Dân không hề dâng lễ to, đốt mã lớn

07/06/2014 08:40 GMT+7

Những mâm lễ lớn với rượu bia ngoại, đồ mã to như con voi tại các lễ hội đều không phải của dân thường.

Đề nghị báo chí điều tra mâm lễ, vàng mã lớn của ai


Theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, việc đưa con ngựa này vào đền Phù Đổng là vi phạm - Ảnh: Ngọc Thắng 

Những mâm lễ lớn cầu tài cầu lộc đầy ăm ắp rượu ngoại, bia ngoại, hoa quả ngoại, đẹp và hoành tráng. Những món đồ mã kỳ công với kích cỡ khủng. Những cuộc hóa vàng đốt liên miên khói ngùn ngụt bốc cao... Tất cả vẫn xuất hiện trong các lễ hội.

“Tôi đề nghị báo chí vào điều tra xem những mâm đồ lễ, vàng mã lớn ở di tích là của ai. Dân người ta bảo chúng tôi làm gì có tiền mà làm như thế”, ông Đặng Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2014, được tổ chức ngày 6.6 tại Hà Nội. Trên thực tế, những mâm lễ lớn đến mức gây thắc mắc về nguồn gốc, việc đổ xô tranh nhau cầu cúng, cướp lộc là biến tướng kinh khủng của lễ hội trong nhiều năm gần đây.

 

Tôi đề nghị báo chí vào điều tra xem những mâm đồ lễ, vàng mã lớn ở di tích là của ai. Dân người ta bảo chúng tôi làm gì có tiền mà làm như thế

Ông Đặng Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL

“Ngay cả những món đồ thờ tự như tượng đá, sư tử đá, lộc bình đều là những thứ phải bỏ ra một lượng tiền lớn để mua. Trong điều kiện kinh tế chúng ta còn khó khăn, nhất là với người dân bình thường, thì liệu ai có tiền để làm điều đó? Chứ cứ nói chung chung là dân thì họ bị oan”, ông Phúc nói. Những việc lễ lạt, cầu cúng như vậy đã khiến nhiều di tích bị biến dạng.

Cũng theo ông Phúc, chỉ có thể là một bộ phận không nhỏ những người có điều kiện kinh tế làm vậy, chứ không phải người dân. Những câu chuyện tại hội nghị này cho thấy rõ phần nào bộ phận không nhỏ đó. “Nhiều khi gia đình quan chức muốn tán lộc nên bà vợ muốn dâng lễ lên chùa chiền. Tuy nhiên, khi dâng lễ thì nó thành quá nhiều hoặc lại cúng thành các hiện vật lạ trong di tích như kiểu sư tử đá”, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật cho biết.

“Đưa con hổ, các lễ vật khác vào đền bắt người ta thờ đều không phải nhân dân làm. Tôi lấy ví dụ ở xã có cái đền như thế. Rồi ông cán bộ tỉnh ông ấy về, ông ấy đưa con hổ vào. Ai làm cán bộ xã mà dám không nhận. Nhưng nhận thì ngành văn hóa phạt cho. Chẳng biết làm thế nào”, TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai kết luận.

“Người đứng đầu phải gương mẫu”

Chuyện dâng lễ lớn, dâng lễ vi phạm luật Di sản đương nhiên sẽ gây hậu quả. Song còn một kiểu phá hỏng trật tự lễ hội khác của lãnh đạo là vào lễ trước dân, lễ xong dân mới được vào lễ. “Thấy ngay là người dân nói nếu lãnh đạo không làm nghiêm thì họ cũng không cần nghiêm”, ông Phúc đưa ý kiến.

 

Sắp đến mùa thay quan chức thì người ta cầu thăng quan chức. Tóm lại xã hội thế nào thì lễ hội nó thế. Vấn đề là quản lý thế nào?

TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai

“Xã hội bất an thì người ta cần cầu an. Người ta đói thì cần cầu no. Sắp đến mùa thay quan chức thì người ta cầu thăng quan chức. Tóm lại xã hội thế nào thì lễ hội nó thế. Vấn đề là quản lý thế nào?”, TS Sơn nói.

“Người đứng đầu phải gương mẫu. Chứ còn lễ hội cũng tranh nữa thì không được. Ban quản lý di tích phải dân chủ. Trừ trường hợp quá đặc biệt, còn ai đến trước dâng trước, ai đến sau dâng sau chứ không phải là quen biết thì chen ngang như thế. Nói hẳn rằng lãnh đạo làm hỏng lễ hội của dân thì hơi quá, nhưng cái đó cũng có một phần lỗi của ban quản lý di tích do không quản lý được một cách khoa học”, TS Sơn tiếp lời.

Cũng trên tinh thần nói thẳng nói thật, ông Sơn cho rằng cần phải xem lại điểm yếu nhất của quản lý lễ hội là thiếu những văn bản mang tính quy phạm pháp luật. Chẳng hạn thông tư về quản lý lại “lờ” chuyện quản lý tiền công đức, quản lý vàng mã. Trong khi đó, suy cho cùng quản lý lễ hội phức tạp từ xưa đến nay đều do tiền.

Nghị định 103 cấm đốt đồ mã nhưng không có quy định cấm sản xuất, cấm vận chuyển, cấm đưa đồ mã vào nơi thờ tự. Và mới đây, Nghị định 158 về xử phạt vi phạm văn hóa lại cho phép đốt vàng mã, chỉ xử phạt đốt vàng mã không đúng nơi quy định. “Nếu các nhà khoa học thấy cấm đồ mã là không được vì văn hóa tâm linh thì pháp luật chúng ta phải điều chỉnh. Phải xây dựng văn bản sao cho nó khớp nhau chứ”, ông Phúc nhận xét. TS Sơn nói thêm: “Bộ cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, chứ không nên quản lý chung chung nữa”.

Về câu chuyện tuyên truyền, ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm thực tế của đơn vị ông: “Ngày 23 tháng chạp, mọi năm người ta quẳng cá đi, đốt vàng mã rất nhiều. Chúng tôi bàn với đài truyền hình, phỏng vấn chuyên gia. Tôi trực tiếp lên nói, ý nghĩa thế nào, cách thả cá ra sao. Chúng tôi tổ chức cả lễ hội thả cá hôm 23 tết trang trọng, hướng dẫn thả thế nào, chứ không phải lên cầu quẳng cái túi ni lông xuống, sao được”.

Trinh Nguyễn

>> Đốt nhà hàng mã, tá hỏa gặp... Tăng Thanh Hà
>> Đốt hàng mã, một hủ tục cần bài trừ
>> Phát hiện nhiều lô hàng ma túy qua chuyển phát nhanh
>> Hàng mã “hàng hiệu”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.