Giải mật các vụ mua bán uranium của Israel

04/07/2013 13:04 GMT+7

(TNO) Tờ Foreign Policy vào hôm 1.7 dẫn các hồ sơ mới được công bố của chính phủ Mỹ tiết lộ Argentina có thể đã bán cho Israel các nguyên liệu cần thiết để chế tạo bom hạt nhân vào thập niên 1960.

(TNO) Tờ Foreign Policy vào hôm 1.7 dẫn các hồ sơ mới được công bố của chính phủ Mỹ tiết lộ Argentina có thể đã bán cho Israel các nguyên liệu cần thiết để tinh chế uranium dùng sản xuất bom hạt nhân vào thập niên 1960.

>> 16 kg uranium được chuyển ra khỏi Việt Nam như thế nào?
>> Đã đưa 16 kg uranium có độ giàu cao ra khỏi Việt Nam

Israel vốn chưa từng thừa nhận về chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này, dù nhà nước Do Thái được ước lượng sở hữu hàng chục đầu đạn hạt nhân.

Theo tường thuật của tờ Foreign Policy, Argentina đã bán 80 đến 100 tấn “bánh vàng” cho Israel vào năm 1964. “Bánh vàng” (yellowcake) là loại hỗn hợp uranium oxide cô đặc được sản xuất ở những nước khai thác quặng uranium, có thể dùng để tinh chế uranium làm giàu cao dùng cho việc sản xuất bom hạt nhân.

Washington vốn lo ngại về chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Israel vào lúc đó cũng như việc Argentina bán “bánh vàng” cho Israel song không thể ngăn chặn vụ mua bán này, theo tờ Foreign Policy.

Giải mật các vụ mua bán uranium của Israel
 Nhà máy hạt nhân Dimona ở sa mạc Negev của Israel - Ảnh: AFP

Những hồ sơ lưu trữ cho thấy những nỗ lực của Israel nhằm xây dựng quan hệ với những nguồn cung cấp uranium và mối lo ngại của Mỹ cũng như Canada và Anh về chương trình hạt nhân của Israel.

Theo tường thuật, Mỹ lo sợ việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây bất ổn ở Trung Đông và làm tổn hại những nỗ lực toàn cầu nhằm hạt chế phổ biến loại vũ khí này.

Israel vốn công khai tuyên bố chương trình hạt nhân của họ chỉ có mục đích hòa bình và các đại diện của Mỹ đã bí mật thị sát lò phản ứng Dimona ở sa mạc Negev vào năm 1963 nhằm kiểm tra việc này. Một nhóm nhà khoa học Mỹ đến thị sát cơ sở vào tháng 1.1964, song Israel đã che đậy bản chất thật của dự án, theo tờ Foreign Policy.

Ngoài thương vụ mua bán “bánh vàng” từ Argentina, Mỹ cũng điều tra những báo cáo vào năm 1965 về việc một hãng sản xuất uranium Pháp ở Gabon có thể đã bán uranium cho Israel. Tuy nhiên, họ không thể quả quyết vụ mua bán có diễn ra hay không.

Mỹ đã cố gắng thu thập thêm thông tin về các vụ mua bán “bánh vàng” từ Ngoại trưởng Israel lúc bấy giờ là ông Abba Eben song ông này đã lẩn tránh các câu hỏi truy vấn.

Theo tờ Foreign Policy, vào giữa tháng 7.1964, Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã gửi một thông điệp đề nghị các tòa đại sứ ở Argentina và Israel kiểm tra các báo cáo tình báo chưa được xác nhận về vụ mua bán 80 đến 100 tấn “bánh vàng”.

Washington tiếp nhận thông tin về vụ mua bán từ chính phủ Anh, vốn cũng nhận thông tin từ chính phủ Canada.

Câu chuyện về vụ mua bán “bánh vàng” của Israel không được đề cập nhiều bởi Israel kiên quyết giữ bí mật chương trình họ họ và chính phủ Mỹ cùng các đồng minh giữ im lặng về những gì họ biết vào lúc đó.

Mỹ luôn giữ thế nước đôi về chương trình hạt nhân của Israel và công khai những gì họ biết hoặc nghi ngờ về chương trình này có thể khiến Washington gặp rắc rối nghiêm trọng với các nước Ả Rập và có thể cả Liên Xô. Điều này hạn chế những gì Washington có thể gây sức ép với Tel Aviv. Bất kỳ sức ép kinh tế hoặc chính trị nào, dù chỉ mới duy tính, cũng sẽ dẫn đến việc công khai chương trình.

Chính phủ Mỹ vốn lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Israel từ thập niên 1960 khi CIA xác nhận Israel đang xây dựng một cơ sở hạt nhân với sự hỗ trợ của Pháp ở thị trấn Dimona trong sa mạc Negev.

Ban đầu, Pháp ủng hộ tham vọng xây dựng chương trình hạt nhân với mục đích quân sự của Israel và đồng ý cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Cherles De Gaulle, chính sách này đã thay đổi và có vẻ như vào năm 1963, khi lò phản ứng gần được xây dựng song, Pháp đã hạn chế cung cấp uranium cho lò Dimona.

Vì thế, Israel đã xoay xở để tìm nguồn cung cấp uranium khác. Paris cũng nhận ra được nỗ lực này của Israel và vào đầu năm 1964, họ đã dò hỏi Washington liệu Israel có kiếm được nguồn cung cấp uranium nào hay không.

“Bánh vàng” là một bí mật hạt nhân quan trọng trong chương trình hạt nhân của Israel song bí mật lớn nhất của họ là sự hiện hữu của một cơ sở tái chế để chuyển đổi nhiên liệu đã qua sử dụng tại Dimona thành plutonium ở cấp sản xuất vũ khí.

Người Israel vốn thông báo với chính phủ Canada và Mỹ vào năm 1961 rằng Dimona sẽ bao gồm một nhà máy thí điểm về tái chế song nó được cho là quá nhỏ để hỗ trợ chương trình vũ khí.

Tuy nhiên, trên thực tế, thiết kế nhà máy Dimona gốc của Pháp bao gồm một cơ sở tái chế lớn dưới mặt đất. Đây là bí mật hạt nhân quan trọng nhất của Israel mà cựu kỹ sư tại Dimona Mordecai Vanunu tiết lộ với báo giới sau này.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ tình báo phương Tây biết được bao nhiêu về cơ sở tái chế cũng như thời điểm họ biết về việc này.

Sơn Duân

>> 16 kg uranium được chuyển ra khỏi Việt Nam như thế nào?
>> Đã đưa 16 kg uranium có độ giàu cao ra khỏi Việt Nam
>> Israel dùng uranium nghèo trong vụ không kích Syria
>> Nga chỉ trích Iran mở rộng sản xuất uranium
>> Iran chuẩn bị tăng cường sản xuất uranium làm giàu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.