Phụ huynh chi phong bì “lót tay” 1,2 triệu đồng/học kỳ

03/05/2012 10:21 GMT+7

(TNO) 17% trong số 13.600 người tham gia khảo sát về quản trị công và hành chính công cho biết họ đã chi trung bình 1,2 triệu đồng để “lót tay” mỗi học kỳ cho thầy cô giáo của con em mình.

(TNO) 17% trong số 13.600 người tham gia khảo sát về quản trị công và hành chính công cho biết họ đã chi trung bình 1,2 triệu đồng phong bì “lót tay” mỗi học kỳ cho thầy cô giáo của con em mình.

Đây là một trong những kết quả khảo sát đáng chú ý về lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC), do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện trong năm 2011 tại 63 tỉnh thành, công bố sáng nay 3.5, tại Hà Nội.

80% người được hỏi không biết về quy hoạch sử dụng đất

Theo cố vấn Chính sách về cải cách hành chính (CCHC) và Chống tham nhũng của UNDP, ông Jairo Acuna - Alfaro, đây là khảo sát về quản trị công và hành chính công lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Khảo sát này (tên là PAPI 2011) bắt đầu từ năm 2010 tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã tăng lên 63 tỉnh, thành trong năm 2011.

13.600 người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ độ tuổi, trình độ, giới tính cho đến vùng, miền sinh sống.

Các nội dung câu hỏi khảo sát hướng nhiều vào chất lượng phục vụ công của chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là xã, phường, thôn, xóm.

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 64 - 65% người dân biết rõ quy chế dân chủ ở cơ sở, nhưng so với năm 2010, tỷ lệ này đã có sự giảm sút đáng kể.

Tương tự, mức độ lạc quan của người dân về điều kiện kinh tế cũng giảm hơn một chút so với đợt khảo sát tiến hành năm trước đó.

Đáng chú ý, có tới 80% người dân tham gia khảo sát cho biết họ không biết gì về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nơi mình sinh sống và 70% không hay biết về danh sách các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở địa phương mình.

Chi trung bình 1,2 triệu đồng phong bì/học kỳ cho thầy cô

 
Khảo sát về chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2011 được UNDP phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH thực hiện bắt đầu từ năm 2009 tại 3 tỉnh, thành phố, nâng lên 30 tỉnh, thành năm 2010 và khảo sát toàn diện tại 63 tỉnh, thành trong năm 2011.

Cũng theo ông Jairo, khi khảo sát về nội dung kiểm soát tham nhũng, cụ thể là phải chi bao nhiêu tiền phong bì cho khám chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện, cơ sở y tế, kết quả cho thấy có tới 31% trong số người tham gia khảo sát cho biết họ phải chi phong bì “lót tay” cho y, bác sĩ với số tiền thấp nhất là 5.000 đồng và cao nhất lên tới gần 30 triệu đồng/năm.

Trên 50% số người được hỏi cho rằng việc chi phong bao, phong bì cho KCB là cần thiết.

Theo ông Jairo, chỉ tính riêng tiền phong bì người dân chi cho KCB mỗi năm đã lên tới hơn 4 triệu USD.

Về mức chi phong bì cho lĩnh vực giáo dục, 17% trong số người tham gia khảo sát cho hay họ phải chi phong bì “lót tay” để xin học cho con, trung bình 1,2 triệu đồng/học kỳ.

Trong khi đó, 29% số người tham gia khảo sát cho rằng việc chi phong bì là cần thiết khi xin việc ở cơ quan Nhà nước; 21% cho biết hối lộ là cần thiết khi xin giấy cấp quyền sử dụng đất và 16% cho rằng cần thiết khi xin cấp phép xây dựng.

Chỉ một tỉnh được dân hài lòng

Kết quả khảo sát PAPI 2011 về mức độ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính cũng cho thấy, hơn 90% người tham gia khảo sát hài lòng với các thủ tục mang tính dễ dàng, đơn giản như chứng thực CMND, hộ khẩu, khai sinh, khai tử.

Ngược lại, thủ tục khiến người dân không hài lòng nhất là đất đai mà theo ông Jairo, “đây là lĩnh vực người dân phàn nàn nhiều nhất về tính công khai, minh bạch của các quy định cũng như thái độ giải quyết của đội ngũ cán bộ công chức khi thực thi quy định hành chính về lĩnh vực này”.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã dùng tới hơn 6.000 phép tính để tính điểm trong quá trình thực hiện cuộc khảo sát này với 92 chỉ số thành phần, tập trung vào 6 nội dung cơ bản: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở trong bầu cử, mức độ đóng góp ý kiến cho các dự án…; Mức độ công khai, minh bạch của các cấp chính quyền về quy hoạch sử dụng đất, danh sách hộ nghèo, và sử dụng ngân sách cấp phường, xã; Trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.

Qua khảo sát cho thấy, trong 6 lĩnh vực được tiến hành khảo sát, chỉ có một tỉnh duy nhất là Long An nằm trong nhóm được dân hài lòng ở cả 6 lĩnh vực.

Bảo Cầm

>> Thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính
>> Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay
>> Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng
>> Thi tuyển lãnh đạo sẽ là khâu đột phá trong công tác cán bộ
>> Nhân rộng mô hình nhắn tin làm thủ tục hành chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.