Thảm họa rình rập trên đỉnh Mayon

25/12/2009 23:07 GMT+7

Lúc thì dịu dàng như một cô gái, lúc thì dữ dội như một chiến binh, núi lửa Mayon ở Philippines gắn liền với truyền thuyết về chuyện tình bi đát đã phun trào 49 lần trong gần 400 năm qua.

Bức ảnh núi lửa Mayon phun trào ngày 21.7.1928 do đại úy Mỹ Leonard Johnson chụp - Ảnh: photolib.noaa.gov
Bức ảnh núi lửa Mayon phun trào ngày 21.7.1928 do đại úy Mỹ Leonard Johnson chụp - Ảnh: photolib.noaa.gov

Trong những ngày này, núi lửa Mayon đang rục rịch chuẩn bị cho một đợt phun trào mới. Những cột khói bụi bốc lên trên đỉnh núi tạo thành một vẻ huyền ảo, nhưng đó là một vẻ đẹp chết người. Một khi Mayon phun trào nham thạch, khu vực xung quanh sẽ bị tàn phá như trong một cuộc chiến tranh bằng vũ khí hủy diệt.

Truyền thuyết một chuyện tình

Núi lửa Mayon ở Philippines thu hút khách du lịch bởi hình nón đặc trưng được hình thành sau nhiều lần phun trào. Nó được coi là một ngọn núi lửa có hình nón hoàn hảo. Nông dân địa phương thì nhờ vào đất đai màu mỡ sau những đợt dung nham phun trào để trồng trọt. Các nhà khoa học thì muốn nghiên cứu nhiều hơn về nó, nhất là sức mạnh của những đợt bùng nổ. Mayon là một trong những ngọn núi lửa đặc biệt của Philippines.

Theo một câu chuyện được lưu truyền trong vùng, núi Mayon được hình thành bởi một mối tình ngang trái kiểu Romeo và Juliet. Truyền thuyết kể rằng nàng Daragang Magayon xinh đẹp của bộ tộc quyền lực ở tỉnh Bicol đã đem lòng yêu người kế vị của một bộ tộc thù địch. Tình yêu của họ bị ngăn cấm và đôi trai gái phải trốn đi. Chiến tranh giữa 2 bộ tộc xảy ra sau đó, khiến đôi trai gái phải tự vẫn tại địa điểm ngọn núi lửa Mayon hiện nay. Nhiều phiên bản khác trong dân gian nói ngọn núi tượng trưng cho nàng Magayon xinh đẹp, còn khói trắng (do tro bụi phun ra) tượng trưng cho chàng trai.

Một số thảm họa núi lửa ở Đông Nam Á

- Năm 1772, núi lửa Papandayan ở Indonesia phun trào khiến 2.597 người chết vì tro bụi.

- Năm 1814, núi lửa Mayon bùng nổ, chôn vùi làng mạc, 1.200 người chết.

- Năm 1816, núi lửa Tambora ở Indonesia phun trào khiến 92.000 người thiệt mạng. Trong đó, 10.000 người chết vì dung nham phun trào và tro bụi. Số còn lại chết vì các nguyên nhân liên quan.

- Năm 1882, núi lửa Galunggung (Indonesia) phun trào khiến 4.011 người chết.

- Năm 1883, núi lửa Krakatoa cũng ở Indonesia hoạt động. Tiếng nổ phát ra từ núi lửa cũng được cho là lớn nhất trong lịch sử. Trong vụ nổ này không ai thiệt mạng. Tuy nhiên, trận sóng thần phát sinh sau những chấn động của vụ nổ đã làm 36.000 người chết.

- Năm 1911, núi lửa Taal ở Philippines bùng nổ khiến 1.335 người chết.

- Năm 1919, núi lửa Kelut ở Indonesia hoạt động khiến 5.110 người thiệt mạng do lở bùn.

- Năm 1963, núi lửa Agung (Indonesia) hoạt động, 1.184 người chết.

(Tổng hợp từ uwgb.edu, Epic Disasters, Wikipedia và một số tài liệu khác)

Trong suốt những đợt phun trào, một số già làng nói họ nghe thấy ngọn núi lửa rên khóc như giọng của đôi trái gái. Các nhà khoa học thì cười cợt điều này nhưng BBC dẫn lời ông Alex Baloloy, một nhà khoa học tại Viện Núi lửa và địa chấn Philippines, khẳng định núi lửa thuộc giống cái vì “cô ấy trông thật xinh đẹp”.

Khi “người đẹp” nổi giận

Thực tế, vẻ đẹp ẩn chứa sức phá hủy khủng khiếp của Mayon. Một khi hoạt động, nó sẽ phun ra khí cực nóng và bùng nổ dung nham rồi đổ xuống khu vực đồng bằng bên dưới với tốc độ nhanh khủng khiếp, thiêu rụi và làm bốc hơi tất cả những gì trên đường đi của nó. Theo BBC, trong những lần phun trào trước, những dòng nham thạch hung hãn đã trải dài tới 6 km tính từ miệng núi lửa. Những vụ nổ bắn ra tro bụi có thể vươn xa ra nhiều thị trấn và thành phố lân cận cách đó 15 km.

Đợt bùng nổ đầu tiên của núi lửa Mayon được ghi nhận vào năm 1616, nhưng trận phun trào khủng khiếp nhất là vào năm 1814 khi núi lửa này bắn ra hàng trăm triệu m3 tro bụi. Theo những ghi chép thời đó, thị trấn Cagsawa, cách đỉnh núi 11 km, đã hoàn toàn bị chôn vùi. Chỉ có tháp nhà thờ của thị trấn là còn nhô lên trên bề mặt dung nham.

Tháng 7.2006 đánh dấu lần phun trào thứ 48 của núi lửa Mayon. “Người đẹp” đã phun nham thạch và tro bụi trong suốt 2 tháng. Ba tháng sau, cơn bão mạnh Durian đã mang mưa lớn đến với lượng mưa đo được là 495,8 mm trong suốt 1 ngày rưỡi. Nước mưa hòa lẫn với tro, nham thạch đã tạo ra một dòng chảy đầy bùn và đá cuội di chuyển với tốc độ cao, phá hủy làng mạc và khiến 1.266 người chết. Các chuyên gia cho rằng cơn bão Durian ập đến vào thời điểm đó là một ngoại lệ. Tuy nhiên, những thảm họa sau đợt phun trào của núi lửa Mayon đã từng xảy ra trước đó. Vào năm 1825, sự kiện tương tự đã xảy ra đối với thị trấn Cagsawa khiến khoảng 1.500 người thiệt mạng.

Ngay tại thời điểm này, núi lửa Mayon đang hoạt động trở lại. Việc phun trào dung nham có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và một lần nữa, điều các nhà khoa học lo ngại là trong 3 tháng nữa, mùa bão nhiệt đới của Philippines sẽ đến, thảm họa sau đợt phun trào có thể lại xảy ra.

Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là 2 quốc gia nằm ngay trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường hứng chịu các trận động đất, núi lửa phun trào. Theo Viện Núi lửa và địa chấn Philippines, tại nước này có 26 núi lửa đang hoạt động, 27 núi lửa có khả năng hoạt động cùng 355 núi lửa đã ngừng hoạt động. Indonesia là nước có nhiều núi lửa nhất trên thế giới, theo chuyên gia núi lửa Stanley Williams. BBC cho hay Indonesia có 129 núi lửa đang hoạt động.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.