Thông qua 'Tuyên bố TP.HCM' về an ninh nguồn nước, năng lượng

05/04/2014 15:35 GMT+7

(TNO) Sáng ngày 5.4, hội nghị thượng đỉnh sông Mekong lần 2 đã diễn ra. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố TP.HCM" về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong.

(TNO) Sáng 5.4, Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong lần 2 đã diễn ra. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố TP.HCM" về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong.

 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang (giữa) trả lời về vấn đề thủy điện Don Sahong sắp được xây dựng cuối năm nay tại Lào - Ảnh: Khải Đơn

Hội nghị có sự tham dự của đại diện bốn quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC) gồm: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong; Thủ tướng Campuchia Samdec Hunsen; Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao, đặc phái viên của Thủ tướng Thái Lan; hai đối tác đối thoại là Trung Quốc, Myanmar và các đối tác phát triển.

Trong tuyên bố TP.HCM có viết: "Chúng tôi ghi nhận việc tiếp tục mở rộng thực hiện thủ tục thông báo, tham vấn trước và thoả thuận (PNPCA) nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các đề xuất dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong".

Tuyên bố được ra trong bối cảnh có thêm nhiều công trình thủy điện đang được đề xuất xây dựng trên dòng chính của sông Mekong khiến các tổ chức môi trường lo ngại.

Trong buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang (Việt Nam) có trả lời về vấn đề thủy điện Don Sahong sắp được xây dựng cuối năm nay tại Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói: “Chúng tôi đã được Lào báo là sẽ xây công trình này vào cuối năm. Quan điểm của VN và Campuchia, theo hiệp định 1995, thì các công trình thủy điện trên dòng chính cần có tham vấn của các nước trong Ủy hội. Đây là quy định từ Hiệp định 1995, vì công trình Don Sahong này nằm trên dòng chính của Mekong. Chúng tôi có đề nghị Lào, sau khi có kết quả nghiên cứu về tác động dòng chính trên sông Mekong mà VN chủ trì với sự tham gia của Lào, Campuchia đến hết năm 2015, và có kết luận về các bậc thang trên dòng chính Mekong này thế nào. Sau khi có kết quả cụ thể thì vấn đề xây dựng thủy điện trên dòng chính đó mới được tiến hành... Công trình này là loại công trình cần phải có tham vấn”.  

Ông Trần Lôi, Bộ trưởng Tài nguyên nước của Trung Quốc phát biểu tại hội nghị: “Trong quá trình phát triển và sử dụng nguồn nước từ sông Lan Thương, chúng tôi quan tâm đến cả lợi ích của Trung Quốc và lợi ích của các quốc gia hạ nguồn và chú ý song song gữa phát triển và bảo tồn. Chúng tôi chú trọng đến bảo vệ môi trường sinh thái và tác động từ phát triển xuyên biên giới trên dòng sông”.  

Khải Đơn

>> Những đập thủy điện dày đặc: Ai đang bóp nghẽn sông Mekong?
>> Khai mạc Hội nghị cấp cao sông Mekong lần 2 tại TP.HCM
>> Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong
>> Hội chợ Mekong Expo diễn ra từ 26.4 - 2.5.2014

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.