì không có DN tư nhân nào dám vay vốn để đầu tư”, ông Phạm Xuân Hồng phân tích. Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex) Lê Quang Hùng, ngành dệt trong nước chưa theo kịp sự phát triển của ngành may trong thời gian qua. Các DN may trong nước như Garmex vẫn luôn tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ để giảm giá thành nhưng có rất nhiều loại vải trong nước vẫn chưa sản xuất được. Trong khi đó, hầu hết các DN trong ngành đều không đủ tiềm lực về vốn và công nghệ để đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, đặc biệt là công nghiệp dệt và nhuộm. Đó là chưa kể nhiều địa phương không chịu cấp phép xây dựng các nhà máy nhuộm do sợ bị ảnh hưởng môi trường...

“Khi đàm phán TPP có thể chúng ta phải hy sinh lợi ích ở một số ngành để nhận lại được việc miễn thuế xuất khẩu cho các ngành như dệt may. Nhưng nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội thì thực hiện TPP cũng hoàn toàn vô nghĩa, nhất là quy định về xuất xứ nguyên phụ liệu. Vì vậy rất cần thiết phải có chính sách phát triển ngành cung cấp nguyên phụ liệu dệt may được công bố rõ ràng từ phía Chính phủ”, ông Hùng nói.

Nhiều tín hiệu tốt

Các ngành CNHT và công nghiệp sản xuất đang tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam. Đây là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy bước phát triển vững mạnh và nhiều cơ hội kinh doanh lớn. Chúng tôi hòa nhập với làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ này bằng cách đầu tư nhiều vào các nguồn lực.

Ông Kozunori Kojima, Giám đốc điều hành Công ty AMADA Việt Nam

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam năm 2014 có bước phát triển tốt hơn so với 2 năm về trước, vì vậy Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào ngành điện tử và các ngành CNHT để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói chung.

Wendy Trang, Tổng giám đốc Công ty ITO Việt Nam

Chí Nhân - Mai Phương

 >> 15 dự án ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Quảng Nam
>> Khuyến khích doanh nghiệp Nhật đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ
>> Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao
>> Công nghiệp hỗ trợ ngày càng teo tóp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.