Bậc thầy truyện ngắn Alice Munro đoạt giải Nobel Văn học 2013

10/10/2013 18:51 GMT+7

(TNO) Ngày 10.10, Ủy ban Nobel công bố giải Nobel Văn học 2013 thuộc về nhà văn nữ Canada Alice Munro.


Nhà văn Alice Munro - Ảnh: AFP

Ủy ban Nobel cho biết bà Munro đạt giải Nobel Văn học 2013 nhờ vào những truyện ngắn và tiểu thuyết độc đáo của mình.

Giới phê bình đánh giá các câu chuyện cảm động và giản dị của bà đã đưa người đọc khám phá sự phức tạp của con người theo một phong cách rất nhẹ nhàng.

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Do Thái Cynthia Ozick từng nhận xét bà Munro là "một trong những tiểu thuyết gia đương đại vĩ đại nhất của nhân loại".

Theo Ủy ban Nobel, giải Nobel Văn học đã được trao 105 lần trong giai đoạn 1901 - 2012, ngoại trừ những năm 1914, 1918, 1935, 1940, 1941, 1942, và 1943 là không có bất kỳ một tác phẩm, tác giả nào được trao.

Đến nay, không ai được trao giải Nobel Văn học hai lần, và có hai người từ chối nhận giải Nobel Văn học.

Tác giả người Anh Doris Lessing trở thành người đoạt giải Nobel Văn học cao tuổi nhất. Bà đoạt giải ở tuổi 87 vào năm 2007. Bà Lessing từng cho rằng giải Nobel là “một thảm họa” vì khiến bà không còn thời gian để viết sách.

Cho đến ngày 10.10, người đoạt giải Nobel Văn học trẻ tuổi nhất là nhà văn người Anh Rudyard Kipling. Ông nổi tiếng với cuốn The Jungle Book, đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1907, khi ông 42 tuổi.

Những người đoạt giải Nobel năm 2013 sẽ được trao giải tại một buổi lễ tổ chức long trọng ở thành phố Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 10.12 tới.

Do khủng hoảng kinh tế, số tiền thưởng cho mỗi giải Nobel đã giảm từ 10 triệu kronor xuống còn 8 triệu kronor (1,2 triệu USD).

Năm nay có 259 ứng viên cho giải Nobel nhưng tổ chức trao giải Nobel không công bố danh sách này.

Bậc thầy truyện ngắn Alice Munro

Nhà văn Alice lấy cảm hứng sáng tác cho các tác phẩm của bà nhờ vào sự quan sát tinh tế vùng quê ở bang Ontario, Canada, nơi bà sinh ra và lớn lên.

Mặc dù rất thành công và nhận được hàng loạt giải thưởng văn học trong vòng 4 thập niên qua, nhưng bà Munro vẫn khiêm tốn như những nhân vật của bà.

“Bà Munro không phải là người giao thiệp rộng. Bà ít khi xuất hiện trước công chúng, và không tham gia các chuyến đi giới thiệu sách”, AFP dẫn lời nhà phê bình văn học Mỹ David Homel cho biết.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng đồng quê, cha của bà Munro là một nông dân, còn mẹ của bà là một giáo viên.

Khi mới lên 10 tuổi, bà Munro đã muốn trở thành một nhà văn và bà chưa bao giờ bị dao động trước sự lựa chọn nghề viết văn.

“Tôi nghĩ rằng tôi thành công trong nghề viết văn bởi vì tôi không có bất kỳ tài năng nào khác”, bà Munro nói.


Tác phảm Dear Life của nhà văn Munro - Ảnh: AFP

Bà Munro gặp người chồng đầu tiên, ông James Munro, khi còn là sinh viên.

Cả hai đính hôn vào năm 1951 và chuyển đến sống tại Vancouver, nơi bà hạ sinh 3 đứa con gái.

Đến năm 1963, cặp vợ chồng này mua một căn nhà ở thành phố Victoria và mở một hiệu sách, mang tên Hiệu sách Munro’s.

Nhà sách này được nhà báo nổi tiếng người Canada Allan Fotheringham ví như “hiệu sách tuyệt vời nhất của Canada, và có thể là của cả Bắc Mỹ”.

Nhà văn Munro đã ba lần được trao tặng giải thưởng Governor General's Award cho các tác phẩm Dance of Happy Shades (tạm dịch: Buổi khiêu vũ của những cái bóng hạnh phúc, Who Do You Think You Are (tạm dịch: Bạn nghĩ bạn là ai) và The Progress of Love (tạm dịch: Diễn tiến của tình yêu).

The Governor General’s Literary Awards là giải văn chương uy tín và lâu đời nhất của Canada, dành cho các phẩm viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Các truyện ngắn của bà thường xuyên xuất hiện trên trang của những tạp chí uy tín của Mỹ như The New YorkerThe Atlantic Monthly.

“Bà viết về phụ nữ cho phụ nữ đọc, nhưng không bao giờ viết xấu xa về đàn ông”, nhà phê bình văn học Homel nhận xét.

Cách chọn chủ đề và phong cách viết của bà đã mang lại cho bà biệt danh “Chekhov của chúng tôi” tại Canada. Anton Chekhov là nhà viết văn nổi tiếng người Nga hồi thế kỷ 19.

Bà Munro cũng từng tự nhận rằng mình viết về “điểm yếu của các mối quan hệ”, nói rằng bà hay lấy Canada làm bối cảnh trong các tác phẩm của mình “vì tôi đã sống cả đời ở đây đến một mức độ bực bội mà tôi sẽ không thể có được ở một nơi mà tôi không biết ít hơn”.

Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên chấm dứt năm 1972, bà Munro chỉ ở nhà viết lách tại Ontario.

Bốn năm sau đó, bà Munro tái hôn với nhà địa lý Gerald Fremlin, kể từ đó, cứ mỗi bốn năm một lần bà lần lượt xuất bản các tác phẩm của mình.

Hồi đầu năm 2013, bà Munro từng nói rằng bà có thể sẽ không viết văn nữa.

Trong buổi phỏng vấn với tờ The New York Times (Mỹ), bà Munro khẳng định bà sẽ nghỉ hưu và tác phẩm Dear Life (tạm dịch: Cuộc đời đáng yêu) sẽ là tác phẩm cuối cùng của bà.

Hoàng Uy - Phúc Duy

>> Người đoạt giải Nobel xài tiền thưởng như thế nào
>> Nobel Hóa học 2013 về tay người Mỹ
>> Giải Nobel Vật lý 2013 còn 'sai lầm
>> Nobel Vật lý cho 'Hạt của Chúa
>> Dân cá cược đặt 'cửa' Murakami cho giải Nobel Văn học
>> Giải Nobel Vật lý 2013 vinh danh khám phá 'hạt của Chúa
>> Nobel Y học 2013: Khám phá “trật tự giao thông” của tế bào
>> Ba nhà khoa học Mỹ và Đức đoạt giải Nobel Y học 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.