Đạo diễn Trần Anh Hùng: Ai ở VN bỏ tiền cho tôi làm phim, tôi làm ngay!

09/05/2013 17:22 GMT+7

(TNO) Từ Pháp trở về VN 4 ngày để tham dự sự kiện Voyage à Cannes - tôn vinh tinh thần nghệ thuật thứ 7 từ Liên hoan phim Cannes đến VN, đồng thời góp mặt ủng hộ tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF nhằm phát hiện, hỗ trợ các tài năng trong nước trên con đường nghệ thuật, đạo diễn Trần Anh Hùng đã dành cho Thanh Niên Online cuộc phỏng vấn riêng, chia sẻ những câu chuyện nghề nghiệp và dự định phim ảnh đang ấp ủ của mình.

>> Danh thiếp ẩm thực Trần Anh Hùng
>> Trần Anh Hùng làm giám khảo LHP Thượng Hải
>> Bộ phim 18 triệu USD của đạo diễn Trần Anh Hùng công chiếu tại Nhật

* Lý do nào khiến anh nhận lời trở về TP.HCM để ủng hộ những hoạt động của tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF mùa thứ 4?

- Đạo diễn Trần Anh Hùng: Nhờ một người bạn tôi giới thiệu, tôi biết đến YxineFF và chính sự đa dạng, tươi mới từ những gương mặt trẻ đang bắt đầu con đường đạo diễn đã tạo cho tôi sự thú vị nên khi được mời, tôi nhận lời ngay. Bởi không có gì quý hơn khi nhìn thấy được một lực lượng làm phim trẻ được phát hiện từ tiệc phim này. Tôi đã xem những bộ phim ngắn đầu tay của các bạn trẻ và khiến tôi nhớ lại thời tôi bắt đầu làm phim cô đơn như thế nào. YxineFF đã tạo không gian cho những người làm phim trẻ khắp nơi trên thế giới gặp nhau, học hỏi, để có thể đánh giá chính họ đang đứng ở nơi nào, điều mà khi bắt đầu làm phim tôi không có được cơ hội.

* Ngày đầu làm phim với anh là sự cô đơn?

- Là những ngày đơn độc, mò mẫm kéo dài trong thế giới riêng của mình trên chính cái bàn dựng phim, chứ không phải sướng như hiện giờ làm tất cả các công đoạn trên máy tính. Nghệ thuật là cá nhân vì mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, khả năng khác nhau nên một nơi như YxineFF là một nơi rất hay để tài năng xuất hiện, và tài năng thì mọi người đừng nên sốt ruột trông chờ, chờ có khi không thấy đâu, có khi tự nhiên mà họ xuất hiện như một ngôi sao sáng thôi.  

* Anh có nghĩ một đoạn đường từ phim ngắn đến phim truyện dài có xa lắm không?

- Tôi chỉ nói về chính tôi, khi YxineFF có xin chiếu hai phim ngắn Thiếu phụ Nam XươngHòn vọng phu làm từ năm 1987 của tôi, tôi đã không đồng ý, rất xấu hổ vì theo tôi phim không hay lắm. Không ai nghĩ từ hai phim ngắn dở đó tôi lại nhảy ra làm phim dài. Nhưng lúc đó đối với tôi, con đường đi tiếp là đương nhiên, có khởi đầu mới có con đường cho mình, rất chông gai, nhưng nếu đam mê, mình cứ đi. Và tôi mong các đạo diễn trẻ cũng thế. Tôi xem thấy phim đầu tay của các bạn hay hơn của tôi nhiều.

* Đồng ý chuyện cứ bước tiếp, nhưng trên con đường đó, hẳn anh cũng phải cầm nắm, lượm lặt gì đó chứ nhỉ?

- Tất nhiên là mình phải luôn luôn học. Học không phải vào trường học, mà mình nên xem những bộ phim hay, và mình biết lý do vì sao nó hay, đó là học. Học chứ không phải bắt chước, bởi trong nghệ thuật mình chỉ có thể làm những gì mình nghĩ ra, làm được trong khả năng của mình. Mình có sự nhạy cảm đặc biệt trong con người mình và khai thác nó, mình tìm ra ngôn ngữ chính xác nhất để chia sẻ nhạy cảm đó với người khác. Đến giờ tôi vẫn nghĩ, khi mình xem được những bộ phim hay đã cho mình cảm hứng lớn để làm phim.

 Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng: “Ai ở VN bỏ tiền cho tôi làm phim, tôi làm ngay!” 3
Poster phim Rừng Na Uy của đạo diễn Trần Anh Hùng

* Sinh ra ở VN, sang Pháp từ những thuở thiếu niên, sau này làm phim, dù là phim nội dung nói về đời sống VN (Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng…) hay phim hoàn toàn nói tiếng Anh (như I come with the rain, Rừng Na Uy…) thì phim của anh đều gắm “mác” phim Pháp hay phim nước ngoài chứ không phải phim VN, điều đó với anh có phải là một chọn lựa?

- Phim chỉ là phim. Phim ảnh không có quốc tịch. Bởi điện ảnh là một ngôn ngữ, mình phải nói ngôn ngữ đó một cách trôi chảy, phong phú, mạnh mẽ và cái đó mới là quan trọng. Điện ảnh có ngôn ngữ riêng biệt tùy cá tính của người đạo diễn, chứ không phải như thế nào là phim VN, như thế nào là phim nước ngoài. 

* Cái tên Trần Anh Hùng được khán giả VN rất tự hào, anh có nghĩ một lúc nào đó mình sẽ làm một bộ phim từ một trong những nhà sản xuất, hãng phim VN, để VN có cơ hội lớn như anh đã từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá tại các LHP thế giới?

- Tất nhiên, nếu bây giờ ở VN có ai bỏ tiền ra cho tôi làm phim, tôi làm ngay. Đó cũng là mơ ước đã lâu của tôi. Từ đầu, tôi làm phim Pháp là vì họ bỏ tiền ra cho tôi làm.

* Có thể thấy các phim anh từng làm, kinh phí thuộc vào hàng cao xấp xỉ các bộ phim Holywood. Trong khi, phim ảnh ở VN đầu tư cao lắm chỉ mới ở mức 1 triệu USD. Vậy cần phải đủ bao nhiêu và những điều kiện gì để anh có thể đặt bút ký hợp đồng thực hiện phim với các hãng trong nước?

- Tùy theo phim mà có giá thành khác nhau. Trong tất cả những phim tôi làm, kinh phí khác nhau. Tất nhiên mình phải có đầy đủ tiền để làm ra một phim chất lượng tốt. Mỗi người có cách làm việc riêng và cách làm việc của tôi hơi đắt vì khâu chuẩn bị phải có thời gian. Ví dụ như làm Mùa hè chiều thẳng đứng, tôi cần một tuần để thử hóa trang, quần áo… vì thế đẻ ra những chi phí hơi nặng. Còn một bộ phim cần bao nhiêu tiền để làm, tôi cũng chưa nói được, chỉ khi kịch bản đã xong, trợ lý đạo diễn lên kế hoạch quay trong thời gian bao lâu, với bao nhiêu cảnh… thì mới tính được kinh phí. Chứ bảo tôi đưa anh 4 triệu USD, anh về làm phim đi, tôi cũng chưa biết gì để có thể nhận làm hay không.

* Kinh phí làm phim ở VN đa số thường chỉ khoảng trên dưới nửa triệu USD, với số tiền như thế, anh nghĩ mình có thể làm nên một bộ phim VN hay không? 

- Được chứ. Nhưng đó phải là một phim chỉ có 3 nhân vật, bối cảnh trong 1 căn nhà… thì mình chắc sẽ làm được.

* Theo dõi hoạt động gần đây của anh, anh tham gia nhiều hoạt động ủng hộ điện ảnh VN và các liên hoan phim Việt ở hải ngoại đều tôn vinh anh như là một nguồn cảm hứng cho các đạo diễn gốc Việt trẻ hướng về sự phát triển của điện ảnh VN…

- Đó là niềm vui đối với tôi. Khi tôi thấy một đạo diễn người Việt làm ra một bộ phim hay, tôi rất sung sướng. Tôi không nghĩ mình có ảnh hưởng gì lớn lắm đâu. Tôi ủng hộ các hoạt động bởi đó là niềm vui lớn đối với tôi.

* Sau Rừng Na Uy năm 2010, chưa thấy anh làm phim lại, bao giờ sẽ bắt đầu?

- Năm tới. Là một phim Pháp, có tựa Éternité (tạm dịch: Đời), quay ở Paris, câu chuyện hoàn toàn Pháp từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, trong một gia đình Pháp, không có lai Á châu nên không có diễn viên VN. Phim kinh phí lớn, sẽ quay với nhiều mùa, lạnh - nóng, có cảnh có tuyết - hoa nên sẽ quay trải dài suốt năm.

* Điều gì thú vị để anh nghĩ anh sẽ phải làm bộ phim này?

- Câu chuyện thú vị, tạo ra cảm xúc rất là mới mẻ đối với tôi. Đây là một phim rất nguy hiểm đối với tôi. Nó có thể tuyệt vời hoặc có thể là một loại vứt đi. Đó là phong cách. Tôi chưa nói được vì sao nguy hiểm. Vì rất mạo hiểm. Tôi chưa làm nên chưa nói vì sao “nguy hiểm”, nhưng tôi biết chắc thế.

* Tôi có biết anh đang làm một dự án phim tài liệu, nói về các nghệ sĩ mỹ thuật, hội họa, thị giác trẻ ở VN. Tại sao có dự án nhỏ rẽ ngang này trong bước đường của anh?

- Cái này không nhỏ đâu, tôi đầu tư và đặt rất nhiều tâm huyết cũng như thích thú cao độ với dự án phim tài liệu đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Trước đây, tôi thích phim tài liệu nhưng không dám làm vì thấy rất khó, nhưng rồi trong Năm trao đổi Văn hóa giữa Pháp và VN, có người mời tôi làm phim tài liệu, rất lôi cuốn, nên tôi không cưỡng lại được. Làm việc với 6 nghệ sĩ Việt đương đại trong phim (2 gốc Việt, 4 trong nước), họ sẽ đưa lại cho mình những cảm hứng rất hay. Chính 6 nghệ sĩ ấy tạo ra kịch bản này. Tôi cứ đến quay, họ nói và qua những gì họ nói đã hình thành nên kịch bản cho phim tài liệu này. Phim khoảng 52 phút, bởi phim sẽ chiếu trên các đài truyền hình trên thế giới nên phải giữ dung lượng bắt buộc này. Nếu muốn cho phim ra rạp phải để 1 tiếng 30 phút. Nếu phim được đánh giá tốt, hoặc tôi có cảm hứng nữa thì sau này đài truyền hình nào ở VN muốn làm phim tài liệu ngắn 20 phút mời, tôi cũng có thể làm.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Phan Cao Tùng

>> Duyệt phim - Vừa mở vừa đóng
>> Duyệt phim như thế nào ?
>> Duyệt phim cần cơ chế đối thoại ! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.