Nóng bỏng thương trường ảo

25/12/2005 16:07 GMT+7

1.000 vạn lượng Võ lâm truyền kỳ hôm nay giá bao nhiêu?", "1 triệu vàng PTV còn ở mức 12 ngàn đồng không?", "ngọc MU nghe nói hình như đang lên giá?"... bên cạnh những thông tin về tỷ giá hối đoái, giá vàng "thật", tiền đồng VN mỗi ngày còn được quy đổi thành các loại "game tệ". Thương trường game online VN càng trở nên nóng bỏng khi nhà cung cấp game PTV-Giành lại miền đất hứa công bố: Từ ngày 1/1/2006, sẽ chính thức công nhận quyền mua bán tài sản ảo của các game thủ!

Trước đây, điều khoản hợp đồng lúc người chơi đăng ký tài khoản PTV ghi rõ: "Tất cả mọi thứ tài sản trong PTV đều thuộc quyền sở hữu của FPT Communications, điều đó có nghĩa bạn không được phép sử dụng PTV như một công cụ kiếm tiền, tất cả các vật dụng trong PTV chỉ được phép trao đổi, mua bán thông qua hệ thống tiền tệ hoặc vật dụng trong PTV, tuyệt đối cấm mọi hình thức mua bán bằng tiền thật hay bất cứ thứ gì khác có giá trị ngoài PTV".

Đùng một cái, nhà cung cấp PTV thay đổi quan điểm với lời giải thích sau: "Chúng tôi nhận thấy hiện nay đối tượng chơi game phân thành 2 loại: một là người chơi kiếm sống từ "nghề" chơi game bằng cách chịu khó “cày” rồi bán lại các nhân vật, tài sản ảo từ game; hai là người chơi theo kiểu giải trí và có ít thời gian thì họ thường có nhu cầu mua tiền bạc, các món tài sản ảo trong game. Trước đây dù có quy định cấm hình thức mua bán tài sản ảo bằng tiền thật nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra. Game online đang trở thành một lĩnh vực giải trí rất phổ biến trong xã hội. Việc áp dụng chính sách mới này nhằm tạo ra một môi trường chơi game thuận lợi, thoải mái và vui vẻ nhất cho các game thủ".

Chợ trong Võ lâm truyền kỳ

Với chính sách mới này, PTV xem như đã tạo "hành lang pháp lý" cho các game thủ công khai mua bán các tài sản ảo. Điều này có vẻ cũng rất vừa ý các game thủ bởi sau khi game PTV công bố bắt đầu thu phí từ năm 2006, nhiều game thủ đã bày tỏ ý kiến: một khi họ đã bỏ tiền ra để được chơi game thì nhân vật cũng như các món tài sản ảo trong game phải là của họ, và họ có quyền quyết định trao đổi hay mua bán nó bằng bất cứ hình thức nào. Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần viễn thông FPT cho biết thêm: "Ngay ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều công ty chuyên kinh doanh các món đồ ảo trong game như tiền game, nhân vật, các đồ đạc. Có đối tác của tôi đã lập hẳn một công ty với phòng máy trang bị đường truyền băng thông rộng, tốc độ cao, thuê đến 200 nhân viên "cày" 3 ca 24/24 để thu những món đồ, tiền bạc trong các game sau đó rao bán trên eBay. Game online đã thực sự tạo ra một thương trường riêng và cho dù mình có công nhận hay không thì nó vẫn tồn tại và phát triển. Do đó, việc thừa nhận và bảo hộ mua bán tài sản ảo tôi xem là một xu hướng tất yếu của game online. Đầu năm 2006, FPT Telecom cũng sẽ ra mắt sàn giao dịch để người chơi có thể mua bán, trao đổi tài khoản, nhân vật và tài sản ảo nói chung một cách chính thức, an toàn và thuận tiện. Đây sẽ là sàn giao dịch phục vụ nhu cầu mua bán tài sản ảo của tất cả các game tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết chỉ thu phí từ người chơi, không tự tạo các tài sản ảo trong game để bán lại".

Trước PTV, game Võ lâm truyền kỳ cũng đã đưa ra hình thức nạp thẻ để đổi lấy Kim hoàn bảo, một loại vật phẩm không rớt ra trong quá trình "luyện công". Nhiều người cho rằng đây cũng là một hình thức gián tiếp bán tài sản ảo bằng tiền thật của VinaGame. Tuy nhiên, VinaGame cho biết đây chỉ là một cách thu phí dựa trên tính năng mở rộng của game. Mục đích chính của việc nạp thẻ này là giúp người chơi đổi từng Kim hoàn bảo lấy thời gian chơi theo giờ hoặc theo ngày hoặc dùng để đổi thủy tinh, đồ phổ luyện vũ khí... Loại thẻ mà PTV vừa phát hành cũng có tính năng tương tự, sau khi nạp thẻ, số tiền thật vừa có thể dùng để đăng ký giờ chơi, vừa có thể chuyển khoản cho các bạn chơi và dùng để thanh toán khi mua các món tài sản ảo trong game.

Hình thức mua bán tài sản ảo vì còn khá mới mẻ ở nước ta nên liệu có được pháp luật công nhận? Ông Trương Đình Anh tự tin: "Hoạt động giao dịch này có thể mang lại lợi ích tốt hơn cho người chơi và hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến nhà nước nên tôi tin không có lý do gì mà nó không thể tồn tại và phát triển. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có chính sách tương tự đối với game MU-Xứng danh anh hùng".

Và một khi thương trường của game online đang được xác nhận bằng những giá trị thật, tiền thật thì thiết nghĩ, những món tài sản ảo giờ đây cũng nên được xem như tài sản cá nhân được bảo hộ bằng pháp luật. Cứ như hiện tại, một bộ giáp hay thanh kiếm "khủng" trong game (có thể được bán với giá 10 triệu đồng) lỡ bị hacker "cuỗm" mất thì liệu nó có được xem như tổn thất tài sản thực sự hay chỉ đơn giản là mất một dữ liệu trên máy tính?

Tố Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.